Nghề ngân hàng vẫn “hot”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù mức lương không còn là yếu tố quyết định hàng đầu, nhưng ngân hàng vẫn là ngành hấp dẫn người lao động…
Trong quý I/2023, thu nhập bình quân của nhân viên Techcombank đạt 46,46 triệu đồng/tháng. Ảnh: Dũng Minh Trong quý I/2023, thu nhập bình quân của nhân viên Techcombank đạt 46,46 triệu đồng/tháng. Ảnh: Dũng Minh

Thu nhập khá công bằng

Techcombank cho biết sẽ tiếp tục tổ chức chiến dịch “Thu hút Nhân tài Quốc tế - Overseas Talent Roadshow” tại Sydney, Úc trong hai ngày 16-17/6/2023 với sự tham dự của Ban lãnh đạo Ngân hàng và các ứng viên xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ và dữ liệu đang sinh sống và làm việc tại Úc. Chiến dịch này tiếp nối chuỗi sự kiện tuyển dụng được Techcombank tổ chức tại Singapore, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã đạt thành công lớn, khi thu hút đến hơn 6.000 hồ sơ là các nhân tài gốc Việt trong năm 2022 nhằm tìm kiếm người Việt tài năng có khát vọng trở về quê hương, cùng Techcombank viết tiếp hành trình chuyển đổi giai đoạn 2021-2025.

Thông tin trên như càng khiến thị trường nhân sự ngân hàng thêm rộn ràng dù trước đó, báo cáo tài chính quý I/2023 đã cho thấy, Techcombank dẫn đầu về chế độ đãi ngộ khi dành gần 1.600 tỷ đồng cho việc chi lương và phụ cấp cho nhân viên. Cụ thể, lương và phụ cấp bình quân đạt 46,46 triệu đồng/tháng (bằng với cùng kỳ năm 2022, nhưng tăng 3,4 triệu đồng so với mức thu nhập bình quân của năm).

Không chỉ Techcombank, chế độ đãi ngộ nhân viên của các ngân hàng khác như MBBank, Vietcombank, Sacombank… cũng rất hấp dẫn, song vấn đề là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, mức thu nhập cao của nhân viên ngân hàng nhận được sự quan tâm “đặc biệt” hơn từ xã hội.

Bà Kim Đặng Ngọc Thảo, Trưởng phòng Tư vấn tuyển dụng, Navigos Search cho rằng: “Cũng tương tự như một lĩnh vực ‘hot’ khác là công nghệ thông tin, mức lương ngành ngân hàng luôn là chủ đề được quan tâm. Các báo cáo tài chính thường đề cập tới các mức lương choáng ngợp, tạo ra nhiều lầm tưởng cũng như ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, theo góc độ chuyên môn, thị trường ngân hàng hiện có mức thu nhập khá công bằng”.

Theo bà Thảo, đầu tiên, phải thấy được rằng, báo cáo chỉ đưa ra những con số đại diện cho thu nhập bình quân từ lương “cứng” và phụ cấp của nhân sự làm việc trong lĩnh vực ngân hàng nói chung. Tuy nhiên, tùy thuộc vào các vị trí, cấp bậc của người lao động mà có sự khác biệt, thậm chí là chênh lệch lớn về chế độ lương, thưởng. Điều này được giải thích bởi chế độ lương thưởng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thâm niên công tác, mức độ hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh, đặc thù giữa các bộ phận/nghiệp vụ hoạt động, hiệu quả của từng chi nhánh…

“Mức lương của các vị trí trong ngân hàng được định vị tương đương với năng lực làm việc, cụ thể ở đây là hiệu suất hoạt động của từng vị trí. Qua các bản báo cáo tài chính của ngân hàng, chúng ta có thể thấy được trên tổng mức lợi nhuận trước thuế, có nhiều ngân hàng ghi nhận nhân viên mang về hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, nên lương thưởng của những nhân viên này nói riêng và những ngân hàng này nói chung ở mức cao cũng là điều dễ hiểu”, bà Thảo giải thích, đồng thời cho biết thêm, lĩnh vực ngân hàng có nhiều lợi thế cạnh tranh không chỉ về lương thưởng, mà còn về các phúc lợi khác, môi trường làm việc, định hướng phát triển ngành… bởi đây là lĩnh vực phát triển kinh tế chủ chốt của đất nước. Ứng viên ngân hàng cũng chọn môi trường phát triển lâu dài, ổn định nên nhân lực ngành này khá ổn định trong bối cảnh biến động như hiện nay.

“Bên cạnh đó, mức lương không còn được người lao động cân nhắc là yếu tố quyết định hàng đầu khi lựa chọn lĩnh vực ngân hàng, vì trong thời gian gần đây, không ít ngành nghề khác cũng có sự điều chỉnh, khiến mức lương ngân hàng không còn quá chênh lệch so với mặt bằng chung như trước”, bà Thảo nói.

Sau cơn mưa trời lại sáng

Mức lương không còn là yếu tố quyết định hàng đầu khi lựa chọn ngân hàng, vì trong thời gian gần đây, không ít ngành nghề khác cũng có sự điều chỉnh, khiến mức lương ngân hàng không còn quá chênh lệch so với mặt bằng chung như trước.

Trong một tương quan khác, báo cáo tài chính các ngân hàng cho thấy một thông tin đáng chú ý, tính đến ngày 31/3/2023, nhân sự VPBank giảm 956 người so với hồi đầu năm và là ngân hàng có lượng nhân sự sụt giảm lớn nhất trong quý đầu năm nay, khi cùng thời điểm, VietinBank giảm 180 người, BIDV giảm 240 người… Thống kê qua các báo cáo tài chính quý I/2023 cũng cho thấy, chỉ 15/28 ngân hàng ghi nhận số lượng nhân viên tăng so với đầu năm, số còn lại đều giảm quy mô nhân sự.

Chia sẻ xung quanh vấn đề này, bà Kim Đặng Ngọc Thảo cho rằng, vào thời điểm trước khi thị trường xảy ra biến động, sự tăng trưởng nói chung về nhu cầu tuyển dụng của lĩnh vực ngân hàng/dịch vụ tài chính đến từ xu hướng chuyển đổi số, phát triển ngân hàng bán lẻ, tăng thu nhập dịch vụ, đa dạng hệ sinh thái và bùng nổ xu hướng đầu tư trên các kênh điện tử. Vì vậy, các ngân hàng cũng mở rộng quy mô, tăng tuyển dụng nhân sự để kịp thời đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, khi nền kinh tế gặp khó khăn, lĩnh vực ngân hàng/dịch vụ tài chính cũng không nằm ngoài vòng xoáy, dẫn đến việc nhiều ngân hàng phải thu hẹp quy mô hoạt động, cắt giảm bớt nhân sự...

Trong diễn biến có liên quan, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý II/2023 của Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo nhận định của các tổ chức tín dụng, tình hình lao động/việc làm của ngành tài chính - ngân hàng trong quý đầu năm dù tiếp tục cải thiện so với quý trước đó nhưng chưa đạt kỳ vọng. Chỉ số cân bằng (CSCB) trong quý I/2023 ở mức 14% - thấp hơn so với dự kiến là 18,8% cũng như của quý liền trước là 18,5%. Các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình lao động sẽ diễn biến khả quan hơn trong quý II/2023 cũng như cả năm nay.

Báo cáo về tình hình tuyển dụng tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023 vừa được Navigos Group công bố cũng cho hay, hiện vẫn chưa ghi nhận tín hiệu tích cực về tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Cho đến khi nền kinh thế giới chạm đáy và phục hồi trở lại, các doanh nghiệp có thể sẽ cố gắng thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí để bảo toàn nhân sự, hoặc có thể thắt chặt thêm nếu tình hình trở nên tệ hơn. Vì vậy, dự đoán mùa tuyển dụng năm nay sẽ khá ảm đạm,chứ không sôi động như những năm trước.

Theo Báo cáo khảo sát khó khăn doanh nghiệp và triển vọng kinh tế cuối năm 2023 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), có thể làn sóng sa thải người lao động sẽ tiếp diễn trong các tháng cuối năm 2023 do khó khăn vĩ mô và nội tại của doanh nghiệp. Trong đó, khoảng 5.200 doanh nghiệp trong tổng số gần 9.560 doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẽ cắt giảm trên 5% lao động từ nay đến cuối năm.

“Tuy nhiên, theo xu hướng, các ngân hàng đang tập trung vào phát triển đội ngũ kế thừa, nên việc tuyển dụng quản trị viên tập sự (trainee management) vẫn đang được tổ chức rộng rãi ở một số ngân hàng. Vì thế, tôi hy vọng ‘sau cơn mưa trời lại sáng’, các doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng sẽ sớm khôi phục trở lại như trước dịch. Trong kế hoạch hồi phục và phát triển chung, chắc chắn mỗi ngân hàng đều cân nhắc và có kế hoạch phát triển cho mảng dịch vụ và bán lẻ”, bà Thảo nhận định.

Đề cập về xu hướng, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng, năm 2023 sẽ là năm bùng nổ về chuyển đổi số. Theo đó, cuộc đua số hóa sẽ không chỉ diễn ra ở khối các ngân hàng tư nhân, mà còn cả khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối. Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 một mặt làm thay đổi tâm lý và hành vi tiêu dùng, đầu tư, nhưng mặt khác cũng là chất xúc tác thúc đẩy lĩnh vực ngân hàng và người tiêu dùng tiến tới sử dụng nhiều hơn các dịch vụ ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là cơ hội để ngân hàng cơ cấu lại nguồn thu, dịch chuyển dần từ thu dịch vụ tín dụng sang thu dịch vụ cung ứng, phát triển tiện ích ngân hàng, đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân.

“Vì vậy, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng vẫn sẽ là xu hướng chủ đạo trong giai đoạn tiếp theo”, bà Thảo nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục