Là người có kinh nghiệm hoạt động ngân hàng trên thế giới, ông có nhận định gì về Thông tư 36 vừa được NHNN ban hành cuối tuần vừa rồi?
Trên quan điểm quản lý hoạt động quản trị DN và quản lý rủi ro, tôi cho rằng, những quy định trong Thông tư 36 là cần thiết về cho vay, đầu tư chặt chẽ hơn để các ngân hàng quản lý hiệu quả, có tính thanh khoản tốt hơn. Đặc biệt, giải pháp cho vấn đề sở hữu chéo, vốn được chờ đợi từ lâu, nhằm hạn chế những rủi ro trong hệ thống cũng được nêu cụ thể trong Thông tư.
Bên cạnh đó, Thông tư 36 có thể được xem là tiền đề áp dụng công ước Basel II vì những quy định liên quan đến an toàn vốn, thanh khoản, tín dụng… đều hướng tới Basel II.
Rõ ràng, Thông tư 36 là bước ngoặt trong lịch sử của NHNN trong việc quản lý hệ thống ngân hàng.
Vậy, Thông tư 36 sẽ có những ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng như thế nào?
Thông tư 36 nếu được thực thi một cách nghiêm túc sẽ tạo ra những thay đổi từ bên trong các ngân hàng. Đó chính là mục tiêu của kế hoạch tái cơ cấu ngành ngân hàng mà NHNN và Chính phủ đang nỗ lực thực hiện.
Tuy nhiên, “không có bữa ăn nào miễn phí”, bất cứ quy định nào để giúp hệ thống chặt chẽ, lành mạnh hơn đều phải tốn kém chi phí. Thông tư 36 buộc các ngân hàng phải xây dựng được quy chế nội bộ và cơ chế, bộ máy thích hợp để tuân thủ rất nhiều quy định tại Thông tư, vì vậy, cách quản trị và quản lý ngân hàng sẽ phải có sự thay đổi mạnh mẽ. Về phía NHNN, những chi phí cho việc giám sát, thanh tra các ngân hàng trong hệ thống cũng sẽ đội lên vì hoạt động của Cơ quan Thanh tra Giám sát phải được tăng cường về số lượng cuộc thanh tra, kỹ năng thanh tra, mô hình thanh tra và đầu tư cho công nghệ thông tin phục vụ công việc này.
Thông tư không quy định giai đoạn chuyển tiếp, mà thực hiện luôn từ 1/2/2015. Các ngân hàng chỉ còn hơn 2 tháng để điều chỉnh các quy chế, quy trình bộ máy và tăng cường bộ máy kiểm soát, kiểm tra nội bộ để đáp ứng những yêu cầu của Thông tư 36. Mặc dù Thông tư không có tính hồi tố, nhưng những giao dịch đã phát sinh liên quan đến tín dụng, thanh khoản, đầu tư phải dần được điều chỉnh, còn những giao dịch mới thì phải lập tức tuân thủ các quy định của Thông tư 36. Việc thi hành sẽ rất gấp, đặc biệt với một số quy định điều chỉnh cho vay và đầu tư với những người có liên quan, đầu tư. Đây là điều không dễ dàng vì đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của thành viên ban lãnh đạo tại một số ngân hàng.
Mặc dù việc áp dụng Thông tư sẽ làm phát sinh chi phí của hệ thống ngân hàng và thời gian thực hiện sát nút, nhưng tôi hoan nghênh việc khẩn trương thực thi thông tư này để đẩy mạnh tiến trình tái cấu trúc ngành ngân hàng. Một ngày qua đi mà chưa quyết liệt tái cấu trúc là một ngày phát sinh thêm nhiều thiệt hại và chi phí cho toàn nền kinh tế và xã hội.
Điều 17 của Thông tư 36 quy định, NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng hợp tác xã được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn với tỷ lệ tối đa là 60%. Việc cho phép tăng gấp đôi vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn so với trước kia có tạo thêm rủi ro, theo ông?
Trước kia, ngân hàng bị giới hạn chỉ được phép dùng 1/3 vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, nay có thể dùng gấp đôi vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Đây là điểm thuận lợi cho hoạt động kinh doanh vốn của các ngân hàng, nhưng rủi ro rõ ràng cũng lớn hơn. Độ chênh (gap) giữa các tài sản có và tài sản nợ cho từng thời hạn (không kỳ hạn, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng...) dưới khía cạnh ngày đến hạn và tính nhạy cảm lãi suất chắc chắn sẽ tăng lên và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn về thanh khoản và lợi nhuận. Chẳng hạn, nếu tài sản có trung và dài hạn nhiều, trong khi tài sản nợ tập trung ở ngắn hạn thì rủi ro thanh khoản tăng lên vì các khoản huy động khi đến hạn, ngân hàng không đủ tiền để thanh toán và phải đôn đáo chạy vào thị trường 1 hay thị trường 2 vay mượn với lãi suất cao để thanh toán tiền gửi đến hạn...
Bên cạnh đó, rủi ro lãi suất cũng tăng vì lãi suất tiền gửi ngắn hạn có thể biến động nhanh trong khi lãi suất cho vay trung và dài hạn không thể điều chỉnh cùng tốc độ với lãi suất tiền gửi và vì thế có thể tác động tiêu cực đến lợi nhuận. Để tránh rủi ro, mỗi ngân hàng phải có những quy định để kiểm soát độ hở của các tài sản và những biện pháp dự phòng riêng như có hạn mức tín dụng với các ngân hàng khác. Quy định của Thông tư 36 là tối đa 60%, nhưng các ngân hàng nên sử dụng hạn mức này dưới mức tối đa và không nên cố định ở một mức.
Thông tư 36 điều chỉnh hệ số rủi ro cao nhất từ 250% xuống 150% (đây là những tài sản thuộc hoạt động cho vay, đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán). Theo quan điểm của ông, việc nới lỏng này có đi ngược với chủ trương tái cấu trúc hệ thống ngân hàng?
Tôi muốn phân tích một chút về hệ số rủi ro. Cụ thể, các ngân hàng phải giữ tỷ lệ CAR (an toàn vốn) ở mức 9%. Nếu ngân hàng muốn cho vay 100 đồng thì phải có vốn tự có 9 đồng, nếu hệ số rủi ro của khoản vay đó là 100%. Nếu hệ số rủi ro là 250% thì ngân hàng đó phải có vốn tự có là 22,5 đồng. Nếu hệ số rủi ro hạ xuống 150% thì ngân hàng phải có vốn tự có là 13,5 đồng. Trong trường hợp ngân hàng không thể tăng vốn tự có để thỏa mãn quy định về hệ số rủi ro cho món vay, ngân hàng buộc phải điều chỉnh số tiền cho vay để đáp ứng quy định. Việc giảm hệ số rủi ro cho một số loại tín dụng như bất động sản, chứng khoán từ 250% xuống 150% là mở rộng hoạt động cho vay cho những loại tín dụng này. Với cho vay chứng khoán, có thể nói, đây là cách NHNN nới lỏng cho vay chứng khoán giúp tăng thanh khoản cho TTCK và hỗ trợ cho việc đầu tư vào cổ phiếu.
Nút mở này theo tôi không đi ngược chủ trương tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, nhưng trong tương lai, có thể, ngân hàng gặp nhiều rủi ro hơn vì hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán được mở rộng hơn. Tuy nhiên, điều này cũng không quá quan ngại khi Thông tư 36 cũng sửa đổi, bổ sung giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ.
Có thể nói, nút mở 250% được kềm chế bởi nút chặn 5%. Tuy nhiên, nút chặn 5% không ảnh hưởng đến hoạt động cho vay đầu tư cổ phiếu hiện nay, vì tại thời điểm này, tỷ lệ cho vay đầu tư cổ phiếu của toàn hệ thống chưa vượt quá 5%.
Trong một chừng mực nhất định, chúng ta cũng cần phải chấp nhận rủi ro để phát triển kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn hiện nay.