Tiền mới chảy mạnh vào chứng khoán Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi nhận hàng tá cuộc điện thoại chào mời gói vay lãi suất thấp, dễ dàng tiếp cận phục vụ mục tiêu tiêu dùng, Eric Zhang cuối cùng cũng tới một trong những nhà băng lớn nhất Trung Quốc trong tháng 6 để vay 400.000 nhân dân tệ (57.600 USD) với lãi suất 4%/năm.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Vấn đề nằm ở chỗ, Eric phải ký vào một bản cam kết sẽ không sử dụng khoản vay để đầu tư bất động sản hoặc cổ phiếu. Tất nhiên, điều này không tạo ra nhiều rào cản bởi chỉ vài ngày sau, anh tìm được một đại lý giúp mình “ngụy tạo” các khoản mua sắm và chuyển tiền mặt vào tài khoản chứng khoán của Eric Zhang.

“Tôi nghĩ rằng, các nhà băng không thể theo dấu các khoản vay và xác định mục đích sử dụng thực tế là gì. Đây đúng là một ‘món hời’ với tôi”, Eric Zhang, hiện là nhân viên một quỹ đầu tư tại Thượng Hải cho biết. Sự vui vẻ của anh xuất phát từ việc danh mục đầu tư tăng trưởng 6% trong tháng vừa qua và khoản tiền mới vay được với lãi suất thấp đã mang lại hiệu quả.

Câu chuyện của Eric Zhang là trường hợp điển hình trên toàn Trung Quốc, khi các nhà đầu tư cá nhân đã tạo động lực chính giúp thị trường có đà tăng mạnh mẽ nhất kể từ năm 2015 cho tới nay.

Các ngân hàng, nền tảng tài chính đầy ắp khách hàng mong muốn nhanh chóng sở hữu tiền mặt để “đánh cược” vào một trong những thị trường chứng khoán biến động dữ dội bậc nhất thế giới.

Diễn biến này tiềm ẩn rủi ro cho cả 2 bên: Người đi vay - các cá nhân ít kinh nghiệm đầu tư và người cho vay, một khi nhà chức trách tiến hành kiểm soát chặt chẽ.

Với việc nền kinh tế Trung Quốc đang chịu tổn thương vì đại dịch Covid-19, các gói hỗ trợ tài chính nhằm tạo bệ đỡ cho tăng trưởng đang được tiến hành. Cùng với đó, giới chức Đại lục quyết định nhẹ tay hơn với “ngân hàng trong bóng tối” (shadow banking), mục tiêu giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ/nhỏ, cũng như các hộ gia đình khó tiếp cận với tín dụng ngân hàng có một cứu cánh.

Dòng tiền chi phí thấp liên tục bơm ra thị trường phần nào đã tạo cơ hội để các nhà đầu tư cá nhân rót thêm tiền vào chứng khoán, trong khi khối doanh nghiệp cũng tranh thủ nguồn lực để đầu tư vào mọi loại tài sản, từ trái phiếu lãi suất cao (junk bonds) cho tới các sản phẩm quản lý tài sản và chứng khoán.

Tiền mới chảy mạnh vào chứng khoán Trung Quốc ảnh 1

Tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính không ngừng gia tăng ngay cả khi hàng triệu người Trung Quốc mất việc vì đại dịch. Tỷ lệ nợ hộ gia đình tăng lên mức kỷ lục 59,7% GDP trong quý II/2020, gấp đôi so với năm 2012.

Trong đó, “công đầu” thuộc về sự mở rộng của các nhà cho vay online như Ant Group, vì khiến việc vay tiền trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, các bước được thực hiện hoàn toàn trực tuyến thông qua các ứng dụng ví điện tử như Alipay.

Tất nhiên, với việc rủi ro ngày càng gia tăng, giới chức Trung Quốc bắt đầu mất bình tĩnh. Mới đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã yêu cầu tất cả các nhà băng báo cáo về các khoản cho vay tín dụng, vay tiêu dùng cá nhân có liên kết với các nền tảng điện tử để có bức tranh rõ ràng hơn về khoảng 6.600 tỷ USD các khoản nợ tiêu dùng hiện tại.

“Không giống như nợ thẻ tín dụng, các nhà băng lẫn nhà quản lý rất khó để giám sát các khoản vay tiêu dùng. Một khi dòng tiền đổ vào chứng khoán, những rủi ro sẽ được nhân rộng”, Chen Hao - chiến lược gia tại CIB Research cho biết.

Với dòng tiền mới chảy vào, không có gì ngạc nhiên khi thanh khoản thị trường vượt qua mức 1.000 tỷ nhân dân tệ trong 17 phiên liên tiếp vừa qua. Dư nợ margin trên thị trường tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2015, đạt hơn 1.400 tỷ nhân dân tệ.

Không giống các thị trường quy mô lớn khác, nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ áp đảo so với nhà đầu tư tổ chức tại các sàn giao dịch chứng khoán Đại lục, khiến các biến động của thị trường luôn có biên độ rất lớn.           

Lam Phong
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục