Ngành nông nghiệp khó đứng vững trước “sóng lớn” TPP

(ĐTCK) Sự ảnh hưởng và tác động tiêu cực đối với lĩnh vực nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là điểm nhấn đặc biệt tại nghiên cứu “Đầu tư công cho nông nghiệp ở cấp hộ gia đình liên hệ tới An ninh lương thực” do Tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện vừa được công bố mới đây.
Thịt gia cầm và gia súc giá rẻ từ nước ngoài sẽ nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng nhiều Thịt gia cầm và gia súc giá rẻ từ nước ngoài sẽ nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng nhiều

Sản phẩm chăn nuôi ngoại sẽ ồ ạt tràn vào nội địa

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội, ngành chăn nuôi là một trong những ngành sẽ phải đối diện với cạnh tranh gay gắt nhất từ hàng ngoại nhập khẩu khi Việt Nam tham gia TTP.

“Toàn bộ ngành được dự đoán sẽ thu hẹp lại sau khi tham gia TPP và ở qui mô thấp hơn nữa khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Với năng suất thấp và sức cạnh tranh yếu như hiện nay, DN chăn nuôi gia cầm và lợn thịt sẽ chịu thiệt hại lớn nhất về sản lượng và phúc lợi. Riêng ngành sữa và bò thịt sẽ có cơ hội tồn tại tốt hơn, song cần phải tái cấu trúc để đẩy nhanh hơn nữa hiệu suất và sức cạnh tranh”, báo cáo gần đây của VEPR về tác động của TPP tới ngành chăn nuôi dự báo.

Ở góc độ quản lý thực tế lĩnh vực này, TS Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng khiến ngành chăn nuôi trong nước phải cạnh tranh với các đối thủ có nhiều lợi thế hơn hẳn về kỹ thuật, năng suất lao động, trong khi thức ăn chăn nuôi của họ rẻ hơn và mức lãi suất tín dụng thấp hơn. Theo TS Trọng, khi tham gia TPP, thịt gia cầm và gia súc giá rẻ các nước trên thế giới sẽ nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều, điều này thực sự là thách thức lớn cho ngành sản xuất trong nước.

Báo cáo Nghiên cứu do AAV và CIEM phối hợp thực hiện đặt vấn đề cho bài toán đầu tư công cho nông nghiệp và nông hộ nhỏ trong mối liên hệ với phát triển bền vững và an ninh lương thực. Với thực tế Việt Nam là một nước nông nghiệp truyền thống, khoảng 70% dân số sinh sống tại nông thôn và chiếm khoảng 60% lao động của cả nước, nghiên cứu là một nỗ lực cung cấp thông tin phân tích về hiệu quả đầu tư nhà nước cho nông nghiệp để các cơ quan quản lý tham khảo, sử dụng trong quá trình hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp.    

Ông Okiura Fumihiko, Phó Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Việt Nam cho rằng ngành chăn nuôi của Việt Nam, cũng như các DN trong ngành này với quy mô hiện tại khó có thể cạnh tranh được với các nước TPP.

“Phần lớn các DN chăn nuôi của Việt Nam đều ở quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình, trong khi tại các quốc gia khác tham gia đàm phán TPP, ngành chăn nuôi của họ rất hiện đại và được đầu tư lớn. Theo tôi, để cạnh tranh và tồn tại được, các DN đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, bên cạnh đó, Nhà nước cần tính toán để có sự đầu tư ở quy mô lớn hơn cho ngành này, biến nó thành ngành công nghiệp thực sự chứ không phải là ngành kinh tế hộ gia đình như hiện nay”, ông Fumihico khuyến nghị.

Thách thức cho phát triển nông nghiệp bền vững

Theo Giáo sư Praveen Jha (Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi, Ấn Độ), thuộc nhóm nghiên cứu, Chính phủ cần nhận thức một cách chuẩn xác những thách thức và tác động tiêu cực đặt ra đối với một số lĩnh vực quan trọng, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế của hàng triệu người, trong đó đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, để từ đó có những biện pháp hỗ trợ và giúp giảm những tác động tiêu cực này. Câu hỏi đặt ra là liệu TPP có thực sự là hiệp định tự do không khi mà cạnh tranh tự do được nhấn mạnh, song nhiều điều kiện nghiêm ngặt, cũng như những cam kết có lợi cho các nước giàu sẽ tạo ra những bất lợi liên quan đến sản xuất nông nghiệp và sinh kế của hàng triệu người nông dân.

“Chiến lược an ninh lương thực là con bài để các nước lớn đàm phán TPP và mở ra cơ hội để nhiều tập đoàn lớn hưởng lợi trong nông nghiệp, ảnh hưởng sinh kế của các nhóm dân cư tầng thấp và nông dân trong xã hội. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp sẽ thay đổi, cùng với đó, nhiều nông dân sẽ bị mất đất, đầu tư công cho các hộ nông trang nhỏ lẻ sẽ giảm dần. Nhiều sản phẩm nông nghiệp sẽ rơi vào thế bất lợi, khó có thể cạnh tranh về chất lượng và giá cả với hàng nhập khẩu”, giáo sư Praveen nhấn mạnh.

Để giảm thiểu những tác động này, cần ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp cũng như chính sách phát triển lĩnh vực này, hỗ trợ cho các ngành sản xuất liên quan đến sinh kế của hộ nông dân và có dịch vụ công hỗ trợ cho nhóm đối tượng này. Hệ thống chi tiêu công cần phải giải quyết vấn đề an ninh lương thực từ hai khía cạnh; đảm bảo thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và phân phối lượng lương thực thực phẩm. Cần có chính sách công đủ tốt để thu hút sự tham gia của hộ nông dân vào các chuỗi cung ứng nông nghiệp. 

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục