Yếu tố cơ bản: TTCK Việt Nam hụt hơi so với thế giới
Diễn biến đáng chú ý nhất trong tuần qua là giá vàng tăng rất mạnh, giới đầu tư toàn cầu đang có xu hướng chuyển việc nắm giữ USD sang vàng - kim loại quý được xem là nơi trú ẩn an toàn cho tài sản.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu xuất hiện các pha rung lắc, nhưng chưa làm thay đổi xu hướng tăng đã được hình thành trước đó. Tại TTCK Việt Nam, VN-Index vẫn trong pha giảm và tỏ ra yếu hơn nhiều so với mặt bằng chung của TTCK quốc tế trong suốt 1 tháng gần đây.
TTCK toàn cầu rung lắc nhưng chưa làm thay đổi xu hướng tăng trước đó.
Khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng bán ròng, thậm chí mức độ bán còn mạnh hơn trong tuần qua.
Ðiểm sáng hiếm hoi là trong phiên giảm mạnh cuối tuần, khối ngoại quay trở lại mua ròng hơn 20 tỷ đồng, giá trị dù nhỏ nhưng phần nào cho thấy họ chưa có ý định tháo chạy khỏi thị trường.
Nếu trạng thái này được duy trì trong những phiên thị trường rung lắc thì đó có thể xem là chất xúc tác tích cực cho khả năng hồi phục của chỉ số.
Yếu tố kỹ thuật: Quay lại thời kỳ biến động nhanh và mạnh
Thị trường vốn dĩ đã rất mong manh và các tin tức xấu liên quan đến Covid-19 càng khiến tình hình trở nên tệ hơn, VN30 trượt mạnh, gãy hỗ trợ quanh vùng giá trung bình 50 phiên tại 895 điểm một cách dễ dàng do sự tháo chạy của nhiều nhà đầu tư.
VN30 có hỗ trợ quanh 760 điểm và VN30F có hỗ trợ quanh 750 điểm.
Tâm lý dòng tiền tất nhiên là tiêu cực, nhưng chưa tới mức hoảng loạn. Tâm lý buông bỏ chưa xuất hiện, nhưng khả năng thị trường sẽ còn chịu thêm nhiều áp lực trong các phiên tới.
Dòng tiền tham gia vẫn rất yếu trong suốt thời gian qua và cung cầu gần như vận động cùng nhau, hệ quả là giá liên tục có những phiên đi ngang, chỉ khi thị trường xuất hiện thông tin mới đủ sức nặng thì trạng thái này mới có sự thay đổi.
Ðiều đáng tiếc là tin xấu lại xuất hiện khiến bên bán vốn đã mất dần sự kiên nhẫn càng có lý do để tháo chạy và trên đồ thị kỹ thuật, đường cung tăng lên mạnh là điều dễ hiểu.
Bên bán áp đảo.
Ðà lan tỏa đã xác nhận gãy đường xu hướng tăng trong tuần qua, phản ánh thị trường mất đà tăng, do vậy quá trình lấy lại đà tăng sẽ rất vất vả. Hiện tại, đà lan tỏa đang có dấu hiệu quay trở lại kiểm chứng đáy cũ 12%, đây cũng là khu vực có thể xuất hiện những nhịp nảy. Nếu thị trường có một nhịp điều chỉnh nữa thì khả năng dòng tiền tham gia bắt đáy quyết liệt là rất cao.
Đà lan tỏa đánh mất xu hướng tăng .
Diễn biến của các nhóm ngành trụ vốn diễn ra “hời hợt” khi nhóm ngân hàng chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, còn nhóm thực phẩm, đồ uống và bất động sản liên tục trồi sụt, chưa tạo được niềm tin vững chắc. Dòng tiền không tập trung chọn các cổ phiếu vốn hóa lớn, mà chủ yếu tìm cơ hội ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.
Do vậy, việc thị trường giữ được trạng thái tích lũy đã là thành công và khi có yếu tố tiêu cực xuất hiện thì việc VN30 gãy nền hỗ trợ là diễn biến phù hợp trong bối cảnh vận động yếu của dòng tiền ở các trụ trong thời gian qua.
Thị trường mất các trụ đỡ.
Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: Cơ hội mua chưa mất
Phiên giảm mạnh vào cuối tuần qua có thể làm thay đổi bức tranh nhỏ là trạng thái “dìu dắt đi lên” trong bối cảnh dòng tiền yếu nhưng chưa làm thay đổi bức tranh lớn là “trạng thái tích lũy” với cận dưới là 750 điểm và cận trên là 820 điểm.
Chỉ số phái sinh VN30F1M vẫn dao động trong vùng tích lũy lớn nên chiến lược canh Mua (Long) chưa hẳn là hết hy vọng. Trong khi đó, vị thế Bán (Short) nên được ưu tiên nếu chốt chặn cuối cùng là cận dưới 750 điểm bị phá vỡ.
VN30F1M vẫn đang dao động trong vùng tích lũy lớn.
Cụ thể, vị thế Mua (Long) sẽ được cân nhắc khi chỉ số phái sinh VN30F1M có nhịp phản ứng tốt với khu vực hỗ trợ quanh 750 - 760 điểm và xuất hiện nhịp đảo chiều mạnh. Ngược lại, vị thế Bán (Short) được ưu tiên khi giá thủng nền hỗ trợ 750 điểm.