Với mức thấp nhất chạm đến là 513 điểm, VN-Index chỉ còn cách vùng đáy hồi tháng 5 khi sự kiện biển Đông diễn ra (508 điểm) một khoảng rất nhỏ.
Điều này khiến nhiều NĐT thực sự kinh ngạc và không hiểu điều gì đang diễn ra trên thị trường. Rõ ràng ở những cú rơi trước đó, nhiều NĐT đã buộc phải giảm mức độ sử dụng đòn bẩy, nên áp lực giải chấp là không quá lớn. Vậy yếu tố nào khiến NĐT hoảng loạn và bán tháo một cách mạnh mẽ đến vậy?
Lý giải cho câu chuyện giảm giá trên có thể nằm ở một số điểm. Nhiều NĐT cho rằng, nguyên nhân là do giá dầu giảm, nhưng đó chỉ là cái cớ, bản chất của câu chuyện là tâm lý đám đông và một phần của giải chấp. Trong nhịp giảm này, điều đáng chú ý là ngay cả những cổ phiếu vốn dĩ mang tính an toàn cao cũng bị bán ra.
Có lẽ nó cũng bị sức ép lớn trước chiến lược của NĐT là bán trước mua lại sau với giá rẻ hơn. Chính áp lực này đã tạo ra sự lan tỏa đi xuống ở nhiều nhóm cổ phiếu và nếu quan sát kỹ có thể nhận thấy, thị trường sụt giảm mạnh đã thúc đẩy lực cầu vào bắt đáy.
Tuy nhiên, còn có một lý do sâu xa hơn mà giới tài chính lo ngại liên quan đến Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Câu chuyện với Thông tư 13 ban hành năm 2010 là điều nhiều NĐT chưa thể quên khi nó tác động sâu tới TTCK. Đó cũng là lý do đã có những đề xuất giãn thời hạn áp dụng Thông tư 36, bởi thời gian để các đối tượng bị điều chỉnh bởi thông tư này chuẩn bị là quá ngắn.
Hơn nữa, với quy định của Thông tư 36, có khá nhiều điểm bất ngờ nên thị trường dường như đã không định hình kịp. Dòng tiền lớn chưa quay lại và thực sự khó có thể hình dung mọi thứ sẽ ra sao khi Thông tư chính thức có hiệu lực.
VN-Index vẫn trong xu thế giảm. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua (19/12), VN-Index dừng ở mốc 523 điểm. Liệu thị trường có tiếp tục giảm và vùng 500 - 510 điểm có thực sự giúp cho thị trường vững vàng hay là những mốc điểm sâu hơn nữa?
Thực tế, có thể kỳ vọng thị trường không giảm sâu hơn nữa, với 3 lý do. Thứ nhất, ảnh hưởng từ giá dầu sẽ không còn quá lớn khi mức giá hiện tại đã gần sát với mức thấp nhất mà các chuyên gia dự báo. Vì thế, sự tác động của giá dầu sẽ không gây ra những cú sốc mạnh trong khi giá của hàng loạt cổ phiếu dầu khí cũng đã chạm đến vùng hỗ trợ mạnh, nên mức giảm (nếu có) cũng sẽ bớt sốc hơn.
Thứ hai, sau nhiều phiên giảm mạnh và đột ngột khiến cả những cổ phiếu cơ bản cũng bị rơi vào tình trạng call margin, thì lượng sử dụng công cụ này ngày càng thấp đi. Đó có thể là áp lực cuối cùng của sự chịu đựng với NĐT và hẳn họ không còn tin vào thị trường nữa. Một sự cảnh giác cũng như an toàn được đặt lên hàng đầu và có thể sẽ là một sự chấp nhận thua cuộc bằng cách đóng tài khoản chuyển sang trạng thái “ngủ đông”.
Trước nhịp giảm này, điều đó cũng đã xảy ra khi khối lượng giao dịch đã có tín hiệu co hẹp, ngoại trừ phiên sụt giảm mạnh đẩy giá cổ phiếu giảm sâu và kích thích lòng tham bắt đáy.
Cuối cùng, vùng 500 - 510 điểm đã có một khoảng thời gian dài xây đắp nền móng, nên để rơi khỏi ngưỡng hỗ trợ này, cũng cần một khoảng thời gian đủ dài.
Chưa có nhận định nào khẳng định rõ xu hướng thị trường thời gian tới. CTCK SSI là đơn vị tiên phong phát hành bản báo cáo trên tạp chí danh tiếng FinanceAsia với tiêu đề: “Cơ hội cho TTCK” với những phân tích, nhận định về thị trường, liệu có giúp cho NĐT có sự vững tâm.
Có thể nhiều NĐT cũng đã nhận thấy những cơ hội đầu tư cho dù trước mắt còn nhiều khó khăn. Ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế, TTCK vẫn chứng minh rằng nó vẫn là kênh đầu tư tốt nhất. Vì thế, với những gì đã đạt được thì sự giảm điểm của thị trường thời gian qua chỉ là sự điều chỉnh trong quá trình tăng dài hạn mà TTCK đang có. Biến động này có thể sẽ còn kéo dài thêm một thời gian. Theo chúng tôi, giữ và bảo toàn vốn là điều quan trọng nhất lúc này, trước khi những tín hiệu tích cực quay trở lại.