Với những tín hiệu ngày càng rõ ràng về quyết tâm cải cách nhằm hoàn thiện và tăng sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh từ phía Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp đang chờ đón nỗ lực lớn trong việc hiện thực hóa các chính sách, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm bắt được những cơ hội mới từ tiến trình hội nhập tới đây.
Một cảm nhận chung có thể thấy trước kỳ gặp thường niên giữa kỳ năm nay là niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào những nỗ lực thực hiện các chính sách đổi mới của Chính phủ thời gian qua đang có xu hướng tăng lên một cách tích cực, tuy chưa thực sự rõ ràng.
DN đã bắt đầu nhìn nhận được những kết quả bước đầu từ việc thực thi những chính sách này, thể hiện từ xu thế tăng trưởng và phát triển kinh tế năm 2014 cũng như những tháng đầu năm 2015, trong đó phải kể đến các tác động từ việc thực hiện những chính sách quan trọng về thuế, lao động và những biện pháp thiết thực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tại Nghị quyết số 19 được Chính phủ ban hành vào giữa tháng 3 năm nay.
Đặc biệt, việc thông qua và đẩy nhanh đưa vào thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi được các doanh nghiệp đánh giá khá tích cực, bởi qua đó có thể cảm nhận rõ hơn về mong muốn và quyết tâm thay đổi của Chính phủ trong việc hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đà cho khu vực tư nhân phát triển.
Bên cạnh đó, những bước tiến nhanh, mạnh và liên tục trong tiến trình hội nhập gần đây với việc liên tiếp các Hiệp định thương mại tự do khu vực và song phương đã được Chính phủ ký kết, cũng như việc tiến gần hơn tới kết thúc đàm phán Hiệp định TPP và FTA với EU đã tạo thêm niềm tin và kỳ vọng về những cơ hội phát triển mới cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những đánh giá tích cực này, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại chưa được giải quyết, nhiều mối quan ngại tiếp tục nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách đang được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước nóng lòng chờ đợi đưa lên bàn nghị sự diễn đàn để cùng tìm được biện pháp giải quyết dứt điểm.
Trước hết, một tiếng nói chung đáng tin cậy, thể hiện sự đồng hành và khẳng định quyết tâm thực hiện các cam kết cụ thể đã đưa ra nhằm cải thiện môi trường kinh doanh là những gì mà cộng đồng DN đang thực sự mong chờ.
Theo đánh giá của hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam, việc nâng cao khả năng cạnh tranh của Chính phủ thông qua tăng cường năng lực cạnh tranh của các cơ quan trung ương và chính quyền địa phương trong triển khai các thủ tục phân cấp, với vai trò nhà cung cấp dịch vụ của Chính phủ cho DN, là điều cấp thiết nhằm tăng sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh và chuẩn bị cho hội nhập quốc tế.
Theo đó, việc ban hành Nghị quyết 19 mới chỉ là bước đầu quy định các chỉ số quan trọng cho việc thúc đẩy hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh và cần có thêm nỗ lực để đảm bảo chính sách này được các cơ quan chức năng nắm rõ và thực hiện.
Để thực hiện được điều này, các DN cho rằng cần phải thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại định kỳ, hoạt động tham vấn Chính phủ và hợp tác với các doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp tư nhân và FDI, hàng tháng và hàng quý để đánh giá các tiến triển. Đồng thời phải xác định "các mục tiêu cụ thể" để cải thiện môi trường kinh doanh.
Việc thành lập tổ công tác để gặp gỡ đại diện doanh nghiệp, nhằm giải quyết những khó khăn mà các nhà đầu tư và doanh nghiệp đang phải đối mặt, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng và nâng cao tính minh bạch của các quy định và chính sách của Chính phủ cũng là những giải pháp mà DN mong muốn đưa vào thực thi.
Liên quan đến vấn đề này, cần đẩy nhanh hoàn thiện các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi, nhằm nhanh chóng hiện thực hóa các chính sách cải thiện môi trường đầu tư.
Bên cạnh đó, một loạt các vấn đề về thị thực, thuế, hạn chế nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng cũng là những vấn đề DN mong muốn đưa ra bàn thảo, nhằm tìm biện pháp khắc phục. Đặc biệt, theo hầu hết các hiệp hội DN trong và ngoài nước, hiện nay, việc đưa vào thực hiện Thông tư 20 sửa đổi của Bộ Khoa học và công nghệ về nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng khi Thông tư chưa có đầy đủ các quy chuẩn đánh giá phù hợp đang gây khó khăn cho rất nhiều DN, đồng thời tạo tiền lệ cho các cơ quan thực thi tiếp tục có nhiều quyền tự quyết khi áp dụng quy định, từ đó hạn chế quyền kinh doanh của DN và không khuyến khích sản xuất.
Ở góc độ khác, việc đẩy mạnh thực thi các biện pháp khuyến khích DN phát triển công nghiệp hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc DNNN nhằm tăng sức cạnh tranh của thị trường, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, tăng cường thực thi pháp luật cạnh tranh để tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các khu vực kinh tế cũng là những nội dung được các DN tập trung đề xuất.