1. Giới đầu tư đang dành sự chú ý đối với dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ, khi mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng dẫn Tập đoàn Geleximco về thủ tục đầu tư, thuê đất, giao đất và thực hiện đầu tư xây dựng để sớm triển khai một trung tâm logistics đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam.
Sở dĩ có sự quan tâm đặc biệt như vậy, một phần bởi quy mô rất lớn của dự án với tổng diện tích 1.200 ha, số vốn đầu tư dự kiến khoảng 50.000 tỷ đồng, trong đó, dự án Cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ có diện tích 86,6 ha với tổng số vốn đầu tư dự kiến 10.000 tỷ đồng.
Doanh nhân Vũ Văn Tiền
Đầu tư cho hạ tầng không phải là lĩnh vực dễ ăn xổi. Vậy tại sao doanh nghiệp lại chọn đầu tư vào dự án Cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ, cũng như Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ?
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Geleximco cho biết, chi phí logistics của Việt Nam hiện đang chiếm bình quân khoảng 21% trên giá thành sản phẩm, tỷ lệ rất cao so với các nước phát triển.
“Để giải bài toán giảm chi phí logistics cho hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam, chúng tôi đã nghiên cứu và quyết định đầu tư”, ông Tiền nói.
Còn nhớ, tại cuộc đối thoại của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hai năm trước, ông Tiền đã nhấn mạnh về việc cần thiết có những giải pháp hạ chi phí logistic, kiến nghị này đã được Diễn đàn đánh giá cao. Nay trăn trở trên đang được hiện thực hóa.
Geleximco quyết định đầu tư Cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ, bởi cảng thuộc quy hoạch trong cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, cửa ngõ quốc tế khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam của đất nước.
Với hệ thống luồng sâu có thể thiết kế bến cảng đủ năng lực tiếp nhận những tàu lớn nhất trên thế giới, trọng tải đến 200.000 DWT và nằm gần kề các tuyến hàng hải quốc tế cho phép trực tiếp đưa hàng từ Việt Nam đến thẳng các cảng của châu Âu, Bắc Mỹ mà không cần trung chuyển qua Singapore, Hongkong..., việc xây dựng cảng này sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm hàng tỷ USD/năm.
Trong khi đó, Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ với quy mô lớn nhất Việt Nam, tầm cỡ trong khu vực, sẽ kết nối trực tiếp với hệ thống cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với đầy đủ chức năng đồng bộ như tập kết hàng hoá, phân phối hàng hóa, gom hàng, giao hàng, lưu giữ, xử lý, bảo quản...
Đầu tư hàng tỷ USD cho các dự án hạ tầng là bài toán hóc búa với ngay cả những đại gia lớn trên thế giới, trong khi các tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam còn chưa mạnh về tiềm lực, năng lực cạnh tranh và khả năng tổ chức chuyên nghiệp.
Nhận thức rõ những thách thức lớn mà Tập đoàn phải đối mặt, Geleximco sẽ đầu tư dự án đồng bộ, hiện đại với công nghệ tiên tiến, đi đôi với hệ thống quản trị thông minh để đáp ứng được nhu cầu phát triển trong thời kỳ mới.
Ông Tiền cho biết, Geleximco không “đi một mình”, mà sẽ liên doanh đầu tư cùng với Công ty Vận tải và thương mại quốc tế (ITC CORP). Ngoài ra, Tập đoàn còn có nhiều đối tác nước ngoài là các công ty, tập đoàn nổi tiếng trên thế giới, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển, hãng tàu, logistics sẵn sàng cùng chung tay đầu tư, hợp tác và ủng hộ để khai thác dự án hiệu quả nhất.
2. Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T cũng có giấc mơ lớn, đầu tư những đại dự án hạ tầng có quy mô và chất lượng quốc tế ở Việt Nam. T&T đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Bouygues triển khai hai dự án hạ tầng.
Thứ nhất là dự án đường sắt đô thị số 3 (đường sắt đôi) nối trung tâm TP. Hà Nội với thị xã Sơn Tây, được đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Tuyến đường này có tổng chiều dài 31,1 km, tổng giá trị đầu tư khoảng 1,4 tỷ Euro.
Doanh nhân Đỗ Quang Hiển
Thứ hai là nâng cấp, mở rộng, vận hành và bảo trì Sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội) với tổng giá trị đầu tư 250 triệu euro. Dự kiến, vào quý IV/2018 hoặc đầu năm 2019, dự án này sẽ được khởi công.
Ngoài ra, còn nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn khác mà T&T bắt tay với đối tác nước ngoài như hợp tác với Tập đoàn Hitachi Zosen (Nhật Bản) đầu tư các dự án đốt rác phát điện tại Hà Nội trị giá 200 triệu USD; hợp tác với Tập đoàn Boskalis (Hà Lan) trong lĩnh vực cảng biển.
Tập đoàn cũng hợp tác với nhà đầu tư Hàn Quốc thực hiện dự án thu hồi khí gas bãi chôn lấp rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) để phát điện…
Trước đây, các cơ sở hạ tầng ở Việt Nam là đầu tư công, nhưng hiện tại, nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn từ ngân sách nhà nước là không đủ. Do đó, Chính phủ đã và đang đẩy mạnh thu hút nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước cho đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
“Hạ tầng giao thông hay năng lượng đều là những lĩnh vực ngốn vốn lớn, thời gian thu hồi không thể trong “ngày một ngày hai”. Các tập đoàn tư nhân đã chứng minh họ có năng lực triển khai các dự án hạ tầng quy mô lớn.
Nhiều dự án hạ tầng lớn tới đây sẽ không phải trông chờ vào ngân sách nhà nước, mà được giao cho tập đoàn tư nhân triển khai với tốc độ rất nhanh, hiệu quả. Đây là cơ hội đầu tư – kinh doanh lớn với các doanh nghiệp tư nhân, cũng như để các doanh nghiệp thực hiện sứ mệnh đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng đất nước", ông Hiển trải lòng.
3. Trong khi đó, bài toán lớn mà bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG đau đáu là một Hà Nội thông minh hơn, đẹp đẽ hơn.
“Tôi từng đi rất nhiều nước trên thế giới, đến đâu cũng có nhiều cảm xúc trước những thành phố đẹp. Tôi cứ suy nghĩ hoài, trục Nhật Tân - Nội Bài có sân bay mới, cầu mới, nhưng nếu hai bên tuyến đường chỉ là những dự án to nhỏ, tự phát không có quy hoạch thì chúng ta không bao giờ có một thành phố đẹp”, bà Nga kể câu chuyện về hành trình 6 năm ròng rã lập quy hoạch hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài.
Doanh nhân Nguyễn Thị Nga
Thời điểm đó, Hà Nội đang làm phân khu 1/2.000, bà Nga báo cáo với các cơ quan cấp trên bày tỏ mong muốn xin làm chủ đầu tư lập quy hoạch, thay vì chủ đầu tư làm dự án (khi đó, có người bảo bà Nga xin hẳn dự án 2.000 ha, thật là kếch xù, bà chỉ im lặng).
Khi ấy, bà Nga đã là chủ ngân hàng, có sân gôn, khách sạn, không làm gì cũng an nhàn, nhưng để có văn bản được làm chủ đầu tư lập quy hoạch, bà phải đi lại rất nhiều lần, không ít khi phải tự động viên bản thân đừng nản, bởi một suy nghĩ luôn đau đáu rằng, nếu trục Nhật Tân - Nội Bài bị băm nát bởi các công trình tự phát, Hà Nội sẽ không bao giờ đẹp.
Cuối cùng, sau nhiều lần trình bày kế hoạch một cách “bướng bỉnh”, BRG đã chính thức nhận được quyết định đồng ý.
Trong quá trình làm quy hoạch, có những kỷ niệm mà bà Nga và các cộng sự sẽ không bao giờ quên. Đó là khi nhà quy hoạch quốc tế yêu cầu phải có khảo sát bình độ 50 cm, để biết chỗ nào là nhà, chùa, đường, trường học…
“2.080 ha phải khảo sát từng 50 cm, tôi là dân ngân hàng, thực sự cảm thấy quá thách thức”, bà Nga chia sẻ.
Suy nghĩ mãi, BRG đã tìm ra giải pháp là hợp tác với các đơn vị quân đội, dù phải bỏ ra chi phí không ít. Đến khi họ “trả bài”, ai cũng thực sự kinh ngạc khi tài liệu chất đầy trên mấy bàn làm việc, đĩa mềm cả xấp.
Chưa kể, 25 cuộc họp với các sở ban ngành, Chính phủ, có những đêm trao đổi, thảo luận với các nhà tư vấn quốc tế đến 2 - 3 giờ sáng.
“Nhiều khi ý tưởng của nhà quy hoạch kiến trúc nước ngoài và cơ quan quản lý không thống nhất, có những công trình phải nâng lên đặt xuống nhiều lần. Lắm lúc mệt, cảm thấy rất cô đơn, tưởng chừng không có ai hiểu và đồng hành với mình, trong khi còn bộn bề bao công việc khác của tập đoàn”, bà Nga kể.
Nhưng với tình yêu Hà Nội, để người dân có môi trường sống mới chất lượng, bà Nga và BRG đã đi đến những chặng đường cuối cùng.
Tháng 12/2015, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bản đồ án quy hoạch được TP. Hà Nội chính thức thông qua.
Trên trục đường mang tầm thời đại ấy, thành phố mang tên Nhật Tân - Nội Bài đang được ấp ủ triển khai với tâm huyết và nỗ lực ở mức cao nhất của các nhà đầu tư. Không chỉ là nơi sống và làm việc lý tưởng, nơi đây còn hứa hẹn trở thành điểm đến mới của du lịch, nghỉ ngơi và vui chơi cho cả người dân thành phố cũng như du khách đặt chân đến Hà Nội.
Khó có thể kể hết những doanh nhân, doanh nghiệp đang tâm huyết, ấp ủ các dự án như vậy. Với họ, mục đích kinh doanh, tạo lập hay phát triển doanh nghiệp không chỉ nhằm đem lại lợi ích cho mình, mà mục tiêu nhỏ đã được đặt trong mục đích lớn, tạo nên sự cất cánh không chỉ của doanh nghiệp Việt, mà còn kỳ vọng đóng góp vào sự cất cánh của đất nước.