Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, NHNN điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hồi, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; linh hoạt điều hành các công cục chính sách tiền tệ đề điều hoà thanh khoản thị trường kịp thời với kỳ hạn hợp lý.
Đến ngày 25/3/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,67% so với cuối năm 2018.
Đối với công tác điều hành tỷ giá, ông Hà cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2019, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, được hỗ trợ từ nguồn cung ngoại tệ dồi dào, thanh khoản thị trường tốt, hệ thống TCTD tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, nhờ đó NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Về điều hành tín dụng, ông Hà cho biết, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 là 6,8% và lạm phát bình quân dưới 4% được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Theo đó, NHNN đã có công văn chỉ đạo định hướng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống và thống báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD; trong đó, ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn đối với TCTD thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN thông tin tại Họp báo
“Tính đến ngày 25/3/3019, tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 2,28% so với cuối năm 2018”, ông Hà nói.
Cụ thể hơn, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết cụ thể, tín dụng đối với ngành công nghiệp tăng 2,57%, chiếm tỷ trọng 19,99% (năm 2018 tăng 9,11%, tỷ trọng 19,86%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,79%, chiếm tỷ trọng 15,35% (năm 2018 tăng 11,17%, tỷ trọng 15,21%);
Tín dụng đối với ngành xây dựng tăng 1,08%, chiếm tỷ trọng 9,63% (năm 2018 tăng 11,75%, tỷ trọng 9,71%); Tín dụng đối với ngành thương mại và dịch vụ tăng 1,97%, chiếm tỷ trọng 61,21% (năm 2018 tăng 18,19%); Tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản tăng 1,01%, chiếm tỷ trọng 9,17% (năm 2018 tăng 5,41%, tỷ trọng 9,25%).
“Tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên tăng khá, cụ thể: tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 3,44%, chiếm tỷ trọng 3,14% (năm 2018 tăng 14,58%, tỷ trọng 3,09%). Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 5,4%, chiếm tỷ trọng 3,12% (năm 2018 giảm 1,42%, tỷ trọng 3,01%). Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 2,79%, chiếm tỷ trọng 0,36% (năm 2018 giảm 2,2%, tỷ trọng 0,36%). Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 1,64% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng khoảng 18% (năm 2018 tăng 15,57%). Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 2,23% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng khoảng 25% tổng dư nợ đối với nền kinh tế (năm 2018 tăng 21,4%, tỷ trọng 24,8%)”, ông Tần nói.
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, trong năm 2018, hoạt động thanh toán Việt Nam đã có những thay đổi mạnh mẽ đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế và bám sát sự phát triển của công nghệ thanh toán.
Đến cuối năm 2018, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt gần 230,7 triệu giao dịch (tăng 19,02% so với năm 2017) với tổng số tiền giao dịch là 592 nghìn tỷ đồng. Số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 255,6 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 16,2 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 33,6% và 19,5% so với cùng kỳ năm 2017); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt gần 185,1 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch gần 1.859,9 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 41,4% và 169,5% so với cùng kỳ năm 2017).
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN chia sẻ tại Họp báo
NHNN cũng cho biết, kết quả cơ cấu lại các TCTD đã tạo sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững, cụ thể: Năng lực tài chính của các TCTD tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm; Chất lượng tín dụng được cải thiện; Quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng... Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì dưới 2%.
Kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 tính đến 31/01/2019, ước tính toàn hệ thống TCTD đã xử lý được khoảng 204,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, ước đạt trên 40,1% tổng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 (riêng năm 2018 xử lý được khoảng 113,4 nghìn tỷ đồng).