Cuộc đua kết thúc
Năm 2012, ông Xiang Juno, người đứng đầu Cơ quan Quản lý bảo hiểm Trung Quốc đã lần đầu tiên đưa ra các quy định giúp doanh nghiệp bảo hiểm có thể tự do hơn trong việc theo đuổi các khoản đầu tư với lợi nhuận cao và đầu tư vào các tài sản nước ngoài. Trong vòng 1 năm, các nhà bảo hiểm Đại lục đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội và tiến hành thâu tóm tài sản trên phạm vi toàn cầu.
Trong số những doanh nghiệp bảo hiểm “say sưa” với cuộc vui này, Anbang Insurance Group Co là cái tên nổi bật nhất. Năm 2014, Anbang thu hút sự chú ý khi mua lại khách sạn Waldorf Astoria tại New York, trở thành biểu tượng mới cho sự trỗi dậy của ngành bảo hiểm Đại lục.
Kể từ tháng 10/2014 cho tới nay, Công ty đã hoàn thành hơn 12 thương vụ mua tài sản trên thế giới, trong đó phải kể đến việc chi 6,5 tỷ USD mua Strategic Hotels & Resorts, qua đó nắm quyền kiểm soát 16 khách sạn hạng sang, bao gồm Four Seasons resorts tại Arizona và Wyoming. Thâu tóm công ty bảo hiểm Mỹ Fidelity Guaranty & Life với giá 1,6 tỷ USD; công ty bảo hiểm Vivat Verzekeringen tại châu Âu trong thương vụ trị giá 1,5 tỷ USD và công ty Tong Yang Life Insurance, hãng bảo hiểm Trung Quốc hiện đang nắm giữ 57,5% cổ phần của nhà bảo hiểm nhân thọ lớn thứ 8 Hàn Quốc.
Tuy nhiên, hoạt động thâu tóm này đã chấm dứt.
Vào giữa tháng 6/2017, Chủ tịch Anbang Wu Xiaohui bị bắt giữ phục vụ điều tra. Đồng thời, ông Xiang Juno, người đứng đầu Cơ quan Quản lý bảo hiểm Trung Quốc, cũng chịu sự điều tra vì các hành vi vi phạm chưa được tiết lộ.
Mới đây, trong cuộc hội nghị tài chính được tổ chức 5 năm 1 lần, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thảo luận nhằm tìm ra giải pháp giải quyết những hậu quả từ thời kỳ bùng nổ đầu tư tài chính thiếu sự kiểm soát vừa qua, đồng thời nỗ lực thúc đẩy sự ổn định của ngành bảo hiểm.
Trong bối cảnh này, số phận của Anbang dường như đã được định đoạt: giới chức bảo hiểm đang bàn bạc khả năng buộc Công ty bán đi các tài sản vừa thâu tóm, tiến hành kỷ luật các quan chức có liên quan trong khi tìm người thay thế ông Xiang.
Tham vọng chiến thắng
Giai đoạn 5 năm kể từ thời điểm năm 2012 khi ông Xiang nới lỏng dây cương với ngành bảo hiểm cho tới hội nghị tài chính mới đây là thời kỳ đã lột tả rõ nét nhất những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt: loay hoay kiểm soát những rủi ro trong khi dần đưa nền kinh tế hoạt động trên nguyên tắc thị trường.
Không thể phủ nhận, sự trỗi dậy của Anbang trong những năm gần đây là rất ấn tượng, thể hiện tham vọng vượt qua mọi giới hạn. Chẳng hạn, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ Anbang Longevity Sure Win No.1 ra đời năm 2013 đã giúp tiền phí bảo hiểm của Công ty tăng gấp gần 40 lần năm 2014, nhờ đưa ra mức lợi suất lên tới 5,8%/năm. Điều này giúp Anbang có thêm nguồn vốn đầu tư, chi hơn 10 tỷ USD thu mua tài sản năm 2014 và tích cực tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán Đại lục.
Phó chủ tịch Công ty Yao Dafeng, người đang điều hành Anbang tạm thời khi Chủ tịch bị bắt giữ cho biết, “đổi mới” là chìa khóa tăng tưởng, giúp Anbang từ một doanh nghiệp khởi nghiệp bán bảo hiểm xe ô tô trở thành một “đế chế” trị giá 1,9 nghìn tỷ nhân dân tệ (280 tỷ USD) trong hơn 1 thập kỷ. Điều làm nên thành công là Anbang bán các sản phẩm với mức lợi suất cao hơn bất kỳ đối thủ nào trong ngành và mọi khoản đầu tư đều có thể hòa vốn chỉ trong 1 năm.
“Bạn không thể chiến thắng nếu chỉ đi sau kẻ khác”, ông Yao nói trong một cuộc phỏng vấn.
Môi trường chính sách thay đổi
Tháng 1/2013, Phó chủ tịch Cơ quan Quản lý bảo hiểm Trung Quốc Chen Wenhui đã thúc giục các doanh nghiệp bảo hiểm cải tiến và phát triển các sản phẩm.
Theo đó, sự điều chỉnh năm 2012, được biết đến với tên gọi “13 quy tắc đầu tư bảo hiểm mới” đã giúp các doanh nghiệp bảo hiểm tự do hơn trong việc đầu tư các quỹ bảo hiểm vào những lĩnh vực như thị trường bất động sản toàn cầu.
Chưa kể, giới chức Trung Quốc xóa bỏ mức trần quy định lợi suất 2,5%/năm đối với các sản phẩm bảo hiểm, cho phép doanh nghiệp bảo hiểm tung ra các sản phẩm với lợi tức cao hơn hẳn nhằm thu hút khách hàng.
Với sự ủng hộ từ giới chức quản lý, tài sản đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm Đại lục đã tăng gấp đôi kể từ năm 2012 và mức lợi nhuận từ số tài sản này cũng nhảy vọt, Cơ quan Quản lý bảo hiểm Trung Quốc cho biết.
Các doanh nghiệp bảo hiểm đã gây ấn tượng khi chi 80 tỷ USD thu mua tài sản trong 5 năm qua và khoảng 20 tỷ USD khác tại các thương vụ đang được thảo luận hoặc tạm dừng, theo số liệu tổng hợp từ Bloomberg. Tốc độ tăng trưởng thần tốc của Anbang cũng xuất phát từ sự cổ vũ của giới chức quản lý lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, các quan chức bảo hiểm cũng chính là người thắt chặt sự tự do họ vừa tạo ra. Đầu năm 2016, nhà quản lý bắt đầu có động thái kiểm soát các hoạt động được xem là “cải tiến chưa phù hợp” và thắt chặt quy định về lợi suất, chính sách đầu tư trong ngắn hạn. Cả Anbang và Foresea Life, một doanh nghiệp tích cực không kém trong việc tung các sản phẩm với mức lợi suất cao, đều vướng vào các vụ điều tra.
Đối với lĩnh vực bảo hiểm, sự thay đổi đột ngột trong việc quản lý đã bóp nghẹn động lực tăng trưởng của Anbang và các doanh nghiệp như Foresea Life Insurance Co, Evergrande Life Insurance, vốn là những tên tuổi theo đuổi chiến lược đầu tư mạo hiểm với các tài sản mang về lợi nhuận lớn.
Trong khi đó, các công ty như China Life Insurance Co và Ping An Insuarance Co, lâu nay vẫn trung thành với chính sách đầu tư kiểu cũ, hiện lại trở thành kẻ chiến thắng khi giới chức quản lý thay đổi thái độ, tỏ ra ưa chuộng phương pháp đầu tư truyền thống hơn.
Năm 2017, Anbang đã ngừng bán sản phẩm bảo hiểm nhân thọ Sure Win No.1, vốn chiếm hơn 70% doanh thu bán bảo hiểm nhân thọ trong 3 năm 2013 – 2016 của Công ty. Bên cạnh đó, nhiều nhà băng lớn ngừng phân phối các sản phẩm, trong khi đây là một trong những kênh phân phối chủ lực của Công ty. Chưa kể, Anbang cũng bị cấm nộp đơn xin chấp thuận ra mắt các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ khác trong 3 tháng bắt đầu từ tháng 5.
“Anbang là ví dụ điển hình phản chiếu những gì đã xảy ra trong vòng quay của sự quản lý. Họ rõ ràng đã làm rất tốt trong việc nắm bắt thời cơ cách đây vài năm, nhưng hiện tại lại chịu tổn thương vì sự thay đổi trong chính sách, cơ chế có liên quan tới mô hình kinh doanh của mình”, Grace Zhou, chiến lược gia tại ICBC International cho biết.
Trong bối cảnh này, để tồn tại, Anbang, cũng như các doanh nghiệp bảo hiểm cùng có chiến lược đầu tư mạo hiểm, phải giải quyết một số khó khăn. Thứ nhất, một thử thách chính với các công ty như Anbang hiện tại là xây dựng lực lượng đại lý bán hàng cỡ lớn. Đây là điểm yếu của Anbang so với các công ty như China Life và Ping An, hiện sở hữu hơn 1 triệu đại lý mỗi công ty. Thứ hai, hệ số thanh toán nợ, một trong những hệ số được sử dụng để đo lường khả năng một công ty có thể trả nợ trong dài hạn, đã giảm mạnh đối với Anbang và một số nhà bảo hiểm khác, theo Ping An Securities Co.
Mới đây, Tân Hoa Xã trích lời ông Chen, Phó chủ tịch Cơ quan Quản lý bảo hiểm Trung Quốc cho rằng, các doanh nghiệp bảo hiểm mở rộng hoạt động đầu tư có thể dễ dàng gặp phải những khó khăn về dòng tiền kinh doanh, nhất là trong bối cảnh hoạt động mua bán tài sản bị kiểm soát hoặc các chính sách thắt chặt bất ngờ được áp dụng. Theo đó, ông Chen gợi ý, nhà bảo hiểm có thể tháo gỡ khó khăn này trong ngắn hạn bằng cách bán đi một số tài sản tại thị trường vốn.
Hiện tại, khi đã ngăn chặn mọi hoạt động được xem là tiềm ẩn nhiều rủi ro tại ngành bảo hiểm, giới chức Đại lục lại đối mặt với nhiệm vụ xây dựng và phát triển ngành này dựa trên những yếu tố cơ bản nhất: nhu cầu bảo hiểm của cá nhân và doanh nghiệp trước rủi ro.
Trước đó, vào đầu tháng 7, ông Chen cho rằng, doanh thu của các công ty bảo hiểm nhân thọ tại Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm sẽ giảm khoảng 60% so với cùng thời gian năm ngoái khi tạm ngừng cung cấp các sản phẩm lợi tức cao. Đây là diễn biến tích cực, cho thấy ngành bảo hiểm đã quay trở lại với những bước đi vững chắc hơn.
“Ngành bảo hiểm, với đặc thù đặc biệt là quản lý rủi ro, cần phải tự kiểm soát được rủi ro của chính mình. Các nhà bảo hiểm không thể biến mình từ người quản lý rủi ro thành kẻ tạo nên rủi ro”, ông Chen cho biết.