GDP quý I tăng 6,79%, áp lực tăng trưởng bớt nặng nề

Ngay sau khi Tổng cục Thống kê công bố tăng trưởng GDP quý I/2019 ước đạt 6,79%, kịch bản kinh tế 2019 đã được cập nhật. Vì GDP quý I tăng trưởng cao hơn dự báo, nên áp lực đã không còn đặt quá nặng vào các quý cuối năm.
Trong quý I/2019, khu vực công nghiệp - xây dựng vẫn có đóng góp nhiều nhất cho nền kinh tế. Ảnh: Đức Thanh Trong quý I/2019, khu vực công nghiệp - xây dựng vẫn có đóng góp nhiều nhất cho nền kinh tế. Ảnh: Đức Thanh

GDP quý I vượt dự báo, động lực ở công nghiệp chế biến

Con số đã được Tổng cục Thống kê công bố vào cuối tuần qua, đó là GDP quý I/2019 ước tăng trưởng 6,79% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 4,9% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%, đóng góp 51,2%; khu vực dịch vụ tăng 6,5%, đóng góp 43,9%.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, con số này tuy thấp hơn mức tăng trưởng của quý I/2018, nhưng cao hơn tăng trưởng quý I các năm 2011-2017. Cụ thể, quý I năm ngoái, GDP tăng trưởng 7,45%, trong khi các năm từ 2011 trở lại đây, mức tăng trưởng của các quý I lần lượt là 5,9%; 4,75%; 4,76%; 5,06%; 6,12%; 5,48% và 5,15%.

“Kết quả này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt, cùng sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương trong thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội ngay từ những tháng đầu năm 2019”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Trong khi đó, ngay sau khi Tổng cục Thống kê công bố mức tăng trưởng GDP quý I năm nay là 6,79%, đã có ý kiến bình luận về chuyện “kinh tế giảm tốc”. Điều này là có thật, nhưng theo ông Võ Trí Thành,  nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tăng trưởng như vậy là “hợp lý với định hướng điều hành của Chính phủ”.

Ông Thành, trong một hội thảo cách đây ít ngày về kinh tế Việt Nam 2019 đã nhắc tới sự giảm tốc nhanh chóng của kinh tế Mỹ và Trung Quốc so với dự báo cách đây 2 - 3 tháng, để nhấn mạnh những yếu tố bất định của kinh tế toàn cầu. Theo ông Thành, chỉ có một điều chắc chắn nhất có thể dự báo hiện nay là, kinh tế thế giới rất khó đoán, tính bất định rất cao và đó sẽ là áp lực rất lớn đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Trong bối cảnh như vậy, tốc độ tăng trưởng 6,79%, như nhận định của chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh là “tích cực”. “Nếu đà tăng trưởng được duy trì, với tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước thì tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ tích cực”, ông Sinh nói.

Quay trở lại với diễn biến kinh tế của quý I/2019, nhìn vào các số liệu thống kê, không quá khó để nhận ra, khu vực công nghiệp - xây dựng vẫn có đóng góp nhiều nhất cho nền kinh tế. Phân tích các số liệu này, ông Nguyễn Bích Lâm cũng đồng tình rằng, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong quý I/2019 vẫn là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,35%.

“Con số này tuy thấp hơn mức tăng 14,3% của quý I/2018, nhưng cao hơn mức tăng quý I các năm 2012-2017, đóng góp lớn vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm, với 2,72 điểm phần trăm”, ông Lâm nói và cho rằng, động lực này sẽ tiếp tục được duy trì trong cả năm 2019.

Trong một báo cáo gần đây về kinh tế Việt Nam 2019, Công ty Chứng khoánVietcombank (VCBS) cũng nhận định rằng, năm nay, đầu tàu tăng trưởng vẫn là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, phục vụ sản xuất. Trong khi đó, khu vực dịch vụ và công nghiệp chế biến, chế tạo “nhiều khả năng tiếp tục là điểm sáng”.

Kịch bản kinh tế 2019 sẽ “dễ thở” hơn?

Ngay sau khi Tổng cục Thống kê công bố các chỉ số kinh tế vĩ mô quý I/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gấp rút bắt tay vào cập nhật kịch bản kinh tế 2019 để trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2019.

Phải cập nhật bởi chỉ cách đây hơn nửa tháng, khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự báo rằng, tăng trưởng GDP quý I đang chậm lại, khả năng chỉ đạt được 6,58%, thấp hơn cả mức tăng trưởng được xây dựng ở kịch bản thấp được ban hành kèm theo Nghị quyết số 01 của Chính phủ. Khi đó, kịch bản “update” đã được xây dựng. Và nay, khi tăng trưởng GDP vượt dự báo, đạt 6,79%, thì lại một lần nữa, kịch bản tăng trưởng kinh tế 2019 được kịp thời cập nhật.

Nhìn vào các kịch bản tăng trưởng kinh tế đã được xây dựng và mới được cập nhật, có thể thấy điều này. Ở kịch bản được báo cáo Chính phủ tại cuộc họp cách đây hai tuần, nếu tăng trưởng GDP quý I/2019 chỉ đạt 6,58%, thì để cả năm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8%, thì quý II phải đạt tốc độ tăng trưởng 6,77%; quý III là 7,13% và quý IV là 6,7%. Nhưng khi tăng trưởng GDP quý I là 6,79%, thì để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8%, quý II chỉ cần đạt tốc độ tăng trưởng 6,7%; quý III là 7% và quý IV là 6,6%. Có nghĩa là, theo kịch bản mới, áp lực sẽ đỡ nặng nề hơn. 

Tuy nhiên, phải nhắc lại một điều rằng, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2019, Chính phủ không chỉ kiên định mục tiêu tăng trưởng 6,8%, mà còn nhấn mạnh chuyện phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn, khoảng 7%. Như vậy có nghĩa, áp lực thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2019 là không hề “dễ thở”.

Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2019 là không dễ dàng, phải nỗ lực mới đạt được. Nhất là khi, nhiều yếu tố khó khăn mới đã xuất hiện, ví như dịch tả lợn châu Phi.

Trong khi đó, ông Võ Trí Thành tiếp tục cảnh báo những yếu tố bất định của kinh tế toàn cầu để nhấn mạnh rằng, Việt Nam phải có chuẩn bị cho những tình huống này.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục