VN30, nên làm mới hay để lại?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vai trò của VN30 rất quan trọng, nên nhiều người cho rằng, nhà quản lý nên sớm xem xét lại tiêu chí lọc rổ.
VN30, nên làm mới hay để lại?

Dù chiếm tỷ trọng vốn hóa rất lớn (khoảng 80%) trong bức tranh chung toàn thị trường, nhưng trong VN30 vẫn có những cổ phiếu được nhà đầu tư cho là quá yếu. Ðiều đáng nói là rổ chỉ số VN30 đang là nền tảng cho nhiều sản phẩm như phái sinh và cho các quỹ ETF.

Tại đợt tái cơ cấu danh mục VN-30 mới đây, rổ chỉ số này có một số mã vào, ra, nhưng tiêu chí lựa chọn vẫn như cũ. Ðiều này gây ít nhiều thất vọng đối với nhiều thành viên thị trường.

Từ khi ra đời đến nay, VN30 được lựa chọn dựa trên những tiêu chí như vốn hóa, thanh khoản, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng… Vì thế, giá của các cổ phiếu trong rổ này phản ánh tốt mối quan hệ cung - cầu, cũng như tiết chế sự ảnh hưởng quá mức của các cổ phiếu khi rổ VN30 giới hạn tỷ trọng vốn hóa tối đa cổ phiếu không vượt quá 10%.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng cho rằng, vấn đề bức bối không hẳn ở tiêu chí của chỉ số, mà là ở việc nhà đầu tư xem VN30 là 30 cổ phiếu bluechips trên thị trường.

Chính quan niệm này khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, vì sao nhiều cổ phiếu đầu ngành lại không được chọn vào VN30, trong khi như ROS - cổ phiếu có biến động giá quá bất thường và hiện đứng ở thị giá 2.420 đồng/cổ phiếu lại vẫn… sừng sững có tên trong VN30?

“Nếu thay đổi tiêu chí chọn cổ phiếu, tôi đề nghị Hội đồng chỉ số bổ sung tiêu chí doanh nghiệp được chọn phải kinh doanh có lãi hoặc có tốc độ tăng trưởng nhất định trong 2 - 3 năm liên tục. Việc đặt tiêu chí cao hơn sẽ giúp VN30 đẹp hơn trong mắt nhà đầu tư và các thành viên thị trường, xứng đáng là nơi đặt niềm tin và trụ cột của dòng tiền đầu tư”, ông Khánh nêu quan điểm.

Quan điểm từ đại diện nhà quản lý cho rằng, thay đổi tiêu chí chọn rổ cổ phiếu cũng không khác gì việc xây một chỉ số mới.

Theo vị này, thị trường cần phải có thêm chỉ số mới, ngoài chỉ số VN30 để cung cấp phong phú công cụ đánh giá, chọn lựa cho nhà đầu tư. Ông cũng cho rằng, nếu có thêm chỉ số mới thì đỡ gánh nặng cho VN30, bởi hiện nay sản phẩm nào cũng dựa trên VN30 cả.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, nếu nâng cấp các tiêu chí trong rổ chỉ số VN30, hiệu ứng thị trường sẽ tốt hơn. TTCK vốn dĩ bị tác động bởi nhiều yếu tố và các chỉ số chỉ là một phần, song thực tế lâu nay, thị trường vẫn ngầm hiểu chỉ số VN30 là chuẩn mực và là nơi của những cổ phiếu hàng đầu.

“Hiện nay, tiêu chí lựa chọn chỉ đơn giản là quy mô vốn hóa hay thanh khoản, nghĩa là VN30 là tổng hợp của 30 công ty có vốn hóa lớn nhất, thanh khoản tốt và có tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng cao, nhưng nhà đầu tư cần nhiều hơn thế. Chúng tôi muốn VN30 xứng đáng là 30 công ty lớn về các tiêu chí trên và có hiệu quả kinh doanh xứng tầm hàng đầu”, nhà đầu tư Tuấn nói.

Trường hợp nhà quản lý muốn giữ VN30 như một vẻ đẹp của lịch sử, nhu cầu từ thị trường cho thấy, rất cần xây dựng thêm một bộ tiêu chí mới, đánh giá và chọn lọc được những cổ phiếu đại diện tiêu biểu cho cổ phiếu TTCK Việt Nam.

Ðiều này sẽ tăng thêm sức hút đối với các quỹ đầu tư nước ngoài, đặc biệt các quỹ đầu tư chỉ số và giúp nhà đầu tư đỡ phân tâm, đỡ đặt các câu hỏi tại sao khi nhìn vào rổ VN30 như bây giờ.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục