Vì thế, theo TS. Lực, cần thiết áp dụng Thông tư 36 để ngân hàng hướng tới thông lệ quốc tế.
Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế trong nước năm 2015?
Theo tôi, tình hình kinh tế năm 2015 sẽ có phần sáng sủa hơn một chút so với năm 2014 nhờ 3 động lực.
Thứ nhất, xuất khẩu sẽ tăng trưởng nhờ cú huých về sự hồi phục của kinh tế thế giới.
Thứ hai, những cải cách của nền kinh tế Việt Nam sẽ góp phần vào tăng trưởng.
Thứ ba là sự hồi phục của nền kinh tế thế giới, trong đó có Nhật Bản. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những rủi ro nhất định, như rủi ro địa chính trị và rủi ro môi trường, rủi ro liên quan đến quản lý yếu kém của doanh nghiệp.
Tăng trưởng tín dụng 2015 có thể ở mức 13 - 15%
Vậy theo ông, chính sách tiền tệ năm tới sẽ tiếp tục theo hướng nới lỏng hay thắt chặt?
Tôi cho rằng, về chính sách tiền tệ trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chốt rất nhiều vấn đề. Thứ nhất là câu chuyện tái cơ cấu.
Thứ hai, chính sách tiền tệ vẫn theo hướng thận trọng, nhưng có thể nới lỏng một chút. Tín dụng trong năm nay của ngành không phải tăng cao, nên khả năng năm tới có thể tăng lên 13 - 15%, thậm chí cao hơn. Còn tỷ giá vẫn sẽ tiếp tục ổn định, vì nguồn cung ngoại tệ của chúng ta hiện nay khá dồi dào.
Theo ông, Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt hơn trong kiểm soát tỷ giá hay tiếp tục “neo” ở mức như hiện nay?
Thực ra, Việt Nam không “neo” tỷ giá mà đang điều hành tỷ giá có điều tiết, tức thả nổi tỷ giá, nhưng có kiểm soát và có điều tiết thông qua biên độ tỷ giá hiện nay là 1%, được công bố hàng ngày. Tất nhiên là chúng ta cần phải đảm bảo tối đa để ổn định tỷ giá, vì nó sẽ tác động đến rất nhiều mặt của nền kinh tế, từ doanh nghiệp, người dân, đến các vấn đề kinh tế vĩ mô…
Theo ông, Ngân hàng Nhà nước có nên hoãn thời gian áp dụng Thông tư 36 như nhiều ý kiến đưa ra?
Thông tư 36 được nâng cấp lên từ Thông tư 13 để chuẩn hóa và khớp với các quy định của Basell II. Do đó, tôi cho rằng, việc áp dụng các quy định của Thông tư 36 là cần thiết để các ngân hàng có thể tiếp cận được các chuẩn mực quốc trong hoạt động, đảm bảo an toàn.
Vì thế, tôi cho rằng, không cần thiết phải hoãn việc áp dụng Thông tư 36, vì trong những quy định đó, đến nay, các NHTM cũng đã thực hiện được một phần.
Liệu sở hữu chéo có giảm khi các quy định trong Thông tư 36 “siết chặt hơn”, thưa ông?
Các quy định của Thông tư 36 hướng đến các mục tiêu cụ thể gồm: làm thế nào để hoạt động của ngân hàng an toàn hơn, khắc phục những tồn tại của hệ thống ngân hàng, phát triển bền vững hơn và hướng tới thông lệ quốc tế, trong đó có mục tiêu “siết” sở hữu chéo để đẩy mạnh việc tái cấu trúc ngân hàng, lành mạnh hóa hệ thống.
Các quy định của Thông tư 36 khống chế tỷ lệ sở hữu của một ngân hàng này tại ngân hàng khác không quá 5% và tối đa 2 tổ chức tín dụng, nhằm giảm chi phối, sở hữu chéo và thao túng của các cổ đông lớn trong hệ thống ngân hàng hiện nay.