Chứng khoán Hồng Kông trước “bài test” áp lực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Hồng Kông đang chứng kiến ngày càng nhiều “đá tảng” đè nặng trên vai khi chịu áp lực từ những xung đột leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chứng khoán Hồng Kông trước “bài test” áp lực

Chỉ số Hang Seng đang giao dịch ở vùng thấp nhất 6 tuần qua. Một trong những mối lo lắng hàng đầu của nhà đầu tư chính là việc thị trường Hồng Kông chịu tổn thương trực tiếp trước mọi động thái xuất phát từ Mỹ và Trung Quốc, từ việc chính quyền Đại lục vừa tiến hành cuộc bắt giữ các nhà hoạt động dân chủ đầu tiên theo Luật An ninh mới, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm doanh nghiệp Mỹ làm ăn với Tencent Holdings Ltd, cho tới lệnh cấm vận các quan chức của đặc khu Hồng Kông lẫn Đại lục…

Trong bối cảnh này, giới đầu tư giữ cái nhìn không tích cực với triển vọng tăng trưởng của thị trường Hồng Kông: Chỉ số Hang Seng đang giao dịch với định giá rẻ nhất so với các chỉ số khác trên toàn cầu trong rổ chỉ số của MSCI, điều lần đầu tiên diễn ra kể từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1999.

Trớ trêu nhất là cả thị trường chứng khoán Mỹ và Trung Quốc đều đang có màn biểu diễn tốt hơn nhiều so với Hồng Kông. Cụ thể, chỉ số Hang Seng đã giảm 14% kể từ đầu năm 2020 tới nay, trong khi chỉ số SCI 300 của Trung Quốc tăng 100% và S&P 500 của Mỹ tăng 4%.

“Bất kỳ nhà đầu tư nào khi cân nhắc mua vào tài sản tại thị trường Hồng Kông, cho dù là chứng khoán hay bất động sản, đều muốn chờ đợi mức chiết khấu cao hơn nữa nhằm phản ánh đầy đủ những rủi ro địa chính trị tại đây”, Kenny Wen, chiến lược gia quản lý tài sản tại Everbright Sun Hung Kai Co cho biết.

Lấy ví dụ với Tencent. Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, giá cổ phiếu Tencent giảm hơn 10% trước “đồn đoán” về các lệnh cấm vận từ Mỹ, sau đó tăng trở lại gần 5% khi có thông tin rõ ràng hơn.

Dù vậy, trong phiên đầu tuần này, giá cổ phiếu này tiếp tục giảm thêm 4,8%. Đáng chú ý, Tencent đang là một trong những cổ phiếu trụ cột, tạo lực đỡ lớn nhất cho chỉ số Hang Seng kể từ đầu năm tới nay.

Dù tin tốt hay tin xấu, các cổ phiếu tại sàn Hồng Kông vẫn gánh chịu áp lực tâm lý rất lớn trong mắt nhà đầu tư và không lĩnh vực nào là ngoại lệ.

Khi thông tin các lãnh đạo Hồng Kông và Trung Quốc Đại lục bị cấm vận được công bố, giới chức quản lý đã nhanh chóng cho biết, ngân hàng địa phương không cần tuân theo lệnh cấm vận từ Mỹ theo các quy tắc nội địa.

Tuy nhiên, các tổ chức tài chính vẫn gặp nhiều rắc rối, bất kể việc phản ứng như thế nào trước yêu cầu từ cả 2 bên.

“Các nhà băng ở thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu áp dụng các yêu cầu từ Mỹ, giới chức Trung Quốc sẽ không hài lòng và ngược lại”, Kenny Wen cho biết.

Đây là lý do chính khiến giá cổ phiếu của HSBC Holdings Plc, vốn nắm giữ vị thế hàng đầu tại trung tâm tài chính Hồng Kông, đã giảm tới 45% kể từ đầu năm tới nay và gần chạm tới đáy năm 2009.

Thêm vào bầu không khí căng thẳng của cuộc xung đột Mỹ - Trung, các cuộc bắt giữ nhân vật có ảnh hưởng tại Hồng Kông, bao gồm ông trùm truyền thông, nhà hoạt động dân chủ Jimmy Lai theo Luật An ninh mới, lập tức tạo tác động lớn tới thị trường.

Giá cổ phiếu Next Digital Ltd - tập đoàn truyền thông do ông Jimmy Lai làm chủ tịch giảm 17% khi có thông tin bắt giữ, sau đó tăng lên 344%, thậm chí có thời điểm tăng gấp 10 lần, với sức mua chủ yếu tới từ nhà đầu tư cá nhân nhằm thể hiện sự ủng hộ với ông trùm truyền thông này.

Mọi biến động lớn của thị trường, dù theo chiều tăng hay giảm, đều khiến tâm lý vốn bất an của nhà đầu tư thêm phần căng thẳng. Raymond Chen, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Keywise Capital Management (HK) Ltd cho biết, ông đang giảm tỷ trọng nắm giữ tài sản tại Hồng Kông trước mối lo dòng vốn tháo chạy khỏi thành phố này.

“Những xung đột ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc có khả năng làm ‘nổ tung’ thị trường. Hiện tại, chúng ta chứng kiến các lệnh cấm vận liên quan tới lãnh đạo và lĩnh vực công nghệ. Nhưng sau đó, nhiều khả năng sẽ có các lệnh cấm vận tương tự tới lĩnh vực tài chính”, Raymond Chen cho biết.

Lam Phong
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục