Tại sao thị trường muốn hoãn?
NHNN đã ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của NHTM. Trong đó, Thông tư quy định TCTD phải đảm bảo tỷ lệ nợ xấu dưới 3% để được cấp tín dụng đầu tư cổ phiếu. Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng của NHTM để đầu tư kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ.
Xét về trung và dài hạn, Thông tư 36 sẽ có tác động hướng dòng vốn từ ngân hàng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của DN hơn là cho vay đầu tư vào chứng khoán.
Về bản chất, chứng khoán là một loại hàng hóa đặc biệt, là công cụ đầu tư, kinh doanh nên cũng cần vay vốn. Hiện quy định của Ủy ban Chứng khoán là với những cổ phiếu đủ điều kiện được vay để đầu tư, nhà đầu tư có 1 đồng, được vay tối đa 1 đồng từ các công ty chứng khoán đề đầu tư (vay margin). Khi NHNN hạn chế vốn từ ngân hàng vào TTCK bằng Thông tư 36, TTCK và nhà đầu tư rõ ràng bị hạn chế không gian kinh doanh.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dòng tiền margin các CTCK cung cấp cho nhà đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng, trong đó có cả tiền CTCK vay của ngân hàng để cho nhà đầu tư vay và tiền của chính CTCK cho nhà đầu tư vay. Còn một khoản vay không nhỏ khác là các ngân hàng trực tiếp cho các nhà đầu tư lớn vay qua cầm cố, thế chấp cổ phiếu, tuy nhiên, khoản này UBCK không có thông tin để tổng hợp.
Ngày 1/2/2015, Thông tư 36 sẽ có hiệu lực thi hành. Để dòng tiền vay trên TTCK không bị suy giảm, yêu cầu tiên quyết là các CTCK phải tự nâng vốn chủ sở hữu của mình lên. Tuy nhiên, việc tăng vốn của CTCK từ nay đến ngày 1/2/2015 trong bối cảnh TTCK suy giảm mạnh, là quá khó. Sự bí bách về dòng tiền mới là nguyên nhân khiến TTCK suy giảm mạnh và dự báo còn suy giảm trong những tháng đầu năm 2015.
Trong lòng thị trường, nhiều nhà đầu tư mong đợi NHNN sẽ lùi thời hạn thi hành Thông tư 36 cho CTCK có thêm thời gian tìm nguồn vốn mới, đủ sức đáp ứng nhu cầu margin như vừa qua của khách hàng. Khối CTCK và nhà quản lý TTCK thì có phần kín tiếng hơn với mong muốn này. Khi TTCK khó khăn, công tác tái cấu trúc DNNN sẽ không thể diễn ra suôn sẻ.
Về khối ngân hàng, tại Diễn đàn DN thường niên Việt Nam (VBF 2014), ông Dennis Hussey, Tổng giám đốc Ngân hàng Citi Việt Nam, Trưởng Nhóm công tác ngân hàng (BWG) cho rằng
“Để Việt Nam phát triển thị trường trái phiếu, cần tránh lặp lại bài học của những năm 2008-2009 khi lãi suất trái phiếu tăng vọt từ 7% lên 21-25%. Do đó, BWG đề nghị NHNN xem xét gia hạn thời hạn hiệu lực thi hành của Thông tư 36”, ông Dennis Hussey nói.
Quy định đúng đắn, có giá trị dài hạn
Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) cũng đã nhấn mạnh, TTCK chịu sự tác động của nhiều yếu tố, không riêng chính sách tiền tệ của NHNN, chẳng hạn chính sách kinh tế vĩ mô, trần sở hữu của NĐT nước ngoài, biến động trên thị trường quốc tế…
Do vậy, khó kỳ vọng chỉ cần có Thông tư 36 sẽ làm ổn định TTCK, nhưng cũng không thể phủ nhận Thông tư 36 ra đời là điều cần thiết để hỗ trợ TTCK hoạt động đúng chức năng, phát triển lành mạnh, vững chắc.
Ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV nêu quan điểm, Thông tư 36 thể hiện rất rõ định hướng của NHNN trong quản lý hoạt động cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu tại các TCTD. Theo tính toán của BIDV, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống NHTM hiện nay khoảng 435.000 tỷ. Như vậy, tổng mức dư nợ cấp tín dụng tối đa cho riêng đầu tư kinh doanh cổ phiếu, tương ứng 5% vốn điều lệ, sẽ tương đương khoảng 21.750 tỷ đồng. Số liệu này hiện đang lớn hơn nhiều số dư cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán (gồm cả cổ phiếu và trái phiếu, ước tính 17.000 tỷ toàn thị trường, bao gồm cả phần cho vay từ nguồn vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán).
“Như vậy, tác động của quy định này đến TTCK sẽ là tác động mang tính trung và dài hạn. TTCK sẽ phát triển ổn định và bền vững hơn nhờ những nguồn vốn đầu tư thực chất, vì mục đích phát triển DN”, ông Trần Phương nhấn mạnh.
Đối với hệ thống ngân hàng, ông Đỗ Tuấn Anh, Thành viên HĐQT kiêm quyền Tổng giám đốc Techcombank nêu quan điểm: “Thông tư 36 nâng cao quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng nhằm giúp các ngân hàng tránh những rủi ro mất thanh khoản. Theo tôi, với các ngân hàng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thì Thông tư này hoàn toàn không ảnh hưởng gì. Thậm chí, các ngân hàng sẽ có thêm cơ sở nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới và khách hàng sẽ yên tâm hơn với các khoản tiền gửi của mình”.
“Việc qui định một số giới hạn, tỷ lệ an toàn tại Thông tư 36 có tham chiếu đến các chuẩn mực quốc tế theo hiệp ước Basel II, Basel III cho thấy NHNN Việt Nam đã từng bước điều chỉnh hoạt động của thị trường tiền tệ - ngân hàng theo hướng hội nhập quốc tế và tăng cường tính ổn định, bền vững của hệ thống TCTD Việt Nam, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các TCTD”, ông Ân Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc VIB chia sẻ với ĐTCK.
Đồng quan điểm này, Tổng giám đốc VietinBank, ông Lê Đức Thọ nói: “Một số quy định như tỷ lệ an toàn vốn, thanh khoản… trong quá trình triển khai để ban hành chính sách, NHNN đã tham khảo tình hình thực tế của Thông tư nếu triển khai tại các ngân hàng. Do đó, các tỷ lệ được quy định trong Thông tư đối chiếu với mặt bằng chung của thị trường tôi cho rằng có cơ sở thực hiện được”,
‘Bệnh’ của thị trường tài chính Việt Nam là bất kỳ khi nào có những quy định mới ban hành mà các thành viên trong thị trường bị ‘va’ về mặt quyền lợi là ngay lập tức xin trì hoãn mà không nhìn trong tổng thể của cả nền kinh tế. Quan điểm của tôi là, cơ quan quản lý cần triển khai Thông tư đúng như kế hoạch và cũng là để hình ảnh của Việt Nam ‘sáng’ trong nhìn nhận của các nhà đầu tư nước ngoài”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nói.
Đại diện cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra Giám sát, NHNH trong cuộc trao đổi với ĐTCK cho biết, NHNN sẽ không lùi thời hạn thi hành Thông tư 36 bởi đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu và bảo đảm sự an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu.