Nợ xấu tăng, dự phòng khó giảm
TPBank là ngân hàng có nợ xấu nội bảng tăng 53% trong quý đầu năm nay lên 1.884 tỷ đồng, thay đổi chủ yếu tại nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 61% lên 771 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,28% lên 1,87%.
Nợ xấu của Eximbank tính đến hết quý I/2020 tăng 4% so với đầu năm, lên mức gần 2.018 tỷ đồng, chủ yếu do tăng nợ dưới tiêu chuẩn (tăng 6%) và nợ nghi ngờ (tăng 25%). Vì thế, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ của ngân hàng này tăng lên 1,85% so với mức 1,71% hồi đầu năm.
Vietcombank cũng ghi nhận giá trị nợ xấu tăng 7% lên 6.191 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu nâng từ 0,79% lên 0,82%. Tương tự, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của BAC A BANK tăng trong quý I/2020, từ 0,69% lên 0,79%; SeABank từ 2,31% lên 2,34%; VIB từ 1,96% lên 2,19%...
Song song với diễn biến nợ xấu tăng do ảnh hưởng dịch Covid-19, các ngân hàng cũng tăng trích lập dự phòng cho các khoản vay.
Đơn cử, Vietcombank tăng dự phòng rủi ro dư nợ thêm 40%, ở quanh mức 14.548 tỷ đồng tính đến hết quý I/2020. Tỷ lệ bao nợ xấu tăng lên 235%, từ mức 180% của đầu năm, dù đã tất toán trái phiếu VAMC.
Đáng chú ý, Vietcombank đã trích lập dự phòng rủi ro từ những năm trước, nhưng do ảnh hưởng bởi đại dịch nên tỷ lệ này có thể tăng lên cao trong năm nay.
Bởi theo lãnh đạo Vietcombank, với tình hình hiện nay, chất lượng tín dụng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, nên Ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng để bao nợ xấu.
Tại Sacombank, tính đến hết tháng 5/2020, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 1.303 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 477.302 tỷ đồng, tổng huy động đạt 434.709 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt 310.745 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2% ( tăng so với mức 1,94% đầu năm nay).
Vì thế, 5 tháng đầu năm 2020, Sacombank đã trích lập dự phòng rủi ro khoảng 1.500-1.700 tỷ đồng. Quỹ dự phòng rủi ro của Sacombank đến thời điểm này đã lên đến 4.000-5.000 tỷ đồng.
Với Eximbank, ông Nguyễn Cảnh Vinh, Quyền Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, trong giai đoạn chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch Covid-19, Eximbank xác định việc tập trung hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cùng khách hàng song song với công tác ổn định kinh doanh để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ nhân viên và cổ đông là trách nhiệm tiên quyết của Ngân hàng.
Theo đó, Eximbank sẽ có những kế hoạch hành động phù hợp, nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định và an toàn cho hệ thống Eximbank. Theo kế hoạch điều chỉnh vừa được công bố, Eximbank đã chủ động trích tăng chi phí dự phòng thêm 414 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu.
Trong năm qua, Eximbank đã nỗ lực xử lý nợ xấu và đang tiến tới để tất toán các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC trước đây. Lượng trái phiếu VAMC mà ngân hàng này còn nắm giữ tính đến hết năm 2019 vào khoảng 3.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Eximbank đã trích dự phòng được gần 2.100 tỷ đồng, nên chỉ cần khoảng 1.100 tỷ đồng nữa là có thể hoàn tất được kế hoạch tất toán trái phiếu VAMC. Eximbank dự tính sẽ tất toán toàn xong bộ trái phiếu VAMC vào tháng 6/2020, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, kế hoạch này khó hoàn thành đúng tiến độ.
Đồng thời, đến nay, Eximbank đã tái cơ cấu được khoảng 6% trên tổng dư nợ cho vay (tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng lợi nhuận) cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tức là có một khoản lãi dự thu tương đương không được thu hồi, nên phải giảm lợi nhuận.
Báo cáo chiến lược đầu tư mới nhất của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, sau giai đoạn 2017-2018 tăng trưởng cao, ngành ngân hàng sẽ chứng kiến sự giảm tốc đáng kể về mức độ tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020.
Để theo đuổi mục tiêu quản lý tốt chất lượng tài sản, các ngân hàng sẽ còn phải tăng mạnh chi phí dự phòng trong quý II/2020.
VDSC lưu ý, thay vì quan tâm khả năng duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong ngắn hạn, nhà đầu tư cần chú ý tới những ngân hàng ưu tiên kiểm soát chất lượng tài sản, đặc biệt trong bối cảnh khả năng khôi phục hoạt động của các ngành, lĩnh vực sau dịch bệnh còn khó đoán định.
Tín dụng tăng thấp, đẩy mạnh tái cơ cấu nợ
Với tình hình dịch bệnh trong năm 2020, hoạt động tín dụng của Vietcombank được Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành cho biết có thể đạt mức tăng trưởng 10%.
Hết quý I/2020, trong khối ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước, chỉ có Vietcombank tăng trưởng tín dụng dương trên 2% và đến gần hết 5 tháng đầu năm nay ước đạt 3%.
Vietcombank chuyển sang tín dụng bán lẻ, do rủi ro được phân tán nên khi có khủng hoảng, rủi ro nợ xấu thấp, trong đó mảng dịch vụ chiếm khoảng 30-35%.
Theo đánh giá của ông Thành, lãi suất đang có xu hướng giảm dần một phần nhờ thanh khoản dồi dào (kể cả thị trường 1 và liên ngân hàng). Nếu đáp ứng đủ điều kiện, doanh nghiệp sẽ được ngân hàng cung ứng vốn, đẩy mạnh cơ cấu nợ.
Cũng theo ông Thành, dư nợ cơ cấu lại nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Vietcombank vào khoảng 10.000 tỷ đồng và có khoảng hơn 20.000 tỷ đồng là dư nợ “ăn theo”. Ông Thành cho hay, Vietcombank giảm 10% trên tổng số lãi phải trả từ 15/4 -30/6 cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch.
Lãnh đạo VietinBank cho biết, tín dụng của Ngân hàng vẫn đang giảm so với đầu năm (khoảng 2%) do tổng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế chưa phục hồi.
Đối với kế hoạch kinh doanh năm 2020, VietinBank dự kiến dư nợ tín dụng tăng trưởng 4-8,5% (hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước - NHNN giao hiện nay là 8,5%).
Nguồn vốn huy động tăng trưởng phù hợp với tình hình sử dụng vốn, cân đối với tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, dự kiến 5-10%.
Tỷ lệ nợ xấu được VietinBank đưa ra ở dưới mức 2% và việc tái cơ cấu nợ sẽ ảnh hưởng lợi nhuận, nên hiện vẫn để ngõ mục tiêu lợi nhuận 2020, dù 6 tháng ước đạt 6.000 tỷ đồng.
Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho hay, thực hiện chủ trương của NHNN hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, ACB dành 35.000 tỷ đồng hỗ trợ, cho vay mới và hạ lãi suất so với khoản vay trước 1%.
Các khoản vay mới giải ngân thấp hơn 1% so với mặt bằng cho vay chung để giữ mối quan hệ với khách hàng.
Các tháng vừa qua, tín dụng của ACB đã tăng trưởng, nhưng không cao. Tính đến đầu tháng 6/2020, tín dụng ACB mới tăng 4%, trong khi mục tiêu tín dụng cả năm là 11%.
Theo ông Toàn, ACB sẽ cơ cấu lại danh mục cho vay để đảm bảo mảng cá nhân hỗ trợ lại mảng doanh nghiệp, tập trung phát triển tín dụng bán lẻ.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, Ngân hàng đang phải tái cơ cấu nợ cho khách hàng nên các khoản lãi dự thu không còn được thu, mà phải thoái hoàn toàn theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Vì thế, ước giảm lợi nhuận khoảng 2.000 tỷ đồng cho quá trình tái cơ cấu nợ.
Sacombank đặt mục tiêu xử lý 11.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay. Liên quan tới vấn đề này, bà Diễm cho hay, 5 tháng đầu năm 2020, Sacombank đã đấu giá thành công 9.700 tỷ đồng và con số thực thu đến thời điểm này là 1.800 tỷ đồng, nên khả năng từ nay đến cuối năm sẽ đạt mục tiêu đề ra.
Hiện Sacombank còn nắm giữ hơn 25.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC và đang nỗ lực xử lý, thu hồi nợ xấu để hoàn nhập dự phòng.
Cũng theo Tổng giám đốc Sacombank, hiện thanh khoản của Ngân hàng khá dồi dào, thậm chí dư thừa 30.000 tỷ đồng vốn huy động.
Dư nợ cho vay tính đến gần cuối tháng 6/2020 tăng trưởng khoảng 6% trên tổng room tín dụng được cấp đầu năm nay là 9%. Sacombank đang đề xuất NHNN xin nới room tín dụng lên 14% để tăng dư địa cho vay trong nửa cuối năm nay.
Năm 2020, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.573 tỷ đồng, tổng tài sản 498.400 tỷ đồng, tổng huy động 457.200 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng 329.400 tỷ đồng và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Theo đánh giá của NHNN, đến nay, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống. Trường hợp dịch được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu (nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) sẽ ở mức 2,9-3,2% đến cuối quý II và từ 2,6-3% đến cuối năm 2020.
Trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn và được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý II và 3,7% cuối năm 2020, thậm chí có thể cao hơn, dẫn tới ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và khả năng phục hồi của các tổ chức tín dụng yếu kém.
Mặc dù tín dụng đến giữa tháng 6/2020 mới tăng 2,13%, song Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu các ngân hàng thương mại không nới lỏng điều kiện cho vay để tránh hệ lụy nợ xấu sau này, thay vào đó là tập trung tái cơ cấu, giãn thời gian trả nợ cho khách hàng và giảm lãi suất cho vay.