Kế hoạch các đơn vị thuộc NHNN
Tại Hội nghị triển khai chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, đơn vị sẽ xây dựng khuôn khổ chính sách tiền tệ hướng đến mục tiêu ưu tiên cao nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tăng tính độc lập của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ.
“Trong điều hành, bảo đảm sự phối hợp chính sách giữa NHNN và Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Công thương nhằm tạo sự đồng bộ, nhất quán giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác”, ông Hà nói và cho hay, đó là điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ; điều hành chính sách tiền tệ chuyển dần từ điều hành theo khối lượng tiền sang theo giá; sử dụng công cụ gián tiếp, tiến tới dỡ bỏ dần các biện pháp hành chính về lãi suất khi điều kiện cho phép.
Bên cạnh đó, điều hành nghiệp vụ thị trường mở theo hướng là công cụ chủ yếu điều tiết vốn khả dụng của các TCTD, nhằm đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ. Ðặc biệt, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% đến năm 2020 và đạt mức 5% vào năm 2030.
Ở góc độ của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, đại diện cơ quan này cho biết, đơn vị tiếp tục đổi mới công tác thanh tra theo hướng chuyển nhanh và mạnh từ thanh tra tuân thủ sang thanh tra trên cơ sở rủi ro, gắn kết chặt chẽ với giám sát trên cơ sở rủi ro, từng bước áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ðồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, tập trung thống nhất trong hoạt động thanh tra với vai trò “hạt nhân” là Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng.
Tiếp tục đổi mới công tác giám sát theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát an toàn vi mô và vĩ mô trên cơ sở triển khai các công cụ, phương pháp giám sát rủi ro mới gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Song song với đó, nâng cao khả năng cảnh báo sớm của NHNN đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ðặc biệt, nghiên cứu triển khai áp dụng mô hình giám sát tập đoàn tài chính mà công ty mẹ là các TCTD.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, đơn vị tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng được yêu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán của người dân.
Ðồng thời, triển khai có hiệu quả 2 đề án đã được Chính phủ phê duyệt, đó là Ðề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 và Ðề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công.
“Xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia làm nền tảng kết nối tới các ngân hàng và tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới. Ðẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS); áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán di động (Mobile payment), thanh toán phi tiếp xúc (Contactless)...”,
ông Dũng cho biết.
Ðơn vị này cũng tiếp tục triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện tại Việt Nam, thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ. Ðồng thời, nghiên cứu xây dựng Ðề án xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory sandbox) cho hoạt động công nghệ tài chính (FinTech) trong lĩnh vực ngân hàng trình Thủ tướng Chính phủ.
Hành động từ phía các TCTD
Ðối với chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HÐQT Vietcombank cho biết, Ngân hàng tiếp tục bám sát tầm nhìn và định hướng đã đề ra tại Phương án cơ cấu lại Vietcombank đến năm 2020 đã được NHNN phê duyệt là trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, 1 trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á, 1 trong 300 tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới và được quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt nhất.
"Theo đó, Vietcombank sẽ thực hiện 8 mục tiêu chiến lược, bao gồm: Thứ nhất, ngân hàng số 1 về bán lẻ và thứ 2 về bán buôn; thứ hai, ngân hàng đứng đầu về quy mô và hiệu quả đầu tư kinh doanh vốn trong nước và quốc tế; thứ ba, ngân hàng có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi cao nhất trong các TCTD trong nước; thứ tư, ngân hàng có quy mô lợi nhuận lớn nhất và hiệu suất sinh lời gia tăng hàng năm; thứ năm, ngân hàng đứng đầu về mức độ hài lòng của khách hàng; thứ sáu, ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực; thứ bảy, ngân hàng quản trị rủi ro tốt nhất; thứ tám, ngân hàng đứng đầu về chuyển đổi ngân hàng số", ông Thành nói.
Ðại diện MB chia sẻ, bám theo chiến lược ngành của NHNN, MB xác định tầm nhìn trở thành "ngân hàng thuận tiện nhất”. Ðại diện của MB thông tin: “Chúng tôi đã triển khai đồng bộ và quyết liệt 4 chuyển dịch chiến lược, đó là ngân hàng số, nâng cao quan hệ khách hàng, quản trị rủi ro vượt trội và nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty thành viên. Theo đó, chúng tôi xác định các dự án chiến lược trọng điểm, xây dựng từng hoạt động chi tiết, kèm theo các thước đo đánh giá và tổ chức triển khai”.
Phó thống đốc Kim Anh nhấn mạnh, với ngành ngân hàng, các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được đề cập tại Chiến lược sẽ là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, bao gồm cả hoạt động quản lý Nhà nước của NHNN và hoạt động kinh doanh của các TCTD; đảm bảo sự phát triển toàn diện và đồng bộ, kỳ vọng mở ra thời kỳ mới của ngành…
Theo Phó thống đốc Kim Anh, định hướng hệ thống các TCTD phát triển theo hướng: Các TCTD trong nước đóng vai trò chủ lực; hoạt động minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững; cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.
“Năng động, sáng tạo để thích ứng với quá trình tự do hóa và toàn cầu hóa, đáp ứng nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng ngày càng gia tăng của nền kinh tế, tiến tới tài chính toàn diện vào năm 2030, bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện các dịch vụ tài chính - ngân hàng có chất lượng, đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển bền vững”, Phó thống đốc nói.