Nghịch lý thế giới liên tục phá đỉnh, chứng khoán Đông Nam Á bị bỏ quên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi thị trường quốc tế ủng hộ cổ phiếu công nghệ để tạo ra sự phục hồi đáng kinh ngạc, thì các nhà đầu tư cổ phiếu ở Đông Nam Á lại chứng tỏ mình là những khán giả.
Nghịch lý thế giới liên tục phá đỉnh, chứng khoán Đông Nam Á bị bỏ quên

Chỉ số MSCI Asean đã giảm 19% trong năm 2020 ngay cả khi chỉ số chứng khoán châu Á Thái Bình Dương và thế giới đã lấy lại được những gì đã mất từ đầu năm đến nay.

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các cổ phiếu khu vực Asean cũng có hiệu suất hàng năm kém nhất so với chỉ số MSCI toàn cầu kể từ năm 2013.

“Asean là khu vực bị một số nhà đầu tư bỏ qua vì không có bất kỳ tên tuổi công nghệ lớn nào như Mỹ và Trung Quốc. Khi đà tăng của các cổ phiếu công nghệ còn tiếp tục, chứng khoán khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục có hiệu suất kém do thiếu cổ phiếu công nghệ”, theo Nirgunan Tiruchelvam, Trưởng bộ phận phân tích cổ phiếu tại Tellimer.

Hiệu suất của chỉ số MSCI Asean đang ở mức thấp nhất từ 2013 đến nay

Cổ phiếu công nghệ đã dẫn đầu đà tăng của chứng khoán toàn thế giới từ mức thấp nhất vào tháng 3 - khi sự bùng phát của virus đã thúc đẩy sự chuyển dịch toàn cầu sang tự động hóa và người tiêu dùng phải ở nhà làm, thúc đẩy nhu cầu với mọi thứ từ trò chơi điện tử đến thương mại điện tử.

ASEAN đang bị bỏ lỡ vì lĩnh vực công nghệ và truyền thông chỉ chiếm khoảng 11% trong thang đo MSCI của khu vực so với tỷ trọng 1/3 trong chỉ số S&P 500 và khoảng 1/4 trong chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương.

Trong khi đó, nếu loại trừ các công ty viễn thông ra khỏi nhóm cổ phiếu công nghệ thì chỉ còn một công ty là Singapore’s Venture Corp. - với tỷ trọng ít hơn 0,8% trong MSCI Asean.

Những cổ phiếu trong nền kinh tế cũ như trong lĩnh vực tài chính và bất động sản chiếm khoảng 42% của chỉ số.

Tỷ trọng cổ phiếu công nghệ trong các chỉ số chứng khoán

Dù vậy, sự kém hiệu quả của chỉ số chung khu vực Asean đã mang lại lợi thế cho một số cổ phiếu tên tuổi riêng lẻ với mức tăng nóng nhất trong năm nay. Tuy nhiên tỷ trọng các cổ phiếu này trong chỉ số lại rất nhỏ.

Chẳng hạn trong năm nay, Top Glove Corp. của Malaysia đã tăng 377%, PLDT Inc., công ty viễn thông lớn nhất của Philippines đã tăng 36% nhưng tỷ trọng trong MSCI Asean chỉ dưới 2%.

Sự lạc quan gần đây về việc phát triển vắc-xin có thể cung cấp một số hỗ trợ cho các thị trường Đông Nam Á đang bị tàn phá. Các cổ phiếu có tính chu kỳ của khu vực này có thể được hưởng lợi từ việc mở cửa kinh tế trở lại và tiềm năng dịch chuyển sang đầu tư giá trị.

Carmen Lee, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đầu tư tại Oversea-Chinese Banking Corp cho biết: “Một khi có sẵn loại vắc-xin khả thi để sử dụng đại trà và an toàn trên toàn cầu, chúng tôi tin rằng cổ phiếu chu kỳ sẽ trở lại. Cổ phiếu tài chính sẽ hồi phục khi nền kinh tế hồi phục”.

Hiện tại, Philippines và Singapore đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất với chỉ số chứng khoán đều giảm hơn 20% trong năm nay.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục