“Mùa” biến động nhân sự ngân hàng đến sớm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm nay, nhiều ngân hàng sớm công bố thông tin thay đổi nhân sự cao cấp nhằm kiện toàn đội ngũ cán bộ, mà không đợi đến ngày tổ chức đại hội cổ đông thường niên.
Không ít ngân hàng tăng cường nhân sự cấp cao cho nhiệm kỳ mới Không ít ngân hàng tăng cường nhân sự cấp cao cho nhiệm kỳ mới

“Nóng” thay đổi nhân sự cao cấp

Cuối tuần qua, MB công bố quyết nghị của Hội đồng quản trị về việc ông Lê Hữu Đức từ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, bầu ông Lưu Trung Thái giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019 - 2024 và giao nhiệm vụ cho ông Phạm Như Ánh, chức danh Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành đảm nhiệm quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng giám đốc. MB cho biết, với sự thay đổi các lãnh đạo cao cấp, Ngân hàng sẽ nhanh chóng thực hiện chiến lược phát triển tập đoàn giai đoạn 2022 - 2026, với mục tiêu “Top 3 thị trường về hiệu quả, hướng đến Top đầu châu Á”.

Trong tháng 3/2023, Hội đồng quản trị LienVietPostBank chấp nhận đơn từ nhiệm chức danh Tổng giám đốc của ông Phạm Doãn Sơn vì nguyện vọng cá nhân. Đồng thời, Hội đồng quản trị quyết định giao ông Hồ Nam Tiến, Phó tổng giám đốc thường trực đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc.

Hồi giữa tháng 2/2023, Eximbank bầu bổ sung 3 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ VII (2022 - 2025) sau khi một số thành viên có đơn từ nhiệm. Cụ thể, bà Lê Thị Mai Loan, ông Phạm Quang Dũng được bầu là thành viên Hội đồng quản trị và ông Trần Anh Thắng được bầu là thành viên Hội đồng quản trị độc lập. Đến ngày 27/2, bà Loan và ông Dũng được bổ nhiệm giữ thêm chức vụ Phó tổng giám đốc.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2023 của SHB mới đây, một trong những nội dung trọng tâm chuyển đổi trong năm nay và giai đoạn tiếp theo được Ngân hàng xác định rõ là đội ngũ nhân sự. Theo đó, Đại hội đã thông qua cơ cấu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022 - 2027, bầu bổ sung các thành viên mới, bao gồm: bà Ngô Thu Hà, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc; ông Đỗ Đức Hải, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc; ông Phạm Viết Dần, thành viên Hội đồng quản trị; ông Haroon Anwar Sheikh, thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

Đại hội cổ đông SHB cũng thông qua việc thay đổi cơ cấu thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Lê, thành viên Hội đồng quản trị và ông Võ Đức Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị không thể tiếp tục tham gia hoạt động của Hội đồng quản trị vì lý do sức khoẻ; ông Đỗ Quang Vinh, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc và ông Đỗ Đức Hải, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc được bầu đảm nhiệm chức danh Phó chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Một lãnh đạo cao cấp SHB cho biết: “Với việc tăng cường nhân sự cho nhiệm kỳ 2022 - 2027, cơ cấu Hội đồng quản trị của SHB đang được trẻ hóa với những thành viên đã và đang trực tiếp tham gia điều hành hoạt động của Ngân hàng nhiều năm qua. Đây là bước kiện toàn quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển của SHB trong giai đoạn mới”.

Với NCB, Đại hội cổ đông thường niên 2023 tổ chức ngày 8/4 đã thông qua miễn nhiệm 2 thành viên Ban kiểm soát là bà Trần Thị Hà Giang (Trưởng ban Kiểm soát) và bà Trần Thị Minh Huệ, cả hai đều có đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân. Đồng thời, Đại hội cổ đông thông qua bầu bổ sung bà Đỗ Thị Đức Minh và ông Nguyễn Văn Quang làm thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025. Cùng ngày, Ban kiểm soát đã họp và bầu vị trí Trưởng ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với bà Đỗ Thị Đức Minh. Trước đó 1 ngày, NCB đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc đối với bà Minh.

Dồn dập thông tin tuyển dụng

Nhu cầu nhân lực ngành tài chính - ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới.

Không chỉ “nóng” trong nhân sự cao cấp ngành ngân hàng, mà các vị trí bên dưới cũng có nhiều biến động với các thông báo tuyển dụng dồn dập ngay từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023. Tính đến thời điểm hiện tại, website của VPBank đăng tin tuyển dụng 275 vị trí, VietinBank tuyển gần 200 việc làm, tại VIB là 110 công việc…

Theo dự báo của Navigos Group, nhu cầu nhân lực ngành tài chính - ngân hàng sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới. Vì thế, bức tranh toàn cảnh ngành thu hút đông đảo sự quan tâm của lực lượng lao động trẻ.

Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu nhân lực cấp cao cho ngành tài chính - ngân hàng giai đoạn 2020 - 2025 sẽ tăng 20% mỗi năm. Riêng tại các thành phố lớn như TP.HCM, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này chiếm tỷ trọng 5% (khoảng 15.000 lao động) trong tổng số việc làm cần tuyển hàng năm.

Nhìn lại báo cáo tài chính năm 2022 của các ngân hàng cho thấy, trong năm qua, VPBank có số lượng nhân sự tăng thêm gần 3.000 người. Tương tự, số nhân sự tăng thêm tại TPBank, LienVietPostBank, MSB, BIDV là hơn 1.000 người; tại Vietcombank là 900 người. Tính đến cuối năm 2022, hai ngân hàng có số lượng cán bộ, nhân viên nhiều nhất lần lượt là BIDV với 25.700 người, Vietcombank với 21.884 người.

Khảo sát của Navigos cho thấy, phần đông người lao động có kỳ vọng cao về môi trường làm việc, chiếm tỷ lệ 60,2%. Người lao động mong muốn doanh nghiệp có sự cải tiến và thay đổi về không gian làm việc, đồng thời nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng và phát triển công nghệ.

Bên cạnh đó, yếu tố văn hóa doanh nghiệp cũng được người lao động quan tâm. Với tỷ lệ 28,9% trên tổng số lượt bình chọn, người lao động ngày nay kỳ vọng nhiều vào sự thay đổi trong văn hóa doanh nghiệp. Họ mong đợi sự lắng nghe, quan tâm từ phía doanh nghiệp cũng như sự cải tiến và xây dựng văn hóa nội bộ rõ ràng, gần gũi hơn. Người lao động cũng có sự kỳ vọng về ban lãnh đạo doanh nghiệp - là những người có thể nhìn nhận, đánh giá và đào tạo nhân viên.

Xét về những yếu tố mà người lao động sẽ cân nhắc khi chuyển việc, lương và môi trường làm việc tiếp tục là 2 sự lựa chọn chiếm tỷ lệ cao, lần lượt là 13,56% và 11,27%. Góp mặt trong nhóm 5 lựa chọn cao nhất là yếu tố văn hóa doanh nghiệp với tỷ lệ 8,14%, sự thăng tiến trong công việc với tỷ lệ 7,33% và cơ chế thưởng với tỷ lệ 6,09%.

Các chuyên gia nhận định, môi trường làm việc và văn hóa doanh nghiệp ngày càng được người lao động quan tâm, bởi đây được xem là những yếu tố có thể góp phần cải thiện hiệu suất làm việc, cũng như mang tính chất quyết định đến sự gắn bó lâu dài của người lao động tại doanh nghiệp.

Vụ Dự báo - Thống kê, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố một số kết quả chính của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý II/2023 cho biết, theo nhận định của các tổ chức tín dụng, tình hình lao động, việc làm của ngành tài chính - ngân hàng trong quý I/2023 tiếp tục cải thiện so với quý liền trước, nhưng chưa đạt kỳ vọng. Chỉ số cân bằng trong quý I/2023 ở mức 14%, thấp hơn so với chỉ số cân bằng dự kiến (18,8%) và chỉ số cân bằng trong quý IV/2022 (18,5%). Các tổ chức tín dụng kỳ vọng, tình hình lao động sẽ diễn biến khả quan hơn trong quý II/2023 và cả năm 2023.

Trong diễn biến có liên quan, báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh mới nhất do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam và Decision Lab thực hiện vừa được công bố có một thông tin đáng chú ý, lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu nhấn mạnh tầm quan trọng của các chương trình phát triển tài năng tại Việt Nam. Mặc dù Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, nhưng chỉ một phần ba các nhà lãnh đạo được khảo sát bày tỏ sự hài lòng với tính khả dụng và chất lượng của nguồn nhân lực.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục