Ricardo - đại biểu xuất sắc của kinh tế chính trị tư sản cổ điển – đã chỉ ra rằng, các quốc gia nên tập trung sản xuất những sản phẩm có lợi thế so sánh. Lợi thế so sánh của Việt Nam được xác định là nông nghiệp.
Thế nhưng, trong suốt thời gian dài, nền kinh tế đã tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp - một nền công nghiệp chủ yếu gia công và khai thác tài nguyên sẵn có, không gắn với nông nghiệp, không phục vụ nông nghiệp. Hệ quả là, sau nhiều năm, ngành công nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công, trong khi nông nghiệp phụ thuộc hầu như toàn bộ nguyên, vật liệu đầu vào và xuất khẩu 90% ở dạng nguyên liệu thô, giá trị gia tăng thấp.
Đến nay, khi các dư địa phát triển khác như tài nguyên khoáng sản, nhân lực rẻ… được khai thác gần như cận biên, thì muốn phát triển bền vững, Việt Nam cần phải dựa nhiều hơn vào lợi thế, trong đó một trong những lợi thế so sánh chính là nông nghiệp.
Dĩ nhiên, nền nông nghiệp Việt Nam hiện chưa thể ngay lập tức tạo đột phá cho nền kinh tế bởi còn thiếu quá nhiều thứ như thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu năng lực tổ chức, quản lý… để có thể cất cánh. Trong khi đó, muốn cất cánh thì nông nghiệp Việt Nam phải chuyên nghiệp hóa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Nhìn lại lịch sử phát triển của nhiều nước công nghiệp, sự hùng mạnh của các quốc gia này đều xuất phát từ nông nghiệp. Chẳng hạn, Hà Lan phát triển kinh tế bằng hoa tuy líp, sữa bò; Pháp, Chile xây dựng ngành công nghiệp sản xuất rượu vang lừng lẫy bắt đầu từ nghề trồng nho… Rõ ràng, không có công thức chung cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà mỗi quốc gia phải theo cách riêng, dựa trên thế mạnh của mình.
Với Việt Nam, nông nghiệp vì thế cũng là câu chuyện của cả nền kinh tế. Một nền nông nghiệp phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành công nghiệp phát triển, đặc biệt là công nghiệp sản xuất, chế tạo máy nông nghiệp, công nghiệp sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công nghiệp chế biến nông sản, phụ phẩm… Một nền nông nghiệp phát triển còn tạo ra cả hệ thống dịch vụ, vừa phục vụ nông nghiệp, vừa phục vụ kinh tế.
Với hơn 90 triệu dân, trong đó hơn 70% dân số sống ở nông thôn, hỗ trợ phát triển nông nghiệp cũng là hỗ trợ cho đại đa số người dân. Thế nhưng, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao cũng không thể rập khuôn theo cách làm của thế giới, mà phải dựa trên đặc điểm riêng của Việt Nam.
Việt Nam có điều kiện tự nhiên thích hợp cho phát triển nông nghiệp, song đất đai lại manh mún, doanh nghiệp nhỏ lẻ, lao động tuy dồi dào nhưng trình độ thấp… Do vậy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải theo hướng vừa tận dụng được lợi thế tài nguyên, lao động, vừa liên kết được với nông dân, vừa giải quyết được lao động dư thừa… Đây là những vấn đề cần tính đến khi hiện đại hóa nông nghiệp theo chiều sâu.