Biến động mạnh
Theo nguồn tin nội bộ, bà Tina Nguyễn - CEO Generali Việt Nam đang chờ bổ nhiệm vào vị trí CEO Manulife Việt Nam. Trong khi chờ bổ nhiệm CEO mới, ông Vinay Dhareshwar, Phó tổng giám đốc kênh Hợp tác phát triển kinh doanh và quản lý sản phẩm Generali Việt Nam (được bổ nhiệm từ ngày 1/1/2021), tạm thời giữ chức Quyền Tổng giám đốc Công ty.
Sau một loạt lùm xùm, việc thay vị trí CEO tại Manulife Việt Nam là điều đã được dự báo trước, vấn đề chỉ là ai là người thích hợp và bà Tina Nguyễn được chọn. Được biết, bà Tina Nguyễn là Việt kiều (thông thạo tiếng Việt, am tường thị trường bảo hiểm Việt Nam), có hơn 20 năm kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, bảo hiểm tại Bắc Mỹ (Canada, Mỹ) và tại thị trường châu Á (Hồng Kông - Trung Quốc, Việt Nam). Generali Việt Nam dưới thời nữ CEO này đã ghi dấu ấn khi tạo ra khá nhiều sản phẩm bảo hiểm ấn tượng cùng cách thức chi trả bảo hiểm hướng tới sự thuận tiện nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại.
Khi thông tin bổ nhiệm được chính thức công bố thì đây không phải lần đầu Manulife Việt Nam và Generali Việt Nam “có duyên” với nhau. Cách đây vài năm, CEO Manulife Việt Nam khi đó là ông Chung Bá Phương đã chuyển sang Generali Việt Nam để giữ vị trí điều hành cao nhất là CEO.
Với sự thay đổi trên, cả Manulife Việt Nam và Generali Việt Nam được kỳ vọng sẽ mang một sức sống mới, góp phần xây dựng lại hình ảnh thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam trở nên tích cực hơn.
Ở khối phi nhân thọ, đại hội đồng cổ đông của Bảo hiểm VietinBank (VBI) diễn ra vào cuối tháng 4/2023 đã thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị đối với ông Lê Tuấn Dũng. Trước đó, ông Dũng đã thôi giữ chức Tổng giám đốc VBI từ ngày 30/3/2023 và tới nay, vị trí này vẫn đang để trống. Hiện ông Nguyễn Huy Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị VBI, kiêm nhiệm cả vị trí Tổng giám đốc.
Ngày 31/3/2023, VBI đã bổ nhiệm bà Bùi Thị Thanh Xuân giữ chức vụ Phó tổng giám đốc. Trước khi được bổ nhiệm, bà Xuân là Giám đốc VBI Hà Nội. Với 18 năm công tác tại VBI từ những ngày đầu mới thành lập, bà là một trong những cán bộ gắn bó lâu nhất, có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của VBI.
Tương tự, tại Bảo hiểm Hàng không (VNI), sau khi ông Trần Trọng Dũng thôi chức CEO từ tháng 11/2022 thì tới nay vẫn trống. Đảm nhận vị trí điều hành tạm thời là ông Nguyễn Thành Quang - Phó tổng giám đốc thường trực VNI.
Trước đây, ông Quang được cho là người phù hợp nắm giữ vị trí điều hành cao nhất tại VNI, nhưng đến giờ vẫn chưa chính thức. Ông Quang gia nhập VNI từ tháng 11/2014 với tư cách là thành viên Hội đồng quản trị. Tới cuối năm 2015, ông được bổ nhiệm vào vị trí Phó tổng giám đốc và kiêm nhiệm 2 chức vụ này cho tới nay.
Theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, hiện tại, VNI đang “để mắt” tới một số CEO vừa miễn nhiệm tại công ty bảo hiểm phi nhân thọ khác, nhưng các vị này vẫn chưa giải quyết xong những tồn đọng cũ nên còn phải chờ.
Với Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), đại hội đồng cổ đông hôm 21/4/2023 đã miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị đối với ông Trần Ngọc Năm theo đề nghị của Công ty mẹ - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Ông Phạm Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc PJICO đảm nhận vị trí tân Chủ tịch Hội đồng quản trị thay ông Năm. Ông Hải có hơn 10 năm gắn bó với PJICO, là một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong quản lý điều hành, nắm vững nhiều mảng chuyên môn nghiệp vụ.
Ngoài ra, PJICO còn bổ nhiệm 2 Phó tổng giám đốc mới là ông Bùi Văn Thảo (Trưởng phòng Bảo hiểm Hàng hải) và ông Trần Hoài Nam (Trưởng phòng Giám định bồi thường bảo hiểm xe cơ giới) trong thời hạn 5 năm kể từ ngày 1/4/2023.
Có nhiều thay đổi nhất trong dàn nhân sự cấp cao thời gian gần đây có lẽ là Bảo hiểm Bưu điện (PTI). Ngày 24/10/2022, PTI đã miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Bùi Xuân Thu và chức danh Kế toán trưởng đối với bà Cao Thu Hiền, đồng thời bổ nhiệm ông Nguyễn Kim Lân làm Tổng giám đốc thay ông Thu.
Trước đó, một loạt lãnh đạo điều hành cấp phó (Phó tổng giám đốc) được bổ nhiệm hồi đầu năm 2022 nhưng đến tháng 5/10/2022 cùng bị miễn nhiệm gồm các ông Vũ Chí Huy, ông Cao Bá Huy, ông Hoàng Mạnh Huyên…
Thay CEO, có gì “đột biến”?
Khi có sự thay đổi ở cấp lãnh đạo điều hành cao nhất, việc dùng người giỏi tiếng Việt, am tường thị trường bảo hiểm trong nước, thay vì “sếp” Tây, vẫn là lựa chọn phù hợp hơn cả.
Việc thay đổi nhân sự cấp cao bảo hiểm xuất phát từ nhiều lý do, trong đó nguyên nhân chính vẫn là không đáp ứng được kỳ vọng của “ông chủ”, hoặc do đổi chủ, thay cổ đông lớn, điều chỉnh chiến lược hoạt động kinh doanh… Những thay đổi này được kỳ vọng sẽ đưa doanh nghiệp có bước phát triển mới, ổn định và bền vững hơn trong tương lai. Song, đi kèm với đó là những băn khoăn.
Đơn cử, tại khối bảo hiểm nhân thọ, lâu nay, thực trạng hợp đồng bảo hiểm “ảo”, khách hàng “ảo” (game) đã không còn xa lạ. Do đó, mỗi lần có doanh nghiệp thay CEO thì đều xuất hiện lo ngại rằng, liệu vị CEO mới này có dẹp sạch được “game” cũ, hay lại tạo ra một “game” mới?
Một số chuyên gia cho rằng, khi có sự thay đổi ở cấp lãnh đạo điều hành cao nhất, việc dùng người giỏi tiếng Việt, am tường thị trường bảo hiểm trong nước, thay vì “sếp” Tây, vẫn là lựa chọn phù hợp hơn cả.
Hay với khối phi nhân thọ, đa số công ty bảo hiểm thông qua việc tuyển dụng CEO đều hướng tới mục tiêu mở rộng thị phần là chính, chứ hiếm có công ty đặt mục tiêu hiệu quả kinh doanh lên hàng đầu (được thể hiện qua con số lợi nhuận hoạt động).
Đơn cử, VNI đặt mục tiêu lọt vào Top 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn nhất tại Việt Nam giai đoạn 2023-2028. VBI định hướng trở thành công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu nhờ sự sáng tạo và khác biệt, mở rộng thị phần…
Nhiều sếp bảo hiểm cũng thừa nhận, hiếm thấy công ty bảo hiểm phi nhân thọ nào khi bổ nhiệm CEO mới gắn với mục tiêu lợi nhuận, cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ…, bởi kiểu gì cũng gắn với chỉ tiêu “số” (doanh thu phí bảo hiểm).
Thực tế, có những công ty bảo hiểm công bố hướng đến mục tiêu cạnh tranh hiệu quả, bền vững, nhưng khi triển khai trên thực tế lại hoàn toàn khác. Việc lựa chọn vị trí người điều hành các nhất tại các công ty bảo hiểm vẫn chủ yếu hướng tới mục tiêu mở rộng thị phần thông qua việc có được doanh thu cao, cạnh tranh về giá, mà chưa thực sự hướng tới tầm nhìn của một định chế tài chính - bảo hiểm chuẩn mực và tin cậy. Do đó, công ty bảo hiểm nào dám lựa chọn một lớp nhân sự cấp cao mới để tạo ra sự đổi thay về “chất”, mà không đặt nặng yếu tố “số”, thì chả khác nào một sự “đột biến”.
Trong phần thông điệp về kế hoạch kinh doanh năm 2023, bà Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị PTI cho biết, sau khi lỗ trước thuế tới hơn 343 tỷ đồng trong năm 2022, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử bị lỗ hoạt động, PTI hướng tới mục tiêu kinh doanh đảm bảo có lãi, tập trung chuyên sâu vào những sản phẩm, dịch vụ, kênh bán và khách hàng có hiệu quả. Giải pháp là chuẩn hóa và triển khai chính sách, mô hình kinh doanh mới; xây dựng và phát triển đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, chuyển đổi từ bán hàng thuần túy (sales) sang chuyên gia tư vấn bảo hiểm cho khách hàng (CA); xây dựng nền tảng dịch vụ số để tối ưu chi phí vận hành kinh doanh và nghiệp vụ.
Bà Hương cũng thừa nhận, số lỗ lớn kể trên không chỉ phản ánh tác động của dịch bệnh, mà còn là hậu quả của quá trình tăng trưởng “nóng” doanh số và mô hình quản trị chưa thích ứng với chuẩn mực của một định chế trung gian bảo hiểm.
Chưa biết có tạo ra “đột biến” hay không, nhưng có thể khẳng định rằng, sau mỗi lần thay đổi quyền sở hữu kèm theo người điều hành, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đối mặt với nguy cơ giảm thị phần, doanh thu từ cổ đông lớn là công ty mẹ. Như với PTI, sau khi VNPost thoái hết vốn, PTI hiện là công ty bảo hiểm phi nhân thọ duy nhất thuộc Top 5 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất thị trường mà không thuộc sở hữu nhà nước. Nhóm cổ đông thuộc Tập đoàn IPA - cổ đông sáng lập Công ty Chứng khoán VNDirect - đang là cổ đông lớn nhất. PTI đang đối diện với nguy cơ mất thị phần, doanh thu từ VNPost khi đang chịu sự “nhòm ngó” của liên minh các “ông lớn” khác là Bảo Việt - PVI hay PJICO - MIC.