Thông tư 36 tác động thế nào tới thị trường chứng khoán?

(ĐTCK) Ngày 1/2/2015, Thông tư 36/2014/TT-NHNN (Thông tư 36) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài chính thức có hiệu lực, sẽ có tác động lớn tới hoạt động của các TCTD và TTCK (cổ phiếu và trái phiếu).
Thông tư 36 tác động thế nào tới thị trường chứng khoán?

Tác động đối với ngành ngân hàng

Ảnh hưởng của Thông tư 36 đối với ngành ngân hàng là rất lớn trên nhiều khía cạnh. Một số tác động quan trọng nhất là, thứ nhất, các quy định chặt chẽ hơn về giới hạn cho vay. Thông tư 36 nhắc lại điều 127 Luật Các TCTD về hạn chế cấp tín dụng với một số đối tượng, trong đó cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, kế toán trưởng của ngân hàng và các DN do những người này sở hữu trên 10% vốn điều lệ. Giới hạn tín dụng cấp cho các đối tượng này là 5% vốn tự có của TCTD.

Điều 11 Thông tư 36 quy định, TCTD không được cấp tín dụng với những trường hợp không được cấp tín dụng theo quy định tại Điều 126 Luật Các TCTD, như thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, Ban điều hành và cấp tương đương…; không được cấp tín dụng trên cơ sở bảo đảm của các đối tượng này. Ngoài ra, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với các công ty con, công ty liên kết của TCTD hoặc DN mà TCTD nắm quyền kiểm soát không được vượt quá 20% vốn tự có của TCTD.

Thông tư 36 cũng thống nhất giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng và nhóm khách hàng liên quan theo Điều 128 Luật Các TCTD, phân ra theo ngân hàng và TCTD phi ngân hàng. Cụ thể, Điều 13 Thông tư 36 quy định: “Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”. Các giới hạn mới này giảm đáng kể so với quy định trước đây, tương ứng ở mức 25% và 60%.

Theo VPBS, những giới hạn tín dụng mới, đặc biệt là giới hạn với những cổ đông lớn, thành viên HĐQT và các DN do những người này sở hữu sẽ giúp hạn chế sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích trong nội bộ ngân hàng, đồng thời hạn chế rủi ro của hoạt động tín dụng và giảm đáng kể tác động của việc một khách hàng vỡ nợ đến TCTD, vốn từng xảy ra trong quá khứ. Đây là một bước đi tích cực trong quá trình tái cơ cấu dài hạn ngành ngân hàng.

Thứ hai, Thông tư 36 thắt chặt kiểm soát đối với sở hữu chéo giữa các TCTD bằng việc giới hạn ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ được mua, nắm giữ cổ phần tối đa của 2 TCTD khác, trừ TCTD là công ty con và chỉ được mua, nắm giữ tối đa 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết tại TCTD khác.

Thông tư 36 cũng quy định thắt chặt việc đầu tư sở hữu chéo giữa ngân hàng và những bên có liên quan. Cụ thể, (i) NHTM, công ty tài chính (CTTC) không được góp vốn, mua cổ phần của các DN, TCTD khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính NHTM, CTTC đó; không được góp vốn, mua cổ phần của các DN, TCTD khác là người có liên quan của cổ đông lớn, người quản lý của NHTM, CTTC. (ii) công ty con, công ty liên kết của cùng một NHTM, của cùng một CTTC không được góp vốn, mua cổ phần của nhau. NHTM không được góp vốn, mua cổ phần của công ty con, công ty liên kết của công ty kiểm soát ngân hàng. CTTC không được góp vốn, mua cổ phần của công ty con, công ty liên kết của công ty kiểm soát CTTC. (iii) Công ty con, công ty liên kết của cùng một NHTM, của cùng một CTTC không được góp vốn, mua cổ phần của chính NHTM, CTTC đó. (iv) NHTM, CTTC là công ty con, công ty liên kết của công ty kiểm soát không được góp vốn, mua cổ phần của công ty kiểm soát đó.

Với quy định này có thể nhiều cổ đông của ngân hàng phải thoái bớt vốn đầu tư vào ngân hàng so với hiện tại, làm tăng nguồn cung cổ phiếu ngân hàng, khiến giá một số cổ phiếu ngân hàng giảm, trong đó có một số ngân hàng niêm yết và điều này sẽ ảnh hưởng đến chỉ số chung của TTCK. Ngoài ra, nhiều khoản đầu tư lẫn nhau giữa các công ty con, công ty liên kết, người có liên quan của các TCTD cũng sẽ phải thay đổi chủ sở hữu.

Tác động đến TTCK

Đối với thị trường cổ phiếu, trước khi Thông tư 36 được bạn hành, tâm lý của thị trường đã bị ảnh hưởng. Điều 14 Thông tư 36 quy định, tín dụng cho vay đầu tư cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ của TCTD (giảm từ mức 20% vốn điều lệ cho vay đầu tư chứng khoán trước đó). Ngoài ra, TCTD chỉ được cho vay đầu tư chứng khoán khi đáp ứng được đầy đủ các tỷ lệ an toàn hoạt động và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Hiện tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống ngân hàng là 435.243 tỷ đồng. Nếu loại trừ 86.636 tỷ đồng vốn điều lệ của các ngân hàng nước ngoài, vốn lâu nay không tham gia vào thị trường cho vay chứng khoán, thì tổng vốn điều lệ của các ngân hàng cho vay đầu tư chứng khoán là 348.607 tỷ đồng. Theo thông tư mới, những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% không được tham gia cho vay chứng khoán (ước tính vốn điều lệ của các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% khoảng 86.449 tỷ đồng), thì 5% vốn điều lệ của các ngân hàng đủ tiêu chuẩn để cho vay đầu tư chứng khoán đạt khoảng 13.108 tỷ đồng, giảm 81% so với giá trị trước đây (tối đa là 20% vốn điều lệ, tương đương khoảng 69.721 tỷ đồng).

Số ngân hàng có nợ xấu trên 3% dự kiến còn tăng lên từ đầu năm 2015 sau khi Thông tư 02/2013 và Thông tư 09/2014 của NHNN có hiệu lực, sẽ tiếp tục khiến lượng vốn có thể cho vay chứng khoán suy giảm. Thị trường vì vậy đã phản ứng mạnh mẽ vì cho rằng một lượng vốn lớn sẽ bị rút ra khỏi thị trường. Chỉ số VN-Index đã giảm 35 điểm (5,8%) trong vòng 10 phiên giao dịch từ ngày 18/11 đến 28/11/2014.

Tuy nhiên, do các số liệu ngành ngân hàng cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, chứng khoán không được công bố đầy đủ, nên rất khó có thể đánh giá tác động cụ thể của Thông tư 36 đến từng ngân hàng và đến TTCK.

Theo thông tin từ NHNN, toàn hệ thống các TCTD chưa bao giờ dùng đến 5% vốn điều lệ để cho vay kinh doanh chứng khoán. Mặc dù có một số ngân hàng lớn không tham gia nhiều hoạt động kinh doanh này, chúng tôi cho rằng, vẫn có một số ngân hàng nhỏ hiện đang có mức dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán cao hơn nhiều mức 5% vốn điều lệ. Vì thế, các ngân hàng này sẽ phải giảm lượng cho vay chứng khoán, qua đó ảnh hưởng tiêu cực tới TTCK.

Theo số liệu thống kê của UBCK, tổng dư nợ cho vay ký quỹ (margin) tính đến cuối tháng 10 đạt 17.000 tỷ đồng. Con số này được lấy từ báo cáo tài chính của các CTCK, nên nhiều khả năng đã không tính đến những khoản vay trực tiếp từ ngân hàng cho nhà đầu tư chứng khoán, với tài sản thế chấp là cổ phiếu.

Một vấn đề nữa, đó là 17.000 tỷ đồng cho vay margin chủ yếu từ vốn sở hữu của các CTCK hay từ các khoản vay ngân hàng. Theo thống kê của chúng tôi về 20 CTCK lớn nhất thị trường tính theo vốn điều lệ, tổng nợ (các khoản vay ngắn hạn và dài hạn từ ngân hàng, trái phiếu DN) chỉ đạt hơn 5.600 tỷ đồng. Như vậy, gần 70% tổng các khoản cho vay ký quỹ chủ yếu đến từ vốn sở hữu của các CTCK.

Trong tương lai, các CTCK có thể sẽ nâng vốn chủ sở hữu và giảm cổ tức tiền mặt để tăng tiềm lực tài chính, từ đó tăng khả năng cho vay ký quỹ, hiện đang bị giới hạn ở mức 200% vốn điều lệ của CTCK theo Quyết định số 637/2011 của UBCK, bù đắp sự sụt giảm nguồn vốn cho vay từ ngân hàng cho hoạt động đầu tư chứng khoán. Chúng tôi cho rằng, trong những năm tới, các CTCK sẽ phát hành thêm cổ phiếu mới (đối với các công ty cổ phần), hoặc được ngân hàng mẹ bơm thêm vốn (đối với các công ty trực thuộc ngân hàng). Tạo điều kiện thuận lợi cho việc này, Thông tư 36 đã loại bỏ hạn mức 25% vốn điều lệ đầu tư vào các công ty trực thuộc. Hiện nay, hạn mức của tất cả các khoản đầu tư vốn của một ngân hàng là 40% vốn điều lệ. Chính vì vậy, ngân hàng có thể tăng vốn cho các CTCK trực thuộc.

Liên quan tới thị trường trái phiếu, Thông tư 36 đã khiến nhiều ngân hàng nước ngoài phải bán ra trái phiếu chính phủ (TPCP) và điều này đẩy lợi suất trái phiếu tăng lên.

Điều 17 Thông tư 36 quy định, tỷ lệ tối đa so với nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để mua TPCP tại NHTM nhà nước là 15%, NHTM cổ phần, liên doanh, 100% vốn nước ngoài là 35%, chi nhánh ngân hàng nước ngoài 15%, TCTD phi ngân hàng 5%, ngân hàng hợp tác xã 40%.

Các giới hạn này sẽ ảnh hưởng tới một số ngân hàng nước ngoài, khiến họ phải tăng cường bán ra TPCP. Thống kê cho thấy, trong 3 tuần gần đây (từ 17/11 - 5/12), các nhà đầu tư nước ngoài chuyển sang bán ròng mạnh, với giá trị bán ròng TPCP lên tới 6.130 tỷ đồng. Điều này đẩy lợi suất trái phiếu tăng mạnh, tăng từ 29 đến 53 điểm cơ bản tại các kỳ hạn dưới 5 năm.

CTCK VPBS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục