Ngân hàng tuần qua: Tâm điểm room tín dụng, đổ vỡ dây chuyền P2P lending, loạt ngân hàng thay đổi nhân sự cấp cao

0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng, ưu tiên cấp room cho các ngân hàng có thanh khoản tốt, thị trường trái phiếu vẫn đóng băng, P2P lending đối mặt với khủng hoảng…là tâm điểm ngân hàng tuần qua.
Ngân hàng tuần qua: Tâm điểm room tín dụng, đổ vỡ dây chuyền P2P lending, loạt ngân hàng thay đổi nhân sự cấp cao

Phát hành trái phiếu giảm 60%, có 308.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn năm 2023

Số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, trong tháng 11/2022, có 5 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ được ghi nhận với giá trị 1.934,7 tỷ đồng.

CTCP Tập doàn Masan là doanh nghiệp phát hành nhiều nhất trong tháng 11 với 1.700 tỷ đồng, ngoài ra còn có 4 đợt phát hành đến từ Ngân hàng TMCP BIDV, CTCP Đầu Tư Đức Trung và CTCP City Auto.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của CTCP Tập đoàn VinGroup trị giá 625 triệu USD, 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 10.599 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 420 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 242.865 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành).

Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 56%.

Nhóm ngân hàng hiện vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.371 tỷ đồng, tương đương 53,8% tổng giá trị phát hành. Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 51.829 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4%.

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 163.974 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021. VBMA cho biết, trong năm 2023, sẽ có khoảng 308.622 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023 diễn ra đầu tuần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua, Chính phủ đã thành lập 3 tổ công tác.

Các tổ công tác gồm: Tổ công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng do Phó thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng; Tổ công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng; Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng.

Nhờ đó, tình hình đang ổn định trở lại, nhất là tâm lý thị trường, niềm tin thị trường đang được tăng cường, củng cố. Các vấn đề đột xuất, phức tạp diễn ra được xử lý bình tĩnh, chắc chắn, mang lại hiệu quả, nhất là xử lý một số ngân hàng yếu kém. Thị trường chứng khoán có tín hiệu tích cực trở lại.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng đã định hình được các công việc để cùng làm với doanh nghiệp và nhà đầu tư với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Các cơ quan cũng làm việc với các doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe các kiến nghị.

Ưu tiên nới room tín dụng cho các ngân hàng có thanh khoản cao và giảm lãi suất

Ngày 5/12, NHNN thông báo nới room tín dụng toàn hệ thống thêm 1,5-2%. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN quyết định nới room tín dụng 1,5-2% để có khả năng mở rộng tín dụng cho những doanh nghiệp, đối tượng, lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế lúc này.

Thời điểm quý III/2022, các chỉ số vĩ mô nói chung cho thấy không phải điều kiện thuận lợi, hơn nữa thanh khoản của một ngân hàng lúc đó chưa phải là đã đảm bảo cho việc tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, thời điểm đó vẫn cần đảm bảo được tất các các chính sách có mối quan hệ chặt chẽ với tỷ giá, lãi suất. Chính vì thế, quý III/2022 chưa phải thời điểm thuận lợi để tăng trưởng tín dụng.

Còn 3 tuần nữa sẽ kết thúc năm 2022, tuy nhiên NHNN thấy rằng, tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là tác động của kinh tế thế giới với Việt Nam cũng đã dịu bớt, đặc biệt. Thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo rất quyết liệt, tích cực, bằng nhiều giải pháp của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, một số chỉ tiêu vĩ mô đã cho thấy những dấu hiệu rất tích cực.

Chính vì thế, NHNN cũng đã xem xét và quyết định nới thêm hạn mức tín dụng cho các NHTM để tạo dư địa hỗ trợ cho các doanh nghiệp, Dự án, chương trình, lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế hiện nay.

Theo Phó Thống đốc, việc phân bổ room tín dụng có nhiều mong muốn và mục tiêu đặt ra. Trước hết là làm sao tạo điều kiện có thêm dư địa để các NHTM mở rộng tín dụng vào các lĩnh vực cần thiết. Nhưng việc phân bổ tín dụng cũng khuyến khích dành cho những NHTM có khả năng thanh khoản dồi dào và có thực hiện chính sách giảm lãi suất hiện nay.

Một số ngân hàng không hẳn đã hết dư địa tín dụng bởi dư địa tín dụng của năm 2022 đã được phân bố chung cho cả nước là 14% thì một số NHTM vẫn còn (ví dụ như Agribank dư địa tín dụng còn khá dồi dào) nên những ngân hàng đó không cần thiết phải nới room thêm lần này hoặc một ngân hàng đang tăng lãi suất ở mức cao thì NHNN thấy rằng, cũng cần phải hạn chế tăng trưởng tín dụng…

Chính vì thế, việc phân bổ tín dụng lần này có thể được xem là một trong những chính sách khuyến khích các NHTM tập trung huy động vốn và giảm lãi suất, tạo điều kiện rất thuận lợi, tích cực kể cả về nguồn vốn, lãi suất cho doanh nghiệp, cho các dự án, chương trình cần thiết của nền kinh tế.

Phó Thống đốc cho rằng, mức nới room trên tương đương với 240 nghìn tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế, đến thời điểm hiện nay tăng trưởng tín dụng 12,2%. Như vậy, room tín dụng mà theo phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% vẫn còn 1,8%, cộng gần 2% tăng thêm, như vậy có khoảng 3,8% room tín dụng cho thời gian cuối năm, kể cả qua Tết Nguyên đán.

Có thể nói là dư địa khá lớn cho các ngân hàng thương mại cung ứng vốn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế.

Nhưng điều quan trọng có room tín dụng, nhưng các NHTM cũng phải chủ động tích cực huy động các nguồn vốn nhàn rỗi để tạo nguồn cho vay và NHNN cũng tiếp tục theo dõi việc hướng dòng tiền sử dụng room tín dụng này. NHNN cũng sẵn sàng tạo điều kiện các nguồn lực vốn dài hạn cho các NHTM để có điều kiện có nguồn vốn cung ứng vốn một cách ổn định đảm bảo nhu cầu dự án rất cần thiết như hiện nay.

Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định, đối tượng NHNN muốn tập trung và cũng là chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, trước hết vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu, phụ tùng thay thế, đặc biệt là lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế lúc này.

Bên cạnh đó thời gian vừa qua Thủ tướng cũng có chỉ đạo quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ nhu cầu thực của người dân. Từ trước đến nay, NHNN luôn coi đây là một trong những lĩnh vực quan tâm và vẫn chỉ đạo các NHTM tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn.

Chúng tôi dành room tín dụng, ưu tiên thoả đáng cho những ngân hàng thương mại có khả năng thanh khoản cao và đặc biệt là những ngân đang giảm lãi suất hiện nay. Đây là một trong những chính sách để khuyến khích các NHTM giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện giảm lãi suất cho các DN, dự án, lĩnh vực cần thiết lúc này.

NHNN giao cho Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục kêu gọi, vận động các NHTM giảm lãi suất, tất nhiên tuỳ mức độ khả năng năng lực tài chính của mỗi TCTD, nhưng tinh thần chung có sự vận động các NHTM tiếp tục chia sẻ, như trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, sự chia sẻ của các NHTM cho các DN là rất lớn.

Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế vĩ mô hiện nay, các ngân hàng vẫn phải đảm bảo khả năng thanh khoản, an toàn của bản thân mỗi ngân hàng cũng như cả hệ thống. Tất cả cơ chế chính sách hiện nay của NHNN đặt ra xuất phát từ mục tiêu cuối cùng làm thế nào hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách bền vững và tiếp tục quán xuyến thực hiện tốt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Nới room tín dụng: Khó có chuyện ngân hàng "găm" vốn rót vào lĩnh vực rủi ro

Cũng theo Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng, để được cấp thêm room tín dụng, các ngân hàng phải có thanh khoản dồi dào, cam kết cho vay lĩnh vực ưu tiên và giữ ổn định lãi suất.

Trao đổi với báo chí hôm nay (8/12), TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam nhận định, việc nới room tín dụng từ 1,5 - 2 % của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa qua là phù hợp với thực tế, do nhu cầu vốn của các doanh nghiệp cuối năm tăng mạnh. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tín dụng vẫn đáp ứng được khả năng thanh khoản cũng như khả năng cung ứng thêm vốn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước không nới room cào bằng mà sẽ chỉ ưu tiên các tổ chức tín dụng đáp ứng 3 yếu tố. Thứ nhất, phải đủ nguồn lực vốn. Thứ hai, phải giữ ổn định được lãi suất để cho vay ra với lãi suất hợp lý. Thứ ba, tập trung cho vay các đối tượng trực tiếp sản xuất kinh doanh, những lĩnh vực ưu tiên.

Liên quan tới lo ngại dòng vốn được bơm tới đây sẽ chảy vào lĩnh vực rủi ro, ông Hùng cho rằng, điều này rất khó xảy ra. Trong phiên họp nội bộ với các thành viên do Hiệp hội ngân hàng tổ chức ngày hôm qua (7/12), các ngân hàng thương mại cũng xác định rõ phải tập trung tín dụng vào sản xuất theo định hướng của Chính phủ và NHNN.

“Đây cũng là một trong những trọng tâm mà Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét trong quá trình thanh tra, kiểm tra đối với những đơn vị được cấp quyền room tín dụng. Tôi cho rằng, nguy cơ dòng vốn tín dụng đưa vào những lĩnh vực rủi ro từ nay đến cuối năm khó có thể xảy ra. Ngoài sự giám sát của NHNN, bản thân các ngân hàng thương mại và Hiệp hội cũng luôn theo dõi, giám sát chặt chẽ”, ông Hùng khẳng định.

Mặc dù room tín dụng được nới, song theo ông Hùng, bản thân doanh nghiệp và ngân hàng cũng phải rất thận trọng trong giải ngân cuối năm. Thời gian qua, các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp phản ánh gặp nhiều khó khăn, sút giảm đơn hàng do kinh tế thế giới suy thoái.

“Các doanh nghiệp trong lúc này phải hết sức bình tĩnh, rà soát và cơ cấu lại danh mục kinh doanh của mình, xác định những khoản mục nào cần tập trung, khoản mục nào nên co gọn lại. Trong giai đoạn này, theo tôi, doanh nghiệp cần phải duy trì sản xuất ổn định, không nên mở rộng đầu tư. Với ngân hàng cũng vậy, khi tăng trưởng tín dụng cũng phải rà soát, đánh giá xem xét khả năng tình hình của mình bao gồm nguồn vốn, chất lượng tín dụng, nợ xấu, tài sản… để đảm bảo an toàn của mình và của cả hệ thống”, ông Hùng khuyến nghị.

Loạt ngân hàng thay đổi nhân sự cấp cao

*Ông Nguyễn Đức Thụy thành tân Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank

Tại cuộc họp HĐQT định kỳ tháng 12/2022, HĐQT LienVietPostBank đã thông qua Đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Huỳnh Ngọc Huy theo nguyện vọng cá nhân, đồng thời HĐQT thống nhất bầu ông Nguyễn Đức Thụy - Phó chủ tịch HĐQT giữ chức danh Chủ tịch HĐQT kể từ ngày 9/12/2022.

Như vậy, sau gần hai năm giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Đức Thụy đã chính thức được bầu làm Chủ tịch HĐQT của LienVietPostBank. Với uy tín, tâm huyết và nhiều năm kinh nghiệm thương trường, ông được kỳ vọng sẽ dẫn dắt và chỉ đạo để hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững cả về quy mô và chất lượng của LienVietPostBank trong tương lai.

* Ông Trần Ngô Phúc Vũ thành tân Chủ tịch HĐQT Nam A Bank

Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 của Nam A Bank vừa bầu ra HĐQT và Ban kiểm soát mới. Tại đại hội, Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới đã bầu ông Trần Ngô Phúc Vũ làm chủ tịch HĐQT Nam A Bank; ông Nguyễn Vĩnh Lợi được bầu làm Trưởng Ban kiểm soát. Ông Trần Ngô Phúc Vũ được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và sự ủng hộ tuyệt đối của toàn thể thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021 – 2026.

* NCB thay đổi nhân sự cấp cao

NCB vừa công bố quyết định bổ nhiệm hai Phó tổng giám đốc là ông Tạ Kiều Hưng và bà Đỗ Thị Đức Minh. Theo đại diện NCB, hướng tới mục tiêu đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc theo định hướng chiến lược, ngân hàng đang kiện toàn bộ máy Ban điều hành với sự tham gia của các nhân sự giàu kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn sâu rộng. Việc củng cố đội ngũ lãnh đạo cấp cao hứa hẹn sẽ giúp NCB sớm có những bước tăng trưởng tốt trong thời gian tới.

Fiin Credit mất thanh khoản: CEO nhận sai vì lách luật, nhà đầu tư không đồng ý phương án giãn nợ

Cuối tuần trước (1/12/2022), nền tảng cho vay ngang hàng Fiin Credit thông báo ngừng cho phép nhà đầu tư rút tiền. Thông báo xảy ra chỉ vài ngày sau khi Fiin Credit tuyên bố sẽ “giải cứu” một nền tảng cho vay ngang hàng khác là VO247 mất thanh khoản khiến nhà đầu tư mất niềm tin.

Trao đổi với nhà đầu tư mới đây, ông Trần Việt Vĩnh, CEO Fiin Credit thừa nhận, sở dĩ Fiin Credit âm vốn, mất thanh khoản là do những sự cố mới đây trên thị trường tài chính khiến nhà đầu tư lo lắng rút ròng ồ ạt. Trong khi đó, từ cuối năm 2019, để tăng hiệu quả hoạt động và giảm nợ xấu, Fiin Credit đã nhắm vào phân khúc hộ gia đình, tiểu thương. Tuy vậy, do đối tượng khách hàng này có nhu cầu vay vốn dài hạn trong khi nhà đầu tư lại chủ yếu cho vay ngắn hạn (30 ngày) nên “lách” quy định để lấy vốn dài hạn cho vay ngắn hạn hơn (3 tháng đến 12 tháng).

Theo ông Vĩnh, chênh lệch cho vay của thị trường P2P lending rất tốt (huy động từ nhà đầu tư với lãi suất 18-20%/năm song cho vay lên tới 40-50%/năm), đây là thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, Fiin Credit bị vỡ thanh khoản là do mất cân đối kỳ hạn và việc nhà đầu tư rút vốn ồ ạt.

Trước tình trạng âm vốn, ông Vĩnh cho biết Fiin Credit đã hoàn toàn mất khả năng chi trả, đề nghị nhà đầu tư cho công ty này giãn nợ 1 năm (ký hợp đồng cho Fiin Credit vay 12 tháng, rút gốc 1 lần cuối kỳ). Tuy vậy, phương án này khiến nhiều nhà đầu tư không đồng ý, cho rằng đây là biện pháp trì hoãn, câu giờ.

Trước cáo buộc của nhà đầu tư, ông Vĩnh khẳng định không có ý định lừa đảo hay trốn chạy khỏi Việt Nam và cam kết sẽ cố gắng hết sức để hoàn trả tiền cho nhà đầu tư đến đồng cuối cùng.

CEO Fiin Credit thừa nhận sẽ phải đương đầu với pháp luật nếu nhà đầu tư tố cáo, song bày tỏ hi vọng nhà đầu tư sẽ cho Fiin Credit cơ hội để sửa sai, thu hồi vốn, hoàn tiền cho nhà đầu tư. Bởi tất cả khoản vay của Fiin Credit đều là tín chấp, không có tài sản đảm bảo, nếu công ty dừng hoạt động sẽ không có ai thu hồi vốn vay để trả cho nhà đầu tư.

“Rất mong khách hàng hãy cho chúng tôi một khoảng thời gian để chúng tôi sắp xếp lại hoạt động của mình. Các khoản tiền thu hồi tới đây sẽ được sử dụng để duy trì hoạt động công ty, giúp công ty trả các khoản vay nóng và hoàn trả dần cho các nhà đầu tư”, ông Nguyễn Việt Vĩnh khẩn cầu.

Mặc dù vậy, trước sự phản đối giãn nợ 12 tháng Fiin Credit, các nhà đầu tư không tán thành và đề nghị công ty chia nhỏ từng phần để trả lại cho nhà đầu tư. Theo dự kiến, chiều nay (8/12), Fiin Credit sẽ gửi tới nhà đầu tư phương án hoàn tiền mới.

Trong buổi làm việc với nhà đầu tư ngày 9/12, lộ trình chi trả tiền cho nhà đầu tư vẫn chưa đạt được sự thống nhất. Fiin Credit dự định tiếp tục làm việc với nhà đầu tư vào đầu tuần tới để đàm phán.

T.L
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục