Trên thực tế, không ít DN sử dụng vận tải thủy trong hoạt động logistic. Đặc biệt, kể từ khi các cơ quan chức năng kiểm soát nghiêm tải trọng xe đường bộ, vận tải đường thủy còn giúp DN tiết kiệm chi phí, mang lại lợi thế cạnh tranh tốt hơn cho DN.
Chẳng hạn, Tập đoàn Hòa Phát sở hữu 1,7 km cảng sông thuộc phạm vi được tỉnh Hải Dương quy hoạch để triển khai Khu liên hợp gang thép Hòa Phát (KLH) từ năm 2007. Khu cảng sông có 6 cầu cảng hiện đại, với năng lực bốc xếp 4 triệu tấn/năm và đầy đủ các dịch vụ kho bãi, bốc dỡ…
Cảng sông trong KLH cách Hà Nội 90 km, cách cảng Hải Phòng 30 km, cách khu Neo - Hòn Nét hơn 20 km, cho phép nhiều tàu cập mạn cùng lúc với tải trọng lên đến 2.500 tấn. Quy mô cảng sông giúp Hòa Phát dễ dàng tính toán các phương án vận chuyển bằng đường sông, đường biển, hoặc kết hợp giữa đường bộ và đường thủy.
Việc cho phép tàu biển cập cảng tại KLH giúp Hòa Phát có thể xuất hàng phôi thép, thép xây dựng thành phẩm, than coke… cho các đối tác ngay tại chân nhà máy. Đồng thời, việc vận chuyển quặng sắt và nguyên vật liệu từ các nhà máy tại Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang về KLH bằng đường sông để phục vụ sản xuất thuận lợi hơn rất nhiều.
Ở đầu ra của KLH, Hòa Phát dễ dàng vận chuyển sản phẩm đi các tỉnh, thành khu vực miền Trung và miền Nam với chi phí thấp, không mất các chi phí trung gian. Nhờ ưu thế có cảng sông, việc vận chuyển đầu ra, đầu vào của thép Hòa Phát tới nhiều địa điểm trên cả nước không chỉ thuận lợi hơn các DN khác, mà còn tiết giảm được tới 2/3 chi phí vận chuyển hàng từ nhà máy đi các tỉnh phía Nam tiêu thụ.
Cụ thể, từ khi Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quyết định số 1526/QĐ-BGTVT về việc kiểm soát tải trọng xe, không ít DN bị ảnh hưởng vì chi phí vận chuyển tăng từ 1,5 - 2 lần so với trước đây. Trong khi đó, chi phí vận chuyển thép chiếm tỷ trọng không nhỏ trong giá thành nên rất ít DN thép miền Bắc chịu được chi phí này để đưa hàng vào miền Nam bán và ngược lại.
Hòa Phát với lợi thế cảng sông đã trở thành nhà sản xuất thép miền Bắc duy nhất đưa hàng vào miền Nam tiêu thụ, với giá bán tương đương giá bán của các DN tại đây, mà vẫn đảm bảo được tỷ suất lợi nhuận. Để giảm chi phí, Hòa Phát đã chuyển sang vận chuyển hỗn hợp đường biển và đường bộ từ nhiều năm nay với chi phí chỉ bằng 1/2 so với vận chuyển đường bộ (khoảng 400.000 - 500.000 đồng/tấn thép). Chi phí này đã bao gồm chi phí vận chuyển từ kho đến kho và bảo hiểm hàng hóa.
Lợi thế đó cùng ưu thế giá thành vượt trội từ chuỗi sản xuất khép kín chính là cơ sở để Ban lãnh đạo HPG đặt mục tiêu tăng tỷ trọng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tại miền Trung và miền Nam từ 10 - 11% hiện nay lên 20 - 25% trong những năm tới.
Một DN trong ngành logistic cho biết, vận tải thủy nội địa, vận tải pha sông biển được nhiều DN tận dụng khi tính toán phương án logistic, nhưng ở tầm quốc gia thì chưa có một chiến lược tổng thể phát triển. Giao thông thủy nội địa không chỉ giúp giảm tải cho đường bộ, giúp DN giảm chi phí, mà còn góp phần khai thác được công suất của các cảng biển đã đầu tư hiện nay. Chiến lược phát triển vận tải thủy nội địa không thể thiếu trong chiến lược tổng thể phát triển kinh tế biển của Việt Nam.