Ngành vận tải lộ hàng loạt những bất cập khi doanh nghiệp "được nói"

Hiện nay, taxi không được xếp vào vận tải cá nhân, nhưng cũng không được xếp vào vận tải công cộng để có những chính sách ưu đãi phù hợp. Hà Nội hiện có 117.000 xe taxi với hơn 30.000 cán bộ, lái xe. Hàng năm vận chuyển khoảng 20 triệu lượt khách, nhưng hiện taxi chỉ khác xe cá nhân ở mỗi cái mào Taxi.

Taxi không được xếp là phương tiện vận tải cá nhân, nhưng cũng không thuộc diện vận tải công cộng Taxi không được xếp là phương tiện vận tải cá nhân, nhưng cũng không thuộc diện vận tải công cộng

Taxi đòi nới niên hạn

Tại Hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải do Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức ngày 11/3, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội đề nghị Bộ làm rõ, taxi là phương tiện cá nhân hay phương tiện giao thông công cộng.

“Hiện nay, taxi không được xếp vào vận tải cá nhân, nhưng cũng không được xếp vào vận tải công cộng để có những chính sách ưu đãi phù hợp. Hà Nội hiện có 117.000 xe taxi với hơn 30.000 cán bộ, lái xe. Hàng năm vận chuyển khoảng 20 triệu lượt khách, nhưng hiện taxi chỉ khác xe cá nhân ở mỗi cái mào Taxi”, ông Đỗ Quốc Bình cho hay.

Bên cạnh đó, một số quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô ban hành ngày 10/9/2014 còn chưa thỏa đáng. Cụ thể, Nghị định 86 quy định, niên hạn với xe taxi ở các đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM chỉ được 8 năm, tính từ thời điểm sản xuất. Vì vậy, đợt Tết Nguyên đán 2015 vừa qua, hàng ngàn xe taxi tại Hà Nội và TP.HCM đã bị dừng hoạt động đột ngột do đã hết niên hạn theo quy định.

“Bộ Giao thông - Vận tải nên sửa đổi, bổ sung quy định này. Nên tính niên hạn sử dụng xe taxi theo thời điểm đăng ký sử dụng lần đầu, chứ không nên tính theo năm sản xuất”, ông Đỗ Quốc Bình đề xuất.

Cũng liên quan đến niên hạn sử dụng xe taxi, ông Bình bày tỏ, tại sao Thông tư 63/2014/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ về quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô của Bộ Giao thông - Vận tải có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 lại quy định xe taxi ở các thành phố lớn như Hà Nội,  TP.HCM chỉ có niên hạn sử dụng 8 năm, còn các tỉnh, thành phố khác là 12 năm.

Ông  Bình cho biết, nhiều taxi chạy 8 năm ở Hà Nội hoặc TP.HCM, hết niên hạn lại mang về các tỉnh, thành phố khác đăng ký, rồi vòng trở lại đưa về Hà Nội tiếp tục hoạt động. Bên cạnh đó, cũng Thông tư 63 dù sửa đổi, bổ sung Thông tư 18/2013/TT-BGTVT trước đây, nhưng lại rất bất cập hơn quy định cũ.

Trước đây, việc đổi phù hiệu xe taxi rất gọn nhẹ. Doanh nghiệp chỉ mang phù hiệu cũ đổi lấy phù hiệu mới. Tuy vậy, theo Thông tư 63 hiện hành, doanh nghiệp muốn đổi phù hiệu taxi phải mang theo một “chồng” tài liệu như đăng ký xe bản gốc, công chứng phải từ cấp quận trở lên…

“Ngay khi Bộ Giao thông - Vận tải soạn thảo Dự thảo Nghị định 86 và Thông tư 63, chúng tôi đã có ý kiến đóng góp, nhưng không thấy có gì thay đổi”, ông Đỗ Quốc Bình bức xúc.

Lái xe ngồi nhà vẫn khám được sức khỏe

Liên quan đến quy định khám sức khỏe cho lái xe, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Điện Biên cho rằng, chỉ mang tính hình thức. Quy định dù mới ban hành, nhưng đã tỏ ra lạc hậu, sự phối hợp giữa ngành y tế với ngành giao thông - vận tải trong vấn đề sức khỏe cho lái xe còn lỏng lẻo.

“Việc khám sức khỏe hầu như chỉ mang tính hình thức. Thậm chí, lái xe ở nhà cũng khám được sức khỏe, một người đi khám cho nhiều người. Chỗ thì 150.000 đồng/lần, chỗ thì 1,5 triệu đồng/lần, chỗ thì đo huyết áp, chỗ không đo. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp có thể mua thoải mái giấy khám sức khỏe cho lái xe với giá rẻ”, ông Nguyễn Quốc Mạnh thông tin.

Cũng theo ông Mạnh, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đến nay chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng, độ tin cậy chưa cao, trong khi trình độ công nghệ thông còn thấp, bộc lộ rất nhiều bất cập.

“Tôi tin rằng, rất nhiều doanh nghiệp ngồi đây biết, nhưng không nói. Việc ngắt thiết bị GPS đối với các doanh nghiệp là thường xuyên. Vì vậy, căn cứ vào thiết bị GPS để kiểm soát thời gian làm việc của lái xe và tốc độ chạy xe không phản ánh đúng thực chất”, ông Nguyễn Quốc Mạnh thẳng thắn.

Về những bất cập trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, trước đây, chỉ có cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tham mưu tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhưng từ năm 2013 đến nay, đặc biệt là năm 2014, Bộ Giao thông - Vận tải luôn có sự trao đổi với các doanh nghiệp, hiệp hội để cùng xây dựng.

“Tuy nhiên, chúng ta tạo ra một hành lang pháp lý, nhưng vẫn cần một khuôn khổ nhất định. Không có tổ chức, thì không điều hành được. Vì vậy, chúng ta cần rà soát lại cho phù hợp với xu thế phát triển”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Anh Minh
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục