Giới đầu tư lo ngại với dữ liệu kinh tế mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dữ liệu bán lẻ của Trung Quốc và Mỹ kém khả quan, cùng với việc Anh gia tăng các biện pháp cách lý để phòng dịch khiến giới đầu tư lo lắng trở lại.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Theo dữ liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm thứ Sáu (14/8), doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 7 đã tăng chậm lại, chỉ tăng 1,2% so với tháng trước, trong khi mức tăng của tháng 6 lên tới 8,4%. So với cùng kỳ, doanh số bán lẻ tháng 7 tăng 2,7%. Các nhà kinh tế theo thăm dò của Reuters dự báo, doanh số bán lẻ trong tháng 7 sẽ tăng 1,9%.

Theo các nhà phân tích, doanh số bán lẻ của Mỹ trong quý II tăng là nhờ gói hỗ trợ 600 USD/người/tuần, nhưng gói hỗ trợ này đã kết thúc vào ngày 31/7/2020, trong khi gói hỗ trợ mới chưa có do bất đồng giữa Nhà trắng và Quốc hội. Do đó, theo các nhà kinh tế, doanh số bán lẻ sẽ sụt giảm trở lại trong tháng 8.

Dữ liệu này, cùng doanh số bán lẻ của Trung Quốc vừa công bố yếu kém khiến giới phân tích nghi ngờ về khả năng phục hồi của nền kinh tế vốn mới chỉ bắt đầu nhen nhóm trở lại.

Dữ liệu kinh tế mới công bố này, cùng những bất đồng giữa 2 đảng Công hòa và Dân chủ về gói kích thích kinh tế mới khiến giới đầu tư thận trọng, phố Wall theo đó cũng chỉ giằng co trong biên độ hẹp và đóng cửa ít thay đổi trong phiên cuối tuần. Trong đó, Dow Jones có sắc xanh nhạt, S&P gần như không đổi, còn Nasdaq giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 14/8, chỉ số Dow Jones tăng 34,30 điểm (+0,12%), lên 27.931,02 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,58 điểm (-0,02%), xuống 3.372,85 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 23,20 điểm (-0,21%), xuống 11.019,30 điểm.

Dow Jones có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, trong khi S&P và Nasdaq có tuần tăng thứ 3 liên tiếp, dù mức tăng chỉ ở mức khiêm tốn. Cụ thể, Dow Jones tăng 1,81%, S&P tăng 0,64% và Nasdaq tăng 0,08%.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên giảm mạnh trong ngày giao dịch cuối tuần khi nhóm cổ phiếu du lịch lao dốc sau khi Anh đưa thêm nhiều nước vào danh sách cách ly khi nhập cảnh vào nước này để phòng chống dịch Covid. Bên cạnh đó, dữ liệu bán lẻ yếu từ Trung Quốc làm dấy lên nghi ngờ về tốc độ phục hồi kinh tế của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng như toàn cầu.

Kết thúc phiên 14/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 95,58 điểm (-1,55%), xuống 6.090,04 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 92,37 điểm (-0,71%), xuống 12.901,34 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 79,45 điểm (-1,58%), xuống 4.962,93 điểm.

Bất chấp 2 phiên giảm mạnh cuối tuần, các chỉ số chính của chứng khoán châu Âu vẫn duy trì đà tăng tuần thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, tuần qua, chỉ số FTSE 100 tăng 0,96%, chỉ số DAX tăng 1,79% và CAC40 tăng 1,50%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, phiên cuối tuần có sự trái chiều khi chứng khoán Nhật Bản và Trung Quốc tăng, còn chứng khoán Hồng Kông và Hàn Quốc giảm. Chứng khoán Trung Quốc tăng nhờ nhóm cổ phiếu tiêu dùng, trong khi các thị trường khác giảm hoặc tăng nhẹ khi giới đầu tư chờ đợi cuộc gặp Trung - Mỹ để thảo luận về việc thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nhưng nó đã không diễn ra.

Kết thúc phiên 14/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 39,75 điểm (+0,17%), lên 23.289,36 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 39,37 điểm (+1,19%), lên 3.360,10 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 47,66 điểm (-0,19%), xuống 25.183,01 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 30,14 điểm (-1,23%), lên 2.407,49 điểm.

Chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm trong tuần qua sau 2 tuần trái chiều liên tiếp. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản tăng tuần thứ 2 liên tiếp, chứng khoán Hồng Kông đảo chiều tăng tốt sau  3 tuần giảm liên tiếp, trong khi chứng khoán Trung Quốc tăng tuần thứ 3 liên tiếp, dù mức tăng chỉ khiêm tốn và chứng khoán Hàn Quốc có tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Cụ thể trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 4,30%, chỉ số Hang Seng tăng 2,66%, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,18% và Kospi tăng 2,37%.

Sau phiên hồi phục mạnh trước đó, giá vàng đã quay đầu điều chỉnh nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần, không thể chinh phục trở lại được mốc 2.000 USD/ounce.

Kết thúc phiên 14/8, giá vàng giao ngay giảm 8 USD (-0,41%), xuống 1.944,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 19,6 USD (-1,00%), xuống 1.942,3 USD/ounce.

Sau 9 tuần tăng liên tiếp, thiết lập các đỉnh lịch sử mới, giá vàng đã điều chỉnh mạnh trong tuần. Cụ thể, trong tuần giá vàng giao ngay giảm 4,42%, giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 3,75%.

Sau tuần thận trọng khá sát với diễn biến của thị trường tuần qua, giới phân tích đã có cái nhìn tích cực trở lại với diễn biến của giá vàng tuần này, trong khi giới đầu tư lại thận trọng hơn.

Cụ thể, trong 13 chuyên gia trả lời khảo sát của Wall Street tuần này, có 8 người, chiếm 61,5% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần mới, cao hơn con số 41% của tuần trước đó; số người dự báo giảm là 2 người, chiếm 15,4%, thấp hơn nhiều con số 41% của tuần trước đó; 3 người còn lại, chiếm 23,1% dự báo giá đi ngang.

Trong khi đó, trong 2.407 lượt nhà đầu tư tham gia khảo sát trực tuyến, có 1.439 người, chiếm 59,8% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần mới, thấp hơn con số 69% của tuần trước đó; 527 người, chiếm 21,9% dự báo giá giảm, cao hơn con số 18% của tuần trước đó; 441 lượt dự báo giá đi ngang, chiếm 18,3%.

Dữ liệu kinh tế kém khả quan được công bố, cùng với thông tin về việc khả năng OPEC+ khó đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng nữa khiến giá dầu thô tiếp tục có phiên giảm tiếp theo trong ngày cuối tuần.

Kết thúc phiên 14/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,23 USD (-0,55%), xuống 42,01 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,16 USD (-0,36%), xuống 44,80 USD/thùng.

Dù giảm trong 2 phiên cuối tuần, nhưng giá dầu thô vẫn có tuần tăng thứ 2 liên tiếp trong tháng 8. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 1,92%, giá dầu thô Brent tăng 0,90%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục