Nếu hoạt động ngân hàng diễn ra trong bối cảnh ổn định thanh khoản, tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho biết, cách thức giao dịch vốn giữa các ngân hàng như sau: khi huy động vốn từ thị trường dân cư, tổ chức kinh tế (thị trường 1) với lãi suất huy động khoảng 9%/năm, ngân hàng trong lúc chưa cần giải ngân tiền vay sẽ đẩy vốn sang thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) giao dịch với lãi suất thấp hơn, khoảng 6%/năm.
Ngân hàng không thiệt, bởi ngày hôm sau, nếu như cần tiền giải ngân cho DN vay, ngân hàng sẽ dễ dàng lấy vốn về với lãi suất 6%/năm. Thị trường 2 vận hành nhịp nhàng sẽ là nơi tạo nguồn cung vốn dồi dào cho các nhu cầu kinh doanh của DN trong nền kinh tế.
“Tuy nhiên, chỉ cần có những diễn biến bất thường xảy ra như khi ông Nguyễn Đức Kiên của ACB bị bắt, thị trường lập tức rung chuyển. Các ngân hàng dừng ngay việc đẩy vốn sang thị trường 2, rút vốn từ thị trường 2 về để phòng thủ thanh khoản. Điều này khiến cho tình trạng lãi suất giao dịch trên thị trường 2 tăng liên tục và gần như bị đóng băng giao dịch”, vị tổng giám đốc trên chia sẻ.
Hay trong những vụ án có yếu tố lừa đảo, một rủi ro vẫn tồn tại là cán bộ tín dụng luôn bị nhìn nhận như “tội đồ” chứ không được coi là “nạn nhân”. Trong tác nghiệp hàng ngày, có vô vàn thao tác nghiệp vụ và có thể xảy ra sai sót.
Cuốn sách “Hiểu nghề, giữ nghiệp” của luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO đã phân tích, bối cảnh diễn ra quyết định ủy thác vốn của HĐQT ACB vào năm 2010 gần giống như trên. Thời kỳ đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam luôn ở trong tình trạng chao đảo về thanh khoản. Có những ngân hàng cần vốn, thiếu huy động, có những ngân hàng thừa huy động nhưng phải trả lãi cao cho khách hàng.
Trong khi đó, các ngân hàng muốn giao dịch trực tiếp với nhau trên thị trường 2 lại “bí” về mặt pháp lý bởi rất nhiều nguyên do, trước hết là lãi suất.
Vào thời điểm đó, nếu lãi suất huy động vốn thực tế từ thị trường 1 khoảng 21%/năm thì các ngân hàng khó mà giao dịch với nhau trên thị trường 2 khi mà lãi suất cơ bản NHNN công bố ở mức 8%/năm. Thị trường 2 chỉ chấp nhận cho những khoản vốn giao dịch thời hạn ngắn, mang tính cấp thời, trong khi các ngân hàng muốn ổn định thanh khoản, cần vốn có thời hạn như đi huy động ở thị trường 1.
Cũng theo luật sư Hải, có nhiều lý do đã dẫn đến cả ngân hàng cho vay và ngân hàng đi vay phải lách luật để giao dịch với nhau, mà cách phổ biến là nhận, gửi vốn qua trung gian như giao dịch trên thị trường 1.
Có trường hợp, ngân hàng ủy thác vốn cho DN bên ngoài rồi sau đó DN gửi vào ngân hàng, hay như ACB và Navibank ủy thác cho nhân viên rồi nhân viên dùng tư cách cá nhân gửi tiền vào ngân hàng.
“Việc ủy thác này bản chất là không vi phạm một điều khoản cụ thể nào của pháp luật vào thời điểm đó. Nếu như tôi được hỏi trong vai trò luật sư rằng quyết định đó đúng hay sai pháp luật, chắc tôi sẽ trả lời “không sai”. Vậy nhưng đã có hậu quả phát sinh từ quyết định này, cũng như rất khó để bảo vệ cho sự đúng của hành vi liên quan và điều này có thể đẩy trách nhiệm pháp lý đến với chúng ta”, luật sư Hải nhấn mạnh.
Hay trong những vụ án có yếu tố lừa đảo, một rủi ro vẫn tồn tại là cán bộ tín dụng luôn bị nhìn nhận như “tội đồ” chứ không được coi là “nạn nhân”. Trong tác nghiệp hàng ngày, có vô vàn thao tác nghiệp vụ và có thể xảy ra sai sót. Chẳng hạn trường hợp Huỳnh Hữu Danh, nguyên Quản lý khách hàng cao cấp của VIB chi nhánh TP. HCM.
Tòa án xác định Danh không có yếu tố tư lợi, không nhận bất cứ khoản tiền, lợi ích vật chất nào từ phía Huyền Như, Võ Anh Tuấn. Câu chữ của bản án toát lên một điều là chính Tòa án cũng nhận định Danh bị tội phạm lừa đảo dẫn đến ngân hàng mất vốn vay, nhưng vẫn bị mức án phạt 17 năm tù giam.
“Thực tế, chỉ nên quy kết sai phạm nếu như chứng minh được cán bộ tín dụng rõ ràng cố ý hướng đến mục đích gây hậu quả tổn thất cụ thể cho ngân hàng. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng lại không cùng quan điểm này”, luật sư Hải nói.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định: “Tại Việt Nam, sự khắc nghiệt của nghề buộc mỗi cán bộ ngân hàng phải tự biết các rủi ro để bảo vệ mình trước pháp luật”.