Ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro để “bao nợ xấu“

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các khoản nợ quá hạn đã tăng lên khiến không ít ngân hàng 
phải tăng trích lập dự phòng để "bao nợ xấu". 
Vietcombank đã chủ động tăng trích lập dự phòng, dù nợ xấu tăng nhẹ. Vietcombank đã chủ động tăng trích lập dự phòng, dù nợ xấu tăng nhẹ.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc SCB chia sẻ, đối với hoạt động tín dụng, SCB cũng bị ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19, thể hiện qua tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu tính đến 30/6/2020 tăng so với đầu năm, nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép, lần lượt là 1,23% và 0,67%.

“Về kết quả kinh doanh, SCB đạt lợi nhuận khiêm tốn 28,9 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm do Ngân hàng ưu tiên trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Cụ thể, SCB đã trích lập 2.174 tỷ đồng, nâng tổng quỹ dự phòng rủi ro lên gần 14.000 tỷ đồng. Đây là đệm dự phòng tài chính, giúp hoạt động kinh doanh của SCB ổn định trong thời gian tới”, ông Hoàn thông tin.

Tại TPBank, tính đến 30/6/2020, tỷ lệ nợ xấu cho vay và tỷ lệ lệ nợ xấu theo Thông tư 02 lần lượt là 1,01% và 0,79%, tăng nhẹ so với thời điểm 31/12/2019 là 1,28% và 1,04%. Kế hoạch đặt ra đến cuối năm 2020, nợ xấu sẽ về dưới mức 2,5%.

Thực tế, nợ xấu đã tăng cao hơn so với con số quý I/2020 do các lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn được thực hiện vào tháng 4/2020 và ngân hàng hiện có thể tái cơ cấu nợ mà không phân loại nợ vào nhóm có rủi ro hơn.

Báo cáo tài chính các ngân hàng ngay từ quý I/2020 đã cho biết, đại dịch đã làm tăng nợ xấu và chi phí tín dụng. Chẳng hạn, tỷ lệ nợ xấu của MB tăng lên mức 1,6% vào cuối quý I/2020 từ mức 1,2% vào cuối năm 2019.

Theo đó, chi phí dự phòng trong kỳ tăng 117% so với cùng kỳ, khiến chi phí tín dụng tăng lên 3,4% từ mức 1,7% của cùng kỳ. Chi phí dự phòng tăng mạnh làm lợi nhuận ròng quý I/2020 giảm 8% so với cùng kỳ.

Chi phí dự phòng tăng không đáng kể thúc đẩy lợi nhuận, nhưng cũng khiến nợ xấu của VIB tăng lên.

VIB chỉ xóa một khoản nợ xấu nhỏ trong quý I/2020, nên tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 2,19% từ mức 1,96% vào cuối 2019. Bên cạnh đó, nợ nhóm 2 tính đến 31/3/2020 tăng vọt 50,3% so với cuối 2019.

Tại Vietcombank, nhà băng này đã chủ động tăng trích lập dự phòng, dù nợ xấu tăng nhẹ. Theo đó, trong quý I/2020, chi phí dự phòng tăng 42,9% so với cùng kỳ, dẫn đến lợi nhuận ròng giảm 11,2%.

Tỷ lệ nợ xấu tăng không đáng kể, đạt mức 0,82% vào cuối quý I/2020, từ mức 0,79% vào cuối 2019. Trích lập dự phòng tăng trong khi nợ xấu được kiểm soát đã giúp tỷ lệ dự phòng/nợ xấu của Vietcombank tăng vọt lên 235% vào cuối quý I/2020, từ mức 179,5% vào cuối năm 2019.

Đáng chú ý, Vietcombank đã trích lập dự phòng rủi ro từ những năm trước, nhưng do đại dịch Covid-19 sẽ còn ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng trong thời gian tới, nên tỷ lệ này có thể tăng lên 250% trong năm nay.

Năm 2020, Vietcombank đặt chỉ tiêu nợ xấu ở mức tối đa là 1,5% trên tổng dư nợ. Con số này cao hơn gần gấp đôi so với kết quả năm 2019 (0,78%).

Giải thích của lãnh đạo Vietcombank cho biết, nợ xấu xây dựng ở mức cao hơn là do tác động của dịch bệnh, Ngân hàng đã tăng trích dự phòng để "bao nợ xấu".

Được biết, tại thời điểm cuối năm 2019, Vietcombank có số nợ xấu tuyệt đối ở mức hơn 5.800 tỷ đồng.

Trên cơ sở kế hoạch tín dụng hơn 815.000 tỷ đồng trong năm nay, số nợ xấu của Vietcombank dự tính tối đa có thể lên đến hơn 12.000 tỷ đồng.

Tuy nợ xấu tăng về con số, song tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank vẫn ở mức thấp nhất ngành là 0,65% vào cuối quý I/2020 (quý I/2019 là 0,68%), trong khi tỷ lệ dự phòng/nợ xấu (LLR) cao thứ hai, ở mức 148,3% vào cuối quý I/2020 (quý I/2019 là 158,1%).

Khá tương đồng, ACB cũng có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,65% vào cuối quý I/2020 (quý I/2019 là 0,68%), trong khi tỷ lệ dự phòng/nợ xấu ở mức 148,3% vào cuối quý I/2020 (quý I/2019 là 158,1%).

Với LienVietPostBank, việc hoàn nhập dự phòng giúp lợi nhuận ròng quý I/2020 tăng 18,4% so với cùng kỳ 2019 và tỷ lệ nợ xấu không thay đổi so với cuối 2019, ở mức 1,4%, nên ngân hàng này không phải trích dự phòng mới trong quý đầu năm nay.

LienVietPostBank cũng tất toán một số trái phiếu doanh nghiệp và ghi nhận hoàn nhập dự phòng từ trái phiếu.

Thực tế, kết quả kinh doanh của LienVietPostBank trong quý I/2020 được thúc đẩy bởi hoàn nhập dự phòng, nhưng điều tương tự khó lặp lại trong thời gian tới.

Dự báo lợi nhuận ròng của Ngân hàng sẽ giảm 5,4% trong năm 2020 và nợ xấu có khả năng tăng lên do đại dịch, khiến chi phí dự phòng tăng theo.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố cho rằng: “Kết quả hoạt động quý II/2020 của ngành ngân hàng có thể chứa đựng sự bất ngờ. Thu nhập lãi ròng thấp (do tăng trưởng tín dụng thấp) có thể được bù bởi chi phí dự phòng thấp (nếu ngân hàng trì hoãn ghi nhận dự phòng cho các khoản vay như cho phép của Ngân hàng Nhà nước). Tuy nhiên, đây chỉ là bút toán kế toán, ngành ngân hàng sẽ khó tránh khỏi bị ảnh hưởng tiêu cực trong bối cảnh triển vọng toàn nền kinh tế không khả quan. Vấn đề là thời điểm bộc lộ sự tiêu cực này”.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định: “Tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ngân hàng dự báo có thể tăng lên 4%, cao hơn so với mức 1,89% vào cuối năm 2019 bởi tăng trưởng tín dụng ở mức thấp; hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thấp. Bên cạnh đó, Thông tư 01 hết hiệu lực vào cuối năm cũng khiến dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (khoảng 23% tổng dư nợ) không còn được giữ nguyên nhóm nợ, dẫn đến quy mô nợ xấu tăng lên.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục