Ngành dệt may tận dụng thời cơ vàng

Chưa lúc nào dệt may Việt Nam đứng trước cơ hội lớn về mở rộng năng lực sản xuất, thu hút dòng vốn đầu tư FDI và tăng nhanh giá trị xuất khẩu như lúc này.

Bình quân toàn ngành dệt may vẫn nhập khẩu khoảng 70% nguyên liệu Bình quân toàn ngành dệt may vẫn nhập khẩu khoảng 70% nguyên liệu

Doanh nghiệp may nội “nới tay” đầu tư dệt, sợi

“Ngành dệt may đã phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu quá lâu và trước một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã kết thúc đàm phán cùng các FTA đã được ký kết, chúng tôi không thể chỉ trông chờ vào nguồn nhập khẩu”.

Đó là khẳng định của ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP May Đồng Nai (Donagamex) khi nói về chiến lược phát triển trong năm 2016, với mục tiêu lớn nhất là gia tăng xuất khẩu, nhằm tận dụng cơ hội giảm thuế từ các FTA.

Kết thúc năm 2015, với giá trị xuất khẩu thu về hơn 100 triệu USD, nhưng Donagamex chưa thể hài lòng với kết quả đó. Nhìn xa hơn cho năm 2016 và những năm tới, doanh nghiệp (DN) đã đầu tư tới 300 tỷ đồng thực hiện Dự ánCụm công nghiệp Hưng Lộc (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), để trở thành Trung tâm Dệt may miền Đông Nam Bộ.

Dự án trên ra đời nhằm tạo ra môi trường sản xuất dệt may tập trung, chuyên nghiệp hơn, đồng thời từng bước chuẩn bị cho việc di dời các nhà máy của Donagamex ở KCN Biên Hòa I và là tiền đề để Donagamex tận dụng cơ hội xuất khẩu mang lại từ các FTA.

Theo ông Kích, ngành dệt may xuất khẩu nhiều nhưng nhập khẩu cũng lớn. Đến nay, bình quân toàn ngành vẫn nhập khẩu khoảng 70% nguyên liệu, thì nhờ đầu tư nguyên liệu, cụ thể là đầu tư nhà máy sản xuất vải không dệt, làm nguyên liệu cho chính mình và bán cho DN khác, 3 năm gần đây, Donagamex đã chủ động được khoảng 45% nguyên liệu trong nước.

Theo dự báo của AmCham, chưa tính đến tác động của TPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể đạt 51,4 tỷ USD vào năm 2020, trong đó, dệt may là 15,2 tỷ USD, con số này sẽ vươn tới mức 20 tỷ USD vào năm 2025.

Không trường vốn, thiếu kinh nghiệm, lâu nay, rất ít DN nội chiếm ưu thế về đầu tư dệt, nhuộm và hoàn tất vải, nhưng trong những năm qua, khâu làm sợi đã tăng tốc mạnh, với quy mô xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD, trong đó Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đạt gần 1 tỷ USD.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP May 10, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Dệt may (Vitas) cho biết, ngành dệt may đang khuyến khích DN may trong nước đầu tư sợi, dệt, nhuộm, nhưng cách đi an toàn hơn cả và phù hợp năng lực vốn hơn là góp vốn, mua cổ phần của các DN sợi, dệt, nhuộm kể cả trong và ngoài nước để có nguồn cung nguyên liệu.

“Trong kế hoạch đầu tư năm 2016 của May 10, chúng tôi đã tính tới phương án liên kết với đối tác để sản xuất sợi, đó là hướng đi an toàn, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu tự chủ nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu, lẫn nội địa”, ông Giang cho biết.

Lợi thế xuất khẩu sẽ thu hút vốn FDI

Dù còn không ít thách thức nội tại, nhưng với lợi thế có được từ các FTA, điển hình là TPP đã kết thúc đàm phán, các DN dệt may kỳ vọng tăng trưởng của ngành này trong năm 2016 sẽ đạt mức trên 20%, đồng thời, DN xuất khẩu cũng thu về lợi nhuận tốt hơn từ việc giảm thuế do trong nội dung đàm phán của một số FTA đều “lấy dệt may làm lợi ích cốt lõi”, với thuế suất một số thị trường chính giảm dần về 0%.

Theo dự báo của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham), chưa tính đến tác động của TPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể đạt 51,4 tỷ USD vào năm 2020, trong đó, dệt may là 15,2 tỷ USD. Theo ước ước tính của AmCham, con số này sẽ vươn tới mức 20 tỷ USD vào năm 2025.

Tính toán của Vitas cho thấy, chỉ riêng hàng dệt may, nếu xuất 10 tỷ USD, thì phần thuế sẽ lên tới 1,7 tỷ USD, vì vậy, nếu TPP có hiệu lực, thuế giảm về 0% thì sức cạnh tranh sẽ rất lớn, ít nhất Việt Nam có thể phát triển thị phần thêm gấp đôi trong 10 năm tới.

Điều kiện ngặt nghèo về quy tắc xuất xứ quy định tại mỗi FTA, trong đó với TPP là quy định quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, một mặt là trở ngại, nhưng về dài hạn, đó là động lực để DN lập chiến lược đầu tư, điều chỉnh hoạt động sản xuất đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thị trường.

Cụ thể, mỗi DN sẽ phải tự xây dựng chuỗi cung ứng riêng hoặc tham gia chuỗi cung ứng với các DN trong vùng để gia tăng giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Số liệu do Vitas đưa ra cho thấy, chưa khi nào dệt may lại đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn như khoảng thời gian 2 năm trở lại đây.

Chỉ tính riêng trong năm 2014, FDI vào lĩnh vực dệt may đã đạt 1,64 tỷ USD; chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, ngành dệt may thu hút hơn 50 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 1,12 tỷ USD, và dự kiến cả năm 2015 vượt 2 tỷ USD, cho tới nay, đây là khoản vốn cao kỷ lục.

Đặc biệt, sau một thời gian thương thảo, tìm hiểu cơ hội đầu tư, theo tin từ Vitas, Aditya Birla, tập đoàn hàng đầu Ấn Độ về sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu dệt may sẽ trở lại Việt Nam vào đầu năm 2016 để tiến gần hơn tham vọng đầu tư nhà máy tại Việt Nam.

Mục tiêu của Aditya Birla tại Việt Nam là đầu tư lĩnh vực kéo sợi, dệt vải và nhuộm hoàn tất. Cần phải nói thêm, Aditya Birla đứng thứ 48/500 trong số các tập đoàn, công ty hàng đầu của Ấn Độ, trong đó, Công ty Aditya Birla Yarn, công ty con trực thuộc Tập đoàn là một trong số những nhà sản xuất và xuất khẩu sợi kéo lớn nhất của Ấn Độ, với doanh thu hơn 45 tỷ USD năm 2014.

Có thể nói, chưa lúc nào dệt may Việt Nam đứng trước cơ hội lớn về mở rộng năng lực sản xuất, thu hút dòng vốn đầu tư FDI và tăng nhanh giá trị xuất khẩu như lúc này. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý các địa phương “cẩn trọng và đánh giá kỹ các dự án xin cấp phép đầu tư, để lựa chọn được các dự án FDI chất lượng, đảm bảo công nghệ tốt, không gây hại cho môi trường”.

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục