Trong quý đầu năm 2022, lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái; mức tăng trưởng lợi nhuận tại Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP) là gần 26%, tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco là hơn 32%, tại Công ty cổ phần Traphaco (TRA) là 60,2%, tại Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương Vidipha là 54,4%, tại Công ty cổ phần S.P.M là gần 135%, tại Công ty cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar là 150,4%.
Báo cáo tài chính quý I/2022 của nhiều công ty dược niêm yết cho thấy, cơ cấu chi phí đầu vào bình quân là 60% nguyên vật liệu, 20% nhân công, 10% tiếp thị, 10% là các chi phí khác.
Chi phí nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn, nhưng thành phần cấu tạo nên một loại thuốc cần rất nhiều hoạt chất và dược phẩm khác nhau nên giá nguyên liệu tăng tác động tới giá thành thuốc được “chia nhỏ”.
Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát tại 2 quốc gia cung cấp dược liệu chính là Trung Quốc và Ấn Độ, việc áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt làm chi phí nguyên liệu dược phẩm tăng lên. Tuy nhiên, nhiều công ty sản xuất dược phẩm đã bù đắp chi phí này bằng cách tăng giá bán.
Theo ước tính của SSI Research, giá bán lẻ trung bình các loại thuốc giảm sốt, giảm ho, vitamin, thực phẩm chức năng và các thuốc điều trị Covid trong quý I/2022 tăng 5% so với quý I/2021 và tăng 13% kể từ đợt bùng phát dịch đầu tiên trong năm 2020. Các loại thuốc khác có mức tăng thấp hơn, khoảng 5 - 9% kể từ năm 2020.
Thực tế, việc Trung Quốc thực hiện chính sách “zero Covid” kéo dài chưa ghi nhận tác động đáng kể nào đến chuỗi cung ứng nguyên liệu dược phẩm. Trong khi đó, quốc gia sản xuất nguyên liệu thuốc lớn thứ hai đang đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu nhằm thay thế vị trí thống trị của Trung Quốc trong thị trường cung cấp nguyên liệu sản xuất thuốc. Nguồn nguyên liệu đến từ Ấn Độ được kỳ vọng sẽ giúp giảm giá nguyên liệu dược phẩm trong thời gian tới.
SSI Research nhận định, nhu cầu dược phẩm sẽ tiếp tục tăng. Trong quý I/2022, tổng doanh thu dược phẩm của cả nước ước tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó kênh nhà thuốc tăng 23%, kênh bệnh viện giảm 5%.
Doanh thu năm 2022 của các công ty dược sẽ được thúc đẩy bởi mức tăng trưởng cao kênh nhà thuốc trong nửa đầu năm và sự phục hồi mạnh của kênh bệnh viện cùng hoạt động đấu thầu thuốc dự kiến diễn ra bình thường trở lại trong nửa cuối năm.
Theo đó, doanh thu ngành dược trong 6 tháng cuối năm 2022 ước tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2021; lũy kế cả năm tăng 11%, phục hồi gần về mức trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Cuộc đua mở mới nhà thuốc của các chuỗi hiệu thuốc lớn như Pharmacity, Long Châu, An Khang sẽ kích thích doanh thu ngành dược tăng trưởng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Retail kỳ vọng, năm 2022, chuỗi Long Châu sẽ mang về 50 - 100 tỷ đồng lợi nhuận (tăng vọt so với mức gần 5 tỷ đồng năm 2021).
Theo Hãng nghiên cứu thị trường IBM, thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2021 có quy mô khoảng 7,7 tỷ USD, dự kiến đến năm 2026 đạt 16,1 tỷ USD.
Ngành dược có triển vọng tăng trưởng dài hạn, nhưng ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VPS cho biết, cổ phiếu ngành này không thực sự thu hút nhà đầu tư, bởi kết quả kinh doanh nhìn chung ổn định, không có sự bứt phá.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank cho hay, khi thị trường tăng điểm, mức tăng giá của nhóm cổ phiếu dược thường thấp hơn mặt bằng chung. Mặc dù vậy, đây được xem là nhóm trú ẩn cho dòng tiền trong giai đoạn kinh tế và thị trường chứng khoán gặp khó khăn.