Theo dữ liệu mới công bố, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước của Mỹ lần đầu tiên kể từ giữa tháng 3 ở dưới mức 1 triệu đơn. Việc sụt giảm này theo giới phân tích, có thể một phần do gói cứu trợ 600 USD/tuần chấm dứt vào cuối tháng 7.
Dữ liệu cho thấy, nền kinh tế Mỹ chỉ lấy lại được 9,3 triệu việc làm trong tổng số 22 triệu việc làm đã mất từ tháng 2 đến tháng 4. Tuy nhiên, phố Wall đã lấy lại hầu hết những gì đã mất, trong đó S&P 500 phiên thứ Tư chỉ còn cách mốc lịch sử xác lập hồi tháng 2/2020 chỉ 1 bước chân, còn Nasdaq thì liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.
Tuy nhiên, trong phiên thứ Năm, phố Wall đã điều chỉnh trở lại khi kỳ vọng về việc lưỡng đảng đạt được thỏa thuận gói kích thích kinh tế mới mờ nhạt dần.
Kết thúc phiên 13/8, chỉ số Dow Jones giảm 80,12 điểm (-0,29%), xuống 27.896,72 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,92 điểm (-0,20%), xuống 3.373,43 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 30,26 điểm (+0,27%), lên 11.042,50 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp trong ngày thứ Năm do áp lực chốt lời tại nhóm ngân hàng và năng lượng, trong khi đồng bảng Anh tăng mạnh ảnh hưởng tiêu cực tới nhóm bluechip của Anh.
Kết thúc phiên 13/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 94,50 điểm (-1,50%), xuống 6.185,62 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 64,92 điểm (-0,50%), xuống 12.993,71 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 30,93 điểm (-0,61%), xuống 5.042,38 điểm.
Sau 2 tuần girm liên tiếp, chứng khoán châu Âu đã hồi phục lại trong tuần qua. Cụ thể, tuần qua, chỉ số FTSE 100 tăng 2,28%, chỉ số DAX tăng 2,94% và CAC40 tăng 2,21%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất gần 6 tháng, chứng khoán Hàn Quốc cũng có chuỗi ngày tăng dài nhất kể từ tháng 6 nhờ nhóm công nghệ với kỳ vọng gói kích thích mới của Mỹ sẽ được thông qua. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông gần như không đổi khi nhà đầu tư thận trọng trước cuộc gặp giữ lãnh đạo Trung – Mỹ cuối tuần này để bàn về tiến độ của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Kết thúc phiên 13/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 405,65 điểm (+1,78%), lên 23.239,61 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,46 điểm (+0,04%), lên 3.320,73 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 13,35 điểm (-0,05%), xuống 25.230,67 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 5,18 điểm (+0,21%), lên 2.437,53 điểm.
Giá vàng có phiên hồi phục thứ 2 liên tiếp sau 2 phiên lao dốc trước đó với mức tăng tốt hơn phiên thứ Tư khá nhiều.
Kết thúc phiên 13/8, giá vàng giao ngay tăng 38,9 USD (+2,03%), lên 1.952,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 36,6 USD (+1,91%), lên 1.954,9 USD/ounce.
Giá dầu cũng điều chỉnh giảm trong phiên thứ Năm khi kỳ vọng về gói kích thích kinh tế mới của Mỹ mờ nhạt dần khi vẫn còn những bất đồng giữ Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ.
Kết thúc phiên 13/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,43 USD (-1,02%), xuống 42,24 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,47 USD (-1,05%), xuống 44,96 USD/thùng.