Pháp lý về trách nhiệm
Thập niên qua là thập niên của những tổn thất về tiền bạc của ngành ngân hàng. Thất thoát vật chất để lại hậu quả, đi đôi với trách nhiệm, mà giới hạn cao nhất là trách nhiệm hình sự. Khó có thể thống kê chính xác bao nhiêu cán bộ ngân hàng đã gánh chịu loại trách nhiệm này trong những năm đó. Những thông tin khi thì dồn dập, lúc thì rải rác về việc bắt cán bộ ngân hàng này, giam cầm, xét xử cán bộ ngân hàng kia trở nên quá phổ biến.
Đại án nối tiếp đại án, trách nhiệm nối tiếp trách nhiệm. Từ vụ Huyền Như, đến vụ Bầu Kiên, rồi đến đại án nghìn tỷ Đắk Nông…, nhiều lớp cán bộ ngân hàng đã đối mặt với trách nhiệm pháp lý. Trách nhiệm pháp lý, cụ thể là trách nhiệm hình sự, dường như luôn bủa vây xung quanh lĩnh vực ngân hàng.
Bộ luật Hình sự năm 2015 còn đem lại nhiều thách thức hơn nữa cho ngành. Nếu như trước đây, chỉ có khái niệm cá nhân phạm tội, thì nay pháp nhân thương mại phạm tội đã trở thành vấn đề luật định. Những hành vi vốn tưởng đơn giản như trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… cũng có thể biến các pháp nhân, trong đó có ngân hàng thành đương sự phạm tội. Nhiều chế tài rất nghiêm khắc dành cho pháp nhân thương mại phạm tội như đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm huy động vốn, cấm kinh doanh…
Một tội danh vốn rất “quen thuộc” với giới ngân hàng, được ví như “sọt rác tội phạm của lĩnh vực kinh tế”, với khoảng trống vận dụng tùy nghi, dễ mắc, dễ phạm là “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đã không còn trong Bộ luật Hình sự 2015.
Tuy nhiên, thách thức về trách nhiệm pháp lý đối với ngành ngân hàng vẫn còn nguyên. Bởi thay thế vào đó là tội danh “Vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
Vô số các hành vi vi phạm được liệt kê trong mọi mặt lĩnh vực hoạt động ngân hàng như tín dụng, giao dịch dịch vụ cho đến góp vốn, mua cổ phần… Cứ gây thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên là cấu thành tội phạm. Trách nhiệm pháp lý đã rộng mở hơn với lĩnh vực ngân hàng.
Trách nhiệm phát sinh từ hậu quả, đó là mối quan hệ nhân quả. Mà nhắc đến hậu quả trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng, nợ xấu luôn là mối nguy tiềm tàng. Cả ngành ngân hàng đều muốn đẩy nhanh, đẩy mạnh tiến độ xử lý nợ xấu, tuy nhiên công cuộc này đối mặt với nhiều thách thức pháp lý.
Đơn cử, cuối năm 2015, trong quá trình xử lý nợ xấu, một ngân hàng trên địa bàn TP. HCM đã đón nhận một sự kiện bất ngờ. Ngân hàng này cho DN vay trên cơ sở nhận bảo đảm bằng một bất động sản của chủ DN. Khi khách hàng phát sinh nợ xấu, ngân hàng tính nước khởi kiện phát mại tài sản bảo đảm thì nhận được thông tin, tòa án đang xem xét hủy bỏ chủ quyền bất động sản của bên thế chấp.
Vội vàng đến làm việc với tòa án, ngân hàng được biết, chủ cũ bất động sản đã thỏa thuận với chủ hiện hữu (bên thế chấp) hủy bỏ hợp đồng mua bán nhà và lấy lại bất động sản. Lý do, người chủ hiện hữu chưa hoàn tất việc thanh toán tiền cho chủ cũ của bất động sản. Hợp đồng mua bán đã có chứng nhận của công chứng, việc sang tên sở hữu nhà đất cũng đã hoàn tất. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho chủ mới. Hợp đồng thế chấp được xác lập giữa chủ tài sản với ngân hàng theo đúng trình tự luật định về công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm.
Từ vụ Huyền Như, đến vụ Bầu Kiên, rồi đến đại án nghìn tỷ Đắk Nông…, nhiều lớp cán bộ ngân hàng đã đối mặt với trách nhiệm pháp lý. Trách nhiệm pháp lý, cụ thể là trách nhiệm hình sự, dường như luôn bủa vây xung quanh lĩnh vực ngân hàng.
Vậy nhưng, tòa án vẫn thụ lý vụ việc yêu cầu hủy bỏ hợp đồng mua bán và không triệu tập ngân hàng. Ngân hàng biết chuyện, chủ động yêu cầu được tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi liên quan, thì tòa án vẫn tuyên phán quyết hủy bỏ hợp đồng mua bán. Theo quyết định của tòa án, ngân hàng đã mất trắng tài sản bảo đảm và nguy cơ khoản nợ mãi là nợ xấu.
Xử lý nợ xấu hầu hết là xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Xử lý tài sản bảo đảm lại đa phần có tranh chấp và phải thông qua quy trình tố tụng tại tòa án. Câu chuyện trên chỉ là một điển hình trong vô số thách thức pháp lý mà hệ thống ngân hàng phải đối mặt từ việc hiểu luật và áp dụng luật của tòa án.
Bên cạnh đó, gắn với xử lý nợ xấu là những giải pháp kỹ thuật và trách nhiệm. Nhiều giải pháp kỹ thuật đã “trang điểm” khối nợ xấu như: gia hạn nợ, đảo nợ, bán nợ, nhận gán nợ tạm thời… Quá trình triển khai những giải pháp kỹ thuật này, rủi ro pháp lý và phân định trách nhiệm là một thách thức không nhỏ.
Nợ xấu gây ra bởi nhân sự cũ, đến nay xử lý lại do nhân sự mới thực hiện. Quá trình luân chuyển công tác, đổi mới nhân sự… đã đặt ra một ranh giới khó phân định về trách nhiệm. Xử lý không khéo, nợ xấu vẫn xấu, mà trách nhiệm từ người cũ có thể chuyển sang người mới.
Đổi mới pháp lý nghiệp vụ
Trước đây, khi cho DN vay vốn, về mặt hồ sơ pháp lý, ngân hàng chỉ cần thẩm định và lưu giữ giấy chứng nhận đăng ký DN. Giấy tờ pháp lý này ghi nhận rõ ràng những ngành nghề, chức năng kinh doanh của DN. Thậm chí, nếu DN kinh doanh thuộc lĩnh vực có điều kiện, thông tin đó cũng được ghi nhận như một kết quả hoàn tất quá trình thẩm định từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngân hàng chỉ đơn giản căn cứ các thông tin trên giấy tờ pháp lý này mà xét duyệt, cấp vốn vay.
Hiện nay, với sự thay đổi của Luật Doanh nghiệp 2014, trên giấy chứng nhận đăng ký DN không còn ghi thông tin ngành nghề kinh doanh. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng không yêu cầu DN phải hoàn tất mọi điều kiện đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì mới cấp giấy chứng nhận như trước. DN có thể tự do đăng ký mọi ngành nghề trong danh mục 276 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Pháp luật chỉ đặt ra nguyên tắc khi bắt đầu hoạt động ngành nghề đó, DN phải bảo đảm có đủ điều kiện.
Vậy ngân hàng sẽ dựa vào đâu để biết được DN có chức năng kinh doanh phù hợp với nhu cầu vay vốn hay không? Dựa vào đâu để biết DN đã thực sự đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề có điều kiện?
Thực tế, vẫn tồn tại những quy định yêu cầu ngành nghề kinh doanh phải được ghi nhận trên một số tài liệu của DN như thông báo đăng ký, thay đổi, điều chỉnh nội dung kinh doanh của DN, điều lệ DN…
Vậy là, thay vì chỉ cần có giấy chứng nhận đăng ký DN, ngân hàng phải chủ động lưu giữ và thẩm định thêm những tài liệu mới như trên. Nếu không làm vậy, thì nguy cơ DN kinh doanh trái phép hiển hiện, còn ngân hàng vẫn gặp phải thách thức bị quy kết cho vay trái mục đích sử dụng vốn.
Giao dịch nghiệp vụ giữa ngân hàng với khách hàng cá nhân cũng chịu sự tác động của hàng loạt quy định thay đổi trong hệ thống pháp luật. Chẳng hạn, sự thay đổi về giấy tờ nhân thân như giấy chứng minh nhân dân loại 12 số, thẻ căn cước công dân đã và đang được phát hành, đòi hỏi ngân hàng phải chủ động thay đổi quy trình, mẫu biểu nghiệp vụ giao dịch để thích ứng. Nếu hình dung hết tất cả những vấn đề pháp lý tác động vào hệ thống ngân hàng, có thể thấy, đổi mới nghiệp vụ phù hợp với môi trường pháp lý là một thách thức lớn.
Pháp lý về hoạt động
Mỗi năm, một ngân hàng phải đóng 24% tổng quỹ lương cho các khoản chi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, công đoàn phí… Bắt đầu từ tháng 1/2016, nếu không có thay đổi toàn diện về chính sách, công cụ pháp lý quản trị lao động trong cơ chế chi trả lương, bảo hiểm…, ngân hàng có thể đối mặt với những khoản truy thu lên đến hàng chục tỷ đồng.
Điều này xuất phát từ nguyên nhân là cách thức xác định quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội theo quy định mới của pháp luật. Cách trả lương nhiều ngân hàng đang áp dụng hiện nay có sự vi phạm hiển hiện so với cách tính do pháp luật quy định. Nhận biết được vấn đề thấu đáo, có giải pháp quản lý chi phí lao động hợp lý, hợp pháp để hóa giải nguy cơ là một thách thức đặt ra với mỗi ngân hàng.
Lộ trình tái cấu trúc ngành ngân hàng với mục tiêu quy hoạch thu hẹp số lượng ngân hàng đã đặt ra một sức ép lớn đối với phần đông các ngân hàng hiện hữu. Trong thập niên qua, đã có những thương vụ M&A đình đám của ngành ngân hàng.
Trông vào đó, nhiều ngân hàng đã tự rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm, để tránh thương vụ M&A tương lai bị ví như một cuộc cưỡng hôn. Hòa hợp ở tầm quản trị, ổn định ở tầm điều hành, kế thừa hợp tác được ở những cấp nghiệp vụ tầm sâu, tầm rộng là thách thức rất lớn của các thương vụ M&A trong ngành ngân hàng. Bên cạnh đó, xét riêng về khối nhân sự ngành ngân hàng, thì tương lai nghề nghiệp bất định, nguy cơ đào thải là những thách thức hiển hiện.
Qua một thập niên, từ chỗ không được quan tâm đến, hoặc chỉ được xếp hạng cuối cùng trong số những rủi ro cần quản trị, thì nay rủi ro pháp lý đã trở thành thách thức hàng đầu trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.
Nhìn nhận đúng về môi trường pháp lý, coi trọng quản trị rủi ro để có những giải pháp linh hoạt, an toàn phục vụ hoạt động kinh doanh là điều mong muốn của hệ thống ngân hàng. Mong muốn đó cũng đặt hệ thống ngân hàng trước những thách thức pháp lý không bao giờ dứt.