Đẩy lùi tín dụng đen: Không chỉ là trách nhiệm của ngành ngân hàng

(ĐTCK) Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, để đạt được kết quả cao nhất trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các giải pháp của ngành ngân hàng là chưa đủ, mà cần có sự tham gia vào cuộc đồng bộ của các tổ chức chính trị - xã hội.
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú chủ trì cuộc họp. Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú chủ trì cuộc họp.

Thành quả của NHNN trong việc đẩy lùi tín dụng đen

Tại cuộc họp với các tổ chức chính trị - xã hội nhằm đánh giá kết quả phối hợp giữa ngành ngân hàng và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen và triển khai định hướng phối hợp trong thời gian tới do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức sáng ngày 9/4, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh về vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần quan trọng, hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và hạn chế người dân tìm đến tín dụng đen.

Dẫu vậy, NHNN đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quan tâm, phối hợp với ngành ngân hàng triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.

Ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt là người nghèo/người thu nhập thấp ở khu vực nông thôn, NHNN trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ của mình đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp tích cực. 

Cụ thể, NHNN đã ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phù hợp với thực tiễn; ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010, sau đó là Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và gần đây nhất là Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với nhiều cơ chế ưu đãi đột phá.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đã triển khai nhiều chương trình tín dụng như: Cho vay hỗ trợ lãi suất để tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp; Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; Cho vay hỗ trợ nhà ở; Cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội...

Đồng thời, NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, niêm yết công khai và hướng dẫn đầy đủ cho người dân khi vay vốn; đa dạng các sản phẩm tín dụng phù hợp với hoạt động sản xuất, tiêu dùng của người dân.

“Ngành ngân hàng cơ bản đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân. Cụ thể, tính đến ngày 27/3/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 7,39 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm 2018; trong đó: dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 1,82 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với cuối năm 2018”, ông Tần cho biết.

Bên cạnh đó, thời gian qua, các ngân hàng như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội trong việc truyền thông chủ trương, chính sách và các chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại khắp các thôn, bản, vùng, miền đất nước, trở thành kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả, giúp người nông dân từng bước xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống. 

Tính đến nay, Agribank đã cho vay qua 68.871 tổ vay vốn với tổng dư nợ đạt 122.203 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách đã cho vay thông qua 180.967 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ 193.314 tỷ đồng.

Ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank cho biết, tính đến 5/4/2019, tổng dư nợ và đầu tư của Ngân hàng đạt 1.224 nghìn tỷ đồng, trong đó tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm hơn 70%, tạo mọi điều kiện cho phát triển nôn nghiệp nông thôn.

Hiện nay, Agribank cung ứng vốn cho 4 triệu hộ nông dân và cá nhân với dư nợ đạt 724 nghìn tỷ đồng, trong đó 31,1% (225 nghìn tỷ đồng) cho vay tiêu dùng hạn chế tín dụng đen.

Ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank phát biểu tại cuộc họp

Còn ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thông tin, tính đến ngày 31/3/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý đạt 194.187 tỷ đồng, tăng 6.395 tỷ đồng so với đầu năm (tốc độ tăng trưởng đạt 3,4% so với đầu năm). Trong đó, dư nợ thực hiện theo phương thức ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội là 193.314 tỷ đồng, chiếm 99,55% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng. 

“Đến ngày 31/3/3019, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh tại ngân hàng là 1.491 tỷ đồng, chiếm 0,77%/tổng dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn là 807 tỷ đồng, chiếm 0,42% tổng dư nợ và nợ khoanh là 684 tỷ đồng, chiếm 0,35% tổng dư nợ. Đối với hoạt đọng ủy thác, nợ quá hạn là 779 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,4% tổng dư nợ ủy thác”, ông Lý cho biết.

Cần có sự vào cuộc đồng bộ của các tổ chức chính trị - xã hội

Phó thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, để đạt được kết quả cao nhất trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các giải pháp của ngành ngân hàng là chưa đủ, mà cần có sự tham gia vào cuộc đồng bộ của các tổ chức chính trị - xã hội.

Đồng quan điểm này, ông Thành nhận định: “Đẩy lùi tín dụng đen không chỉ là trách nhiệm của ngành ngân hàng, mà còn cần sự lãnh đạo vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền địa phương và sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội”.

Đại biểu chia sẻ thông tin tại cuộc họp. 

Tham gia cuộc họp có đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đóng góp ý kiến về công tác phối hợp ngành ngân hàng hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng từ các tổ chức tín dụng cũng như việc tuyên truyền, cảnh báo tác hại của tín dụng đen đến người dân.

Theo ông Tú, các tổ chức chính trị - xã hội đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn đối với Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc nhận ủy thác một số khâu của quá trình cho vay.

Việc nhận ủy thác cho vay, thu nợ của các ngân hàng đối với các hội viên cũng góp phần làm cho sinh hoạt của các hội đa dạng, phong phú hơn.

Đồng thời, dư nợ thông qua chương trình phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương đạt mức khá, tạo điều kiện cho nhiều tổ viên tiếp cận được vốn tín dụng với chi phí phù hợp, hiệu quả (tỷ lệ nợ xấu thấp dưới 1%).

Bên cạnh đó, việc TCTD thực hiện cho vay thông qua các tổ vay vốn, tổ tiết kiệm - vay vốn do các tổ chức chính trị - xã hội quản lý có nhiều ưu điểm, giúp tiết kiệm chi phí của tổ chức tín dụng trong quản lý vốn vay, tạo điều kiện để khách hàng được giảm lãi vay; hỗ trợ tổ chức tín dụng trong công tác thẩm định, đánh giá khách hàng cũng như trong việc đôn đốc, thu hồi nợ vay, đặc biệt là tại những địa bàn dân cư phân bố không tập trung, điều kiện giao thông khó khăn, phương tiện liên lạc còn hạn chế…

“Những kết quả này đã góp phần quan trọng, hỗ trợ người dân (đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa) trong việc tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo và hạn chế người dân tìm đến tín dụng đen. Tuy nhiên, NHNN đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quan tâm, phối hợp với ngành ngân hàng triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen”, ông Tú nói.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục