Ngành chăn nuôi lo áp lực cạnh tranh từ CPTPP

(ĐTCK) Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi có thể bị tổn thương trong cuộc hội nhập này, với khoảng 60% khó khăn và 40% thuận lợi. 
Ngành chăn nuôi lo áp lực cạnh tranh từ CPTPP

Áp lực cạnh tranh trên sân nhà

Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, so với nhiều nước trong khối CPTPP, ngành chăn nuôi Việt Nam có xuất phát điểm thấp hơn. Các nước trong CPTPP như Úc, New Zealand, Canada, Chile, Mexico… đều có ngành chăn nuôi phát triển rất cao, nhất là gia súc ăn cỏ (cho sản phẩm sữa, thịt bò…), gia súc chăn nuôi công nghiệp như lợn và gia cầm.

Theo ông Dương, lo ngại nhất của doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam là áp lực cạnh tranh khi sản phẩm của các nước trong khối CPTPP được hưởng ưu đãi thuế thấp có thể tràn vào thị trường nội địa, doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh trực tiếp trên sân nhà. Cụ thể, đối với sản phẩm sữa, thịt bò, thuế nhập khẩu sẽ giảm về 0% sau 2 - 3 năm, kể từ khi CPTPP có hiệu lực (14/1/2019); đối với sản phẩm từ lợn, gia cầm, lộ trình cắt giảm thuế là sau 7 - 8 năm.

Như vậy, các doanh nghiệp và người chăn nuôi trong nước phải khẩn trương triển khai các bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, trước mắt là nhóm sản phẩm từ các loại gia súc ăn cỏ.

“Khi cánh cửa hội nhập mở, áp lực cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác vào Việt Nam dần hiện hữu. Theo lộ trình giảm thuế các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam, thời gian không còn nhiều, doanh nghiệp không được chủ quan, mà cần khẩn trương nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, đồng thời kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm.

Sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam phải phấn đấu rẻ nhất trong khu vực ASEAN và chất lượng phải cao, có như vậy mới giảm được áp lực cạnh tranh từ các nước, nhất là các nước có ngành chăn nuôi phát triển trong khối CPTPP”, ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), xét theo mặt hàng, một số chủng loại nông sản mà một số nước CPTPP có thế mạnh như thịt lợn, thịt gà, đây là những mặt hàng Việt Nam đã sản xuất được, nhưng sức cạnh tranh còn yếu. 

Chinh phục thị trường xuất khẩu: Cần thời gian

Ở chiều xuất khẩu, doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn. Malaysia, Singapore, Brunei, Nhật Bản là những thị trường có thể nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam. Tuy nhiên, các thị trường này không thực sự hấp dẫn, vì thị trường Nhật Bản có dung lượng lớn, nhưng tiêu chuẩn rất cao, còn các nước kia có dung lượng không lớn.

Ông Nguyễn Xuân Dương nhìn nhận, tiếp cận các thị trường này không phải ngày một, ngày hai, mà cần có thời gian. Nhật Bản yêu cầu chất lượng an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm rất cao, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải nỗ lực nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm trứng gà sạch cho biết, hiện sản phẩm trứng chưa xuất khẩu được, vì hạn sử dụng ngắn.

Doanh nghiệp cần phải làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm cao? Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam phải gấp rút tổ chức lại sản xuất theo các chuỗi liên kết, áp dụng công nghệ cao và nâng quy mô chăn nuôi, đây là giải pháp cơ bản giúp nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm.

Cụ thể, đầu tư giống mới, giống chất lượng, thức ăn tốt, chuồng trại hiện đại, quy trình quản lý chăn nuôi tiên tiến và gắn với giết mổ tập trung, chế biến sâu đa dạng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Năm 2019, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành chăn nuôi là hoàn thiện các nội dung triển khai Luật Chăn nuôi đã được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018 và tập trung chỉ đạo tái cơ cầu phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết, gắn với chế biến và kết nối thị trường.

Năm 2018, ngành chăn nuôi Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 500 - 550 triệu USD sản phẩm chăn nuôi gồm thịt lợn sữa các loại đông lạnh, trứng vịt muối, mật ong, sữa và các sản phẩm từ sữa; khoảng 400 - 450 triệu USD nguyên liệu và sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục