Theo Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2019 ước tăng 6,76%, trong đó quý II tăng 6,71% so với cùng kỳ năm trước, kinh tế vĩ mô ổn định, xuất khẩu tạo dấu ấn quan trọng, niềm tin người tiêu dùng đạt mức kỷ lục, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm qua.
Tuy nhiên, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhất là ngành nông nghiệp vì dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng. Ngành nông nghiệp chỉ tăng 1,3%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018 (tăng 3,07%). Ngành lâm nghiệp tăng 4,15%, nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ.
“Ðiểm sáng của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp là ngành thủy sản tăng trưởng 6,45%, cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 9 năm trở lại đây, do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.
Về triển vọng của ngành nông nghiệp trong 6 tháng cuối năm, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thống kê nông nghiệp, Tổng cục Thống kê cho rằng, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ngành chăn nuôi lợn sụt giảm mạnh trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi lan rộng tại 60/63 tỉnh, thành phố và có diễn biến phức tạp.
Tính đến nay, tổng số lợn tiêu hủy đã lên tới 2,28 triệu con, chiếm 10% tổng đàn lợn cả nước, trong đó khu vực Ðồng bằng sông Hồng có số lợn tiêu hủy 2,1 triệu con, chiếm 6,8% tổng đàn, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp chăn nuôi cũng như các hộ sản xuất nhỏ. Với lượng tiêu hủy này, tổng đàn lợn đã giảm 3,1%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong 6 tháng đầu năm giảm 4,7%, riêng quý II giảm 12,4%, khiến giá trị tăng thêm của ngành chăn nuôi lợn chỉ đạt 1,3%, rất thấp so với mức 3,28% của cùng kỳ năm 2018.
Ông Hiếu phân tích, hiện cơ cấu ngành chăn nuôi lợn chiếm 10% ngành nông nghiệp, nếu ngành chăn nuôi lợn cứ giảm 10% thì giá trị tăng trưởng của ngành nông nghiệp sẽ giảm 1%.
“Trong bối cảnh dịch tả lợn vẫn lây lan rộng như hiện nay thì dự báo sản lượng lợn sẽ giảm mạnh trong quý III và quý IV, khiến tốc độ tăng trưởng ngành này giảm từ 10 - 20%, thậm chí là 30% nếu không khống chế được dịch, như vậy thì mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp là 3% khó có thể đạt được”, ông Hiếu nhận định.
Giải pháp, khuyến nghị được đưa ra là các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi cần đảm bảo tối đa việc khống chế lây lan dịch, ưu tiên bảo vệ đàn lợn nái để phụ vụ tái đàn, chuyển các hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia cầm và các loại gia súc khác để bù đắp sự sụt giảm ngành chăn nuôi lợn. Ðối với cơ sở chăn nuôi của các doanh nghiệp hoặc hộ đã bị dịch tả thì khuyến nghị dứt điểm không tái đàn, bởi sẽ gây thiệt hại kinh tế vì nhiều khả năng dịch tái bùng phát.
Ông Hiếu khuyến cáo, số lượng nguồn cung thịt lợn hiện nay vẫn đảm bảo, do đó không nên nhập khẩu ồ ạt thịt lợn trong các quý tới, sẽ ảnh hưởng đến giá thị lợn và khiến các doanh nghiệp vốn đã khó khăn vì dịch lại thêm khó khăn hơn do khó cạnh tranh được với thịt nhập khẩu.
Nhìn tổng thể ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, để bù đắp sự suy giảm của ngành chăn nuôi lợn, cần xem xét chuyển dịch cơ cấu ngay từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này để gia tăng giá trị tăng trưởng của toàn ngành.
“Xuất khẩu rau củ quả đạt 2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, triển vọng xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm rất khả quan, có thể tăng 3 - 5%, nên nếu chuyển dịch đẩy mạnh tăng trưởng ngành chế biến rau củ quả để tăng giá trị từ xuất khẩu sẽ giúp bù đắp đáng kể sự sụt giảm của cơ cấu tỷ trọng tăng trưởng ngành chăn nuôi”, ông Lâm nói.
Ngoài ra, các giải pháp trong kịch bản chuyển dịch cơ cấu các ngành được Tổng cục Thống kê đưa ra để khắc phục suy giảm của ngành nông nghiệp trong 6 tháng cuối năm là tăng sản lượng cây cao su, tăng sản lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm, trứng, đồng thời tăng nuôi trồng ngành thủy sản. Tuy nhiên, ngành thủy sản cần đặc biệt lưu ý vì hiện nay vẫn chưa khắc phục được tình trạng thẻ vàng đối với ngành, trong khi đó tiếp tục có vi phạm từ ngư dân khai thác, khiến mức độ cảnh báo bị thẻ đỏ nâng lên.
“Nếu không khắc phục được vấn đề này thì trong 6 tháng cuối năm, với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được ký kết, đi cùng với đó là EU áp dụng các tiêu chí kỹ thuật rất cao đối với nhiều ngành theo cam kết tại Hiệp định, trong đó có ngành thủy sản, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành”, lãnh đạo Tổng cục Thống kê khuyến cáo.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng trưởng 9,13%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,18%; ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,78%; ngành xây dựng tăng 7,85%. Ðây được đánh giá sẽ là những ngành “cứu cánh” cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm, bù đắp sự suy giảm của ngành nông nghiệp.