Nghị quyết 19 và sự níu kéo của các bộ ngành

(ĐTCK) Việc triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh tuy đã đạt được một số kết quả nhất định song vẫn chậm so với yêu cầu, trong đó sự chậm trễ phần lớn rơi vào các bộ, ngành có nhiều văn bản thủ tục trái với tinh thần Nghị quyết.
Sự chậm trễ cải thiện thủ tục hành chính là do quyết tâm yếu của một số bộ, ngành, địa phương Sự chậm trễ cải thiện thủ tục hành chính là do quyết tâm yếu của một số bộ, ngành, địa phương

Tại Hội thảo thực hiện Nghị quyết 19 và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia do Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với USAID vừa tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia đã chỉ rõ, một số bộ ngành thậm chí vẫn đang chủ trương tiếp tục ban hành các quy định trái với Nghị quyết.

Theo báo cáo của CIEM, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19 (ban hành ngày 18/3/2014) đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, trong đó có một số kết quả vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, một số hạng mục tiêu chí quan trọng đã có sự cải thiện đáng kể.

Chẳng hạn, chỉ số khởi sự kinh doanh và bảo vệ nhà đầu tư, với việc ban hành Luật Doanh nghiệp 2014, thời gian đăng ký kinh doanh chỉ còn 3 ngày, vượt chỉ tiêu so với 6 ngày của Nghị quyết. Kết quả đó giúp chỉ số này cải thiện 72 bậc, cao hơn mức trung bình ASEAN 6. Chỉ số bảo vệ nhà đầu tư cũng được cải thiện 105 bậc, đạt mức trung mình ASEAN 6.

Về chỉ số tiếp cận điện năng, tuy giảm được 30 ngày, cải thiện 12 bậc, song vẫn chưa đạt mức trung bình ASEAN 6 và còn khoảng cách so với yêu cầu của Nghị quyết 15 ngày. Ở chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội, tổng thời gian đã giảm được 480 giờ và giảm cả số lần nộp thuế, theo đó chỉ số này đã cải thiện được 27 bậc, song vẫn chưa đạt mức trung bình ASEAN 6 và còn khoảng cách so với chỉ tiêu Nghị quyết là 35,5 giờ đối với nộp thuế và 185,5 giờ đối với nộp bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, vẫn có những mục tiêu chưa triển khai được trong năm 2014, chẳng hạn rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp từ 60 tháng xuống còn 30 tháng và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng.

Về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 19 (ban hành ngày 12/3/2015), theo đánh giá của CIEM, Nghị quyết mới này đề ra 13 nhiệm vụ, giải pháp tổng thể và 80 giải pháp cụ thể cho các bộ, cơ quan địa phương và yêu cầu các cơ quan này ban hành kế hoạch hành động trước 30/4/2015, thì tính đến ngày 17/6, mới có 11 bộ, cơ quan địa phương và 11 UBND tỉnh, thành phố có gửi kế hoạch hành động cho cơ quan đầu mối triển khai thực hiện và giám sát báo cáo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Còn lại có tới 14 bộ, cơ quan địa phương và 52 UBND tỉnh, thành phố được giao nhiệm vụ nhưng chưa có kế hoạch hành động tính đến nay, trong đó có TP. HCM là địa phương được Ngân hàng Thế giới lựa chọn điều tra đánh giá xếp hạng môi trường kinh doanh cho Việt Nam.

“Một số bộ như Bộ Tài nguyên và Môi trường không ghi cụ thể thời gian thực hiện là bao giờ, đặc biệt các UBND chưa hiểu rõ các chỉ tiêu đề ra nên khi giao nhiệm vụ cho các đơn vị chung chung và không có lộ trình thời gian cụ thể. Thậm chí, có bộ còn bóc nguyên xi kế hoạch hành động của bộ nói chung vào nghị quyết”, bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM cho biết. 

Cũng theo báo cáo của CIEM, đối với việc giảm thời gian quản lý chuyên ngành, Nghị quyết giao 10 bộ rà soát đánh giá sửa đổi, bổ sung các quy định xuất khẩu, tuy nhiên cho đến nay mới nhận được thông tin từ 3 bộ, còn lại vẫn còn nhiều quy định liên quan tại các văn bản của các bộ vẫn chưa có thông tin.

Ông Nguyễn Đình cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, tuy việc triển khai là có, song thực tế kế hoạch hành động của các bộ lại không bám sát mục tiêu Nghị quyết 19 nên mối lo ngại đặt ra hiện nay là khả năng thực hiện không đạt mục tiêu kỳ vọng và không đúng với mục tiêu Chính phủ đặt ra. Ngoài ra, ông Cung quan ngại về tiến độ “ì ạch” của các bộ, ngành trong việc hiện thực hóa các nhiệm vụ đã được giao.

“Có 2 bộ là Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều điều kiện ở thông tư, thẩm quyền của Bộ cần rà soát bãi bỏ, nếu bộ trưởng mà xắn tay vào làm thì theo tôi chỉ 1 tuần đến 1 tháng là làm xong, không cần đến 2 năm”, ông Cung nói.

“Bộ nào đã triển khai chậm thì lại cũng chính những bộ đó đang chuẩn bị ban hành nhiều thông tư, thủ tục hành chính mới, trái với tinh thần Nghị quyết 19”.

Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia tư vấn Dự án GIG về hải quan đồng tình với nhận định này và cho rằng, còn rất nhiều việc phải làm để khắc phục tình trạng “đã chuyển mà chưa lăn” hiện nay của các cơ quan nhà nước trong việc hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết 19 vào cuộc sống.    

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục