Lợi nhuận khó tránh khỏi suy giảm
Năm 2020, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và một số trang trại đã tái đàn lợn sau đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2019 khiến cả nước phải tiêu hủy gần 6 triệu con; các công ty chăn nuôi có quy mô lớn, các tập đoàn nước ngoài duy trì đàn hiện có.
Nhờ đó, nguồn cung cấp sản phẩm trong năm 2021 gia tăng, cộng với dịch Covid-19 kéo dài nên giá lợn giống hiện giảm 30 - 40% và giá bán sản phẩm giảm khoảng 20%. Một loạt doanh nghiệp ngành chăn nuôi đang đứng trước nguy cơ sụt giảm lợi nhuận.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đinh Văn Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chăn nuôi Phú Sơn (PSL) cho biết, dịch bệnh hoành hành nên hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, ngành chăn nuôi có sự cạnh tranh gay gắt, bởi những năm gần đây, các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài, các công ty chăn nuôi lớn trong nước tập trung đầu tư chăn nuôi lợn.
Nhiều doanh nghiệp ngành chăn nuôi dự kiến lợi nhuận năm 2021 sẽ suy giảm mạnh so với năm 2020 như PSL (-66,4%), MSL (-53%), DBC (-41%)…
Ngày 23/6/2021, Đại hội đồng cổ đông PSL đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với chỉ tiêu tổng sản lượng tiêu thụ lợn giống và lợn thịt là 1.221 tấn, giảm 18,6%; doanh thu 104,5 tỷ đồng, giảm 40,5%; lợi nhuận sau thuế gần 26,8 tỷ đồng, giảm 66,4% so với năm 2020.
Tương tự, Công ty cổ phần Chăn nuôi Mitraco (MLS) đặt chỉ tiêu kinh doanh thận trọng cho năm 2021 với doanh thu 350 tỷ đồng, giảm 12,2%; lợi nhuận sau thuế 45 tỷ đồng, giảm gần 53% so với năm 2020.
MLS cho hay, giá thịt lợn trong năm 2020 tăng cao, nhưng sang năm 2021, tình hình thị trường không còn đột biến và cung - cầu cơ bản cân bằng. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi vẫn là rủi ro lớn. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào có thể tăng đến hết quý III/2021, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của Công ty.
Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) nhìn nhận, ngành chăn nuôi năm 2021 đối mặt với nhiều thách thức nên dự kiến doanh thu đạt 15.439 tỷ đồng, giảm 7,7%; lợi nhuận sau thuế 827 tỷ đồng, giảm gần 41% so với năm 2020.
Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VSN) lo ngại về tác động của dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi, ảnh hưởng đến sản lượng bán sản phẩm, nên đặt kế hoạch năm nay với tổng doanh thu 5.100 tỷ đồng, giảm 1%; lợi nhuận 180 tỷ đồng, giảm 12% so với năm ngoái.
Khó khăn có thể kéo dài
Ông Bùi Tuấn Khải, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội cho biết, người chăn nuôi lợn hiện nay phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là giá thịt lợn liên tục giảm, một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khi không ít nhà hàng, bếp ăn tập thể… phải tạm dừng hoạt động khiến nhu cầu giảm.
Tình trạng này dự kiến sẽ sớm được khắc phục khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu về thực phẩm cho các ngành chế biến, khách sạn, nhà hàng sẽ phục hồi.
Mặc dù vậy, trên bình diện toàn cầu, mức độ phục hồi của ngành chăn nuôi là khó đoán định. Các chuyên gia tại RaboResearch nhận định, kinh tế thế giới có thể phải mất 2 năm để thực sự vững vàng trở lại sau cuộc xáo trộn vì đại dịch Covid-19. Năm 2021, những vấn đề trọng tâm của ngành chăn nuôi vẫn xoay quanh dịch tả lợn châu Phi, giá thức ăn chăn nuôi…
Trên cả nước hiện không còn dịch tai xanh ở lợn, nhưng dịch lở mồm, long móng vẫn còn ở Sơn La, Hà Tĩnh; dịch tả lợn châu Phi tồn tại ở 30 địa phương. Do đó, dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ tái bùng phát.
Trong khi đó, chi phí tiêm vắc-xin phòng ngừa cho đàn lợn ngày một tăng, song chưa đảm bảo hiệu quả. Đặc biệt, khó khăn về việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, đẩy giá cám lên cao, ảnh hưởng tới quá trình chăn nuôi.
Theo Cục Chăn nuôi, giá các loại nguyên vật liệu chính của thức ăn chăn nuôi như ngô hạt, khô dầu đậu tương, bã rượu khô có diễn biến tăng từ tháng 10/2020 đến nay, mức tăng trung bình là 30 - 35%.
Tính riêng quý I/2021, giá ngô hạt tăng 20,3% (7.371 đồng/kg), khô dầu đậu tương tăng 12,9% (13.533 đồng/kg), bã rượu khô tăng 21,9% (8.700 đồng/kg) so với bình quân quý IV/2020.
Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm bắt đầu tăng từ tháng 12/2020, đến nay có 5 - 7 đợt tăng, mỗi lần tăng 200 - 300 đồng/kg, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới mùa màng tại nhiều quốc gia trên thế giới; các quỹ đầu tư lớn có xu hướng chuyển sang đầu cơ nông sản; Trung Quốc tăng cường thu gom ngũ cốc phục vụ sản xuất, phục hồi chăn nuôi trong nước; chi phí vận chuyển tăng mạnh.
Theo ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị DBC, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phần lớn phải nhập khẩu từ nước ngoài, đây là tình trạng chung của ngành. Do đó, Công ty chú trọng đầu tư công nghệ cao, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản xuất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, đàn bò tăng khoảng 2,5%, đàn lợn tăng 11,6%, đàn gia cầm tăng 5,4%. Tổng sản lượng thịt các loại ước đạt 3,22 triệu tấn, tăng 7,04% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng cục Thống kê ước tính, 6 tháng đầu năm nay, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 2,002 triệu tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thời điểm cuối tháng 6/2021, giá thịt lợn hơi giảm khoảng 20% so với đầu năm, dao động từ 63.000 - 69.000 đồng/kg (tùy từng vùng, miền), về cơ bản thấp hơn giá thành, khiến nhiều người chăn nuôi không có lãi.
Không ít ý kiến dự báo, thị trường chăn nuôi phải đến cuối năm mới ổn định được tình hình.
Theo Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 6/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2023, tầm nhìn 2045, mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2021-2025 trung bình từ 4-5%/năm, sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2025 đạt 5-5,5 triệu tấn, trong đó thịt lợn chiếm 63-65%, thịt gia cầm chiếm 26-28%, thịt gia súc ăn cỏ chiếm 8-10%.