Tín dụng khó tăng cao
Trong quý IV/2018, hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) ở một số nhà băng đã được nới, song mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành đề ra cho năm 2018 giữ nguyên và dự báo sẽ giảm dần trong các năm tới.
Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) từ đầu năm 2018, trước biểu hiện áp lực lạm phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động kiểm soát hạn mức tăng trưởng tín dụng khá thấp với các ngân hàng. Việc nới room tín dụng không phải dễ dàng với các ngân hàng, khi chủ trương của NHNN là kiểm soát chặt chất lượng khoản vay, đặc biệt là nguồn vốn vào thị trường bất động sản.
Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, tăng trưởng dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng năm 2018 còn cách xa mục tiêu 17% đề ra đầu năm, nhưng chủ trương của NHNN là không tăng trưởng dư nợ ở mức cao. Áp lực tăng tín dụng gần đây đã giảm và khả năng trong những năm tới, mục tiêu tăng tín dụng sẽ thấp hơn.
Thực tế cho thấy, đến quý III/2018, nhiều nhà băng đã cạn room tín dụng, không còn nhiều dư địa giải ngân mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nên đã trình NHNN xin thêm quota (hạn ngạch). Tuy nhiên, không phải nhà băng nào cũng được chấp thuận. Với chủ trương kiểm soát lạm phát, siết tín dụng vào một số lĩnh vực, nên khó có thể nới room. Vì thế, ngân hàng phải giảm dần phụ thuộc vào tín dụng.
BVSC cho rằng, về phía cầu tín dụng, tăng trưởng kinh tế được dự báo chậm lại với GDP năm 2019 tăng khoảng 6,4 - 6,5%, đồng nghĩa với nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất - kinh doanh từ phía doanh nghiệp giảm tốc. Ngoài ra, lãi suất được dự báo tăng 0,25 - 0,5%/năm trong năm 2019 cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn của khách hàng.
Về phía cung tín dụng, nguồn cung tín dụng bất động sản đang bị siết lại thông qua quy định nâng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay kinh doanh bất động sản lên 200% từ đầu năm 2018 và 250% vào đầu năm 2019, đồng thời giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn từ 45% xuống 40%. Bên cạnh đó, do việc áp dụng Basel II, nhu cầu vốn ước tính để đáp ứng được mức tăng trưởng tín dụng 14 - 15%/năm ở các ngân hàng niêm yết là khoảng 237.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2018 - 2019.
Trong khi đó, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc nới room tín dụng cần xem xét trên năng lực của từng ngân hàng, nhất là trong bối cảnh tín dụng tăng nhanh hơn huy động vốn. Thanh khoản của các ngân hàng đang khá dồi dào, song nếu tín dụng tiếp tục tăng nhanh trong khi huy động vốn tăng chậm, thấp hơn tín dụng như hiện nay, thì rủi ro thanh khoản sẽ xuất hiện trở lại.
Lãi suất dự kiến tăng
Mặc dù tín dụng được cho là sẽ tăng thấp trong năm sau, nhưng lãi suất khó giảm. Theo các chuyên gia kinh tế, mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng thời gian tới, tuy nhiên, mức tăng sẽ khó có thể quá 0,7%/năm.
Mục tiêu kiềm soát lạm phát năm 2018 là 4%, nhưng theo dự báo của các chuyên gia kinh tế HSBC, năm 2019 có thể là 4 - 4,5%, sẽ khiến lãi suất tiền gửi tăng. Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, mặt bằng lãi suất tiền đồng hiện tại ổn định khi lạm phát vẫn được kiểm soát, nhưng năm 2019, lãi suất khó có thể giữ nguyên.
Cùng với đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sẽ tạo sức ép lên lãi suất huy động tiền gửi của các ngân hàng. Mặt khác, tín dụng tại không ít ngân hàng tăng cao trong thời gian qua, nhưng phần lớn nguồn vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, nên việc siết lại tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn góp phần đẩy lãi suất lên.
Các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài để huy động được vốn trung - dài hạn nhằm cân đối lại nguồn đáp ứng quy định của Thông tư 19/2017/TT-NHNN.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, lãi suất có thể sẽ tăng nhẹ trong năm 2019 do cả rủi ro bên trong và bên ngoài nền kinh tế. Trong khi đó, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, NHNN đang có xu hướng thặt chắt chính sách tiền tệ và các mức lãi suất cơ bản sẽ tăng lên trong năm 2019. Nguyên nhân chính dẫn đến động thái tăng lãi suất tiền gửi gần đây là từ năm 2019, các ngân hàng chỉ được sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn.
Để giảm lãi suất tiền đồng, theo TS. Lịch, cần khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu trên thị trường chứng khoán, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nếu không, lạm phát tăng lên trên kế hoạch, kéo theo lãi suất tăng, thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong năm 2019 và các năm sau.
Cân nhắc mục tiêu lợi nhuận
Lợi nhuận năm 2018 của hầu hết ngân hàng đều tăng trưởng và không ít nhà băng sớm cán đích kế hoạch sau 3 quý hoạt động đầu năm. Tuy nhiên, với chủ trương kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo hướng giảm dần và chi phí đầu vào tăng theo xu hướng tăng của lãi suất là yếu tố khiến các nhà băng phản cân nhắc về mục tiêu kinh doanh trình đại hội đồng cổ đông năm 2019.
Theo các chuyên gia tài chính, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thấp sẽ ảnh hưởng đến bức tranh lợi nhuận ngân hàng. Bởi lẽ, lợi nhuận ngân hàng chủ yếu đến từ tín dụng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận cao trong năm 2018, bên cạnh tín dụng còn có nguồn thu từ xử lý nợ xấu. Sau 5 năm bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nay đến thời hạn quay về ngân hàng và các nhà băng đang nỗ lực xử lý nợ. Với các khoản nợ xấu này, các nhà băng đã trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro với mức 20%/năm, nên đến thời điểm này, nếu xử lý xong sẽ hoàn nhập vào lợi nhuận.
Trong số các ngân hàng, Vietcombank đã tất toán trái phiếu VAMC từ năm 2017, Techcombank tất toán hơn 400 tỷ đồng trái phiếu VAMC trong năm 2018. ACB và MB cũng đã xóa sạch nợ bán cho VAMC, đưa tỷ lệ nợ xấu xuống lần lượt 0,84% và 1,57% trên tổng dư nợ tính đến cuối tháng 9/2018, từ đó kéo dự phòng rủi ro giảm, thậm chí hoàn nhập vào tổng lợi nhuận 9 tháng. Cụ thể, trong kỳ, ACB đạt 4.476 tỷ đồng trước thuế một phần là nhờ dự phòng giảm 56%, ở mức 660 tỷ đồng; MB đạt 6.050 tỷ đồng trước thuế, một phần là nhờ ghi nhận khoản thu 882 tỷ đồng từ các khoản nợ đã xử lý, gấp rưỡi cùng kỳ năm trước.
Để giảm dần phụ thuộc vào tín dụng và tăng trưởng lợi nhuận bền vững, các nhà băng đã và đang từng bước đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, song không thể kỳ vọng đẩy nhanh trong một sớm, một chiều. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, với ngân hàng Việt thì hoạt động kinh doanh truyền thống là tín dụng vẫn chiếm ưu thế, đóng góp 80 - 90% vào tổng lợi nhuận.
Tăng vốn để đáp ứng Basel II
Thời điểm đáp ứng các tiêu chuẩn Basel II đang đến gần và lộ trình NHNN đề ra là đến năm 2020, hệ thống ngân hàng Việt Nam phải có từ 12 - 15 ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel II, nên áp lực tăng vốn là không nhỏ, nhất là nhóm ngân hàng nhỏ có vốn điều lệ từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng.
Để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, bên cạnh chia cổ tức bằng cổ phiếu, thưởng cổ phiếu, các ngân hàng cần thu hút thêm vốn cổ phần, trong đó có vốn ngoại. Hai ngân hàng lớn là Vietcombank và BIDV cũng đang chuẩn bị tăng vốn điều lệ thông qua việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Trong đó, Vietcombank sẽ chào bán gần 360 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm tăng vốn điều lệ thêm gần 3.600 tỷ đồng. BIDV sẽ chào bán 603 triệu cổ phiếu cho một cổ đông chiến lược nước ngoài là KEB Hana Bank.
Theo giới phân tích, việc triển khai áp dụng Basel II giúp các ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh hơn, đồng thời nguồn vốn được quản lý một cách hiệu quả hơn, sẽ mang lại các kết quả kinh doanh khả quan và bền vững. Mục tiêu mà Chính phủ đề ra cho các ngân hàng cổ phần đến cuối năm 2020 cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó ít nhất 12 - 15 ngân hàng áp dụng thành công Basel II phương pháp tiêu chuẩn trở lên. Tới cuối năm 2025, tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng Basel II tiêu chuẩn, thí điểm áp dụng Basel II nâng cao tại ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và ngân hàng cổ phần có chất lượng quản trị tốt.
Định hướng của NHNN đưa ra đầu năm 2018, tăng trưởng tín dụng ở mức 17 - 18%, song tại cuộc gặp gỡ với các tổ chức tài chính nước ngoài mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2018 nhiều khả năng dưới mức 16%. Tuy tín dụng tăng trưởng thấp, nhưng NHNN không nới room cho hầu hết các nhà băng đã cạn room, ngoại trừ Techcombank, VPBank và MB.