Tăng cường bảo vệ nhà đầu tư
Đặc biệt quan tâm đến việc cải thiện môi trường đầu tư, bảo vệ nhà đầu tư và thành lập DN, những ý kiến của Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) đều tập trung vào vấn đề này. Ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch JBAV cho rằng, theo Luật Đầu tư cũ (2005), doanh nghiệp nước ngoài chỉ cần một giấy phép đầu tư duy nhất là Giấy chứng nhận đầu tư (Investment Certificate) nhưng theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới (2014), giấy phép này được chia thành Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Investment Registration Certificate) và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Enterprise Registration Certificate).
Theo ông Shimon, với việc phân chia này, các DN nước ngoài nằm trong khu công nghiệp từng được hưởng dịch vụ một cửa theo như Luật Đầu tư trước đây, sẽ phải làm việc với cả ban quản lý khu công nghiệp và sở kế hoạch và đầu tư phụ trách khu vực đó khi họ thay đổi nội dung giấy chứng nhận đầu tư, như tăng vốn hay tăng tổng mức dự án đầu tư.
“Với cách làm này, chúng tôi lo ngại rằng dịch vụ một cửa sẽ không thực hiện được. Bởi vậy, chúng tôi mong rằng các cơ quan liên quan sẽ có giải pháp cần thiết để không gây chậm trễ trong việc thay đổi nội dung của giấy chứng nhận đầu tư”, ông Shimon chia sẻ.
Đối với vấn đề bảo vệ những ưu đãi đã dành cho nhà đầu tư theo Luật Đầu tư, Chủ tịch JBAV cho rằng, việc quy định nhà đầu tư phải trả lại những ưu đãi cho chính phủ trong trường hợp họ không còn đủ điều kiện để hưởng những ưu đãi đó, theo nội dung tại một bản Dự thảo của Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư 2014, là thiếu hợp lý so với Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư 2005.
“Nhà đầu tư tại Việt Nam gặp phải nhiều thách thức hành chính ở cấp địa phương hơn cấp Trung ương. Điều này là do việc áp dụng không thống nhất pháp luật, chính sách, ngay cả đối với các loại thuế và hải quan, hay quyền sử dụng đất ở các cấp” - ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch EuroCham.
“Tôi cho rằng ý tưởng này không thích hợp, đặc biệt trong trường hợp việc không đủ điều kiện không phải lỗi của nhà đầu tư và trường hợp nhà đầu tư đã từng đủ điều kiện ở một số thời kỳ trong toàn bộ dự án. Quy định này trong Dự thảo nên được hủy bỏ hoặc thay thế sao cho nhà đầu tư không được nhận thêm bất cứ ưu đãi nào trong trường hợp này. Ngoài ra, khi nhà đầu tư không có lỗi khi không còn đủ điều kiện để hưởng ưu đãi, nên có thêm thời gian ân hạn, giúp nhà đầu tư tiếp tục hưởng ưu đãi trong quá trình điều chỉnh dự án”, ông Shimon nhấn mạnh.
Cũng theo vị chủ tịch này, Luật Đầu tư sửa đổi năm 2014 chỉ đưa ra biện pháp bảo vệ đối với ưu đãi dành cho nhà đầu tư, trong khi chưa có biện pháp bảo vệ đối với những lợi ích chính đáng không nằm trong ưu đãi khi có sự thay đổi luật, giống như Luật Đầu tư năm 2005.
“Chúng tôi mong rằng, Luật Đầu tư 2014 và các văn bản hướng dẫn không bỏ đi biện pháp bảo vệ đối với lợi ích chính đáng khi có sự thay đổi luật, như đã từng được đưa ra với những dự án BOT quy mô lớn trong quá khứ”, ông Shimon đề xuất.
Thuận lợi hóa các thủ tục góp vốn DN
Liên quan đến quy định về thời hạn 90 ngày góp vốn điều lệ vào công ty TNHH, đại diện JBAV bày tỏ một số quan ngại.
“Luật Doanh nghiệp 2014 sửa thời hạn góp vốn điều lệ vào công ty TNHH từ 3 năm trong Luật Doanh nghiệp 2005 thành 90 ngày. Chúng tôi lo ngại rằng việc đăng ký tăng vốn điều lệ có thể bị chậm trễ, dẫn đến chậm trễ trong việc góp thêm vốn cần thiết phục vụ công việc kinh doanh, chẳng hạn tiếp tục đầu tư vào công trình, trang thiết bị phục vụ dự án”, ông Shimon đề xuất.
Phân tích cụ thể, ông Shimon cho rằng, Khoản 3 Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định nếu một thành viên của công ty TNHH không góp vốn trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, các thành viên khác sẽ có quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã đóng. Tuy nhiên, quyết định giảm mức vốn đã đồng thuận và đăng ký được yêu cầu có giấy chứng nhận đăng ký DN và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã sửa đổi (hay được cấp mới), do vậy, nếu thành viên không góp vốn không đưa ra quyết định thì điều khoản này không thể thực hiện được.
Để khắc phục tình trạng trên, đại diện JBAV đề xuất Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp nên quy định, trong trường hợp nếu một thành viên của công ty TNHH không góp vốn trong khoảng thời gian luật định hoặc khoảng thời gian được các bên đồng thuận, tỉ lệ góp vốn được tự động điều chỉnh cho phù hợp với số vốn mà các thành viên trong công ty TNHH đã góp. Việc giảm tự động vốn góp đã đăng ký và quyền lợi của thành viên nên được áp dụng đối với công ty TNHH thành lập trước ngày 1/7/2015.
Đảm bảo thống nhất thực thi pháp luật và chính sách ở các cấp
Ở góc độ khác, đại diện Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam bày tỏ quan ngại về tính thống nhất trong việc thực thi hệ thống luật pháp và chính sách giữa cấp Trung ương và địa phương.
“Nhà đầu tư tại Việt Nam gặp phải nhiều thách thức hành chính ở cấp địa phương hơn cấp Trung ương. Điều này là do việc áp dụng không thống nhất pháp luật, chính sách, ngay cả đối với các loại thuế và hải quan, hay quyền sử dụng đất ở các cấp”, ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch EuroCham nêu vấn đề.
Theo ông Tomaso, cần phải có sự phối hợp giữa các cấp để nhà đầu tư tại các địa phương khác nhau được đối xử một cách nhất quán. Bên cạnh đó, ông đề xuất, trong phạm vi quyền hạn của mình, các địa phương có thể được mở cửa thị trường nhiều hơn so với yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do, ví dụ như mở cửa cho nhà thầu quốc tế tham gia vào công tác đấu thầu, mua sắm quan trọng, từ đó đảm bảo chất lượng, sự đa dạng và tạo nguồn vốn tiềm năng cho các dự án.
Ông Tomaso cũng cho biết, EuroCham đã ký một Biên bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhằm tăng cường kết nối, quảng bá đầu tư, thương mại và kinh doanh của DN châu Âu đến với các địa phương của Việt Nam, đồng thời hỗ trợ các địa phương khi vươn sang châu Âu trong quá trình đẩy mạnh sâu rộng hội nhập kinh tế quốc tế.
Giải tỏa các thắc mắc của cộng đồng DN về các vấn đề nói trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định sẽ tiếp tục tiếp thu và ghi nhận các ý kiến đề xuất, kiến nghị của cộng đồng DN trong và ngoài nước, nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định định và hướng dẫn thực hiện các luật vừa ban hành, đặc biệt là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
Về những quan ngại đối với việc thực hiện cơ chế liên thông và khả năng trùng lắp hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát, xem xét để loại bỏ các loại giấy tờ trùng lặp, đồng thời, việc thành lập và thực thi cơ chế liên thông đã được thể hiện rõ ràng và nhất quán trong các văn bản hướng dẫn thực thi luật.
Theo đó yêu cầu các sở kế hoạch và đầu tư thiết lập cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục đầu tư và thành lập DN cho nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư có quyền nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký đầu tư, cơ quan này sẽ liên thông với cơ quan đăng ký kinh doanh giúp hoàn thiện thủ tục. Các cơ quan chức năng chỉ được yêu cầu 1 bộ hồ sơ, không được yêu cầu hồ sơ, giấy tờ trùng lặp.