Vay tiêu dùng "ngóng" hành lang pháp lý

(ĐTCK) Để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển bền vững còn nhiều việc phải làm nhưng hai việc quan trọng và cấp bách nhất là xây dựng khuôn khổ pháp lý và hỗ trợ các định chế tài chính trong quá trình phổ biến, tuyên truyền kiến thức tài chính tiêu dùng cho người dân.
Dịch vụ vay tiêu dùng từ các công ty tài chính có tư cách pháp nhân rõ ràng với đặc tính giải ngân nhanh chóng, thủ tục đơn giản Dịch vụ vay tiêu dùng từ các công ty tài chính có tư cách pháp nhân rõ ràng với đặc tính giải ngân nhanh chóng, thủ tục đơn giản

Giải mã lãi suất

Khác với ngân hàng thương mại, khách hàng của các công ty tài chính thường rất rộng, phần lớn đều có thu nhập trung bình và thấp, ít có khả năng tiếp cận được các khoản vay tại các ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, hoạt động của công ty tài chính và ngân hàng trong cho vay tiêu dùng có nhiều điểm khác biệt dẫn đến sự khác biệt trong lãi suất của hai đối tượng này.

Cụ thể như việc huy động vốn, công ty tài chính không được huy động vốn từ cá nhân, nguồn vốn chủ yếu là vốn vay từ các ngân hàng hoặc nguồn huy động thông qua việc phát hành giấy tờ có giá trong khi các ngân hàng được huy động vốn trực tiếp từ cá nhân với lãi suất thấp hơn nhiều.

Khoản vay của các công ty tài chính thường nhỏ, chủ yếu từ 3 - 20 triệu đồng và có kỳ hạn ngắn, chủ yếu từ 6 - 12 tháng, nên chi phí quản lý khoản vay lớn hơn ngân hàng nhiều.

Đặc biệt, một bộ phận lớn đối tượng khách hàng của công ty tài chính không chứng minh được thu nhập ổn định nên không vay ngân hàng được, mức độ rủi ro của khách hàng cao hơn ngân hàng. Công ty tài chính cho vay không cần thế chấp, thủ tục đơn giản và duyệt cho vay nhanh (chỉ 15 phút), trong khi để vay được từ ngân hàng, thì khách hàng cần phải có tài sản đảm bảo, thủ tục xét duyệt ít nhất 1 tuần và cần nộp nhiều loại giấy tờ để chứng minh nguồn thu nhập.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong đặt giả thiết, nếu lãi suất cho vay tiêu dùng giảm thấp hơn thì chắc chắn sẽ thu hút được sự tham gia của nhiều đối tượng khách hàng  hơn. Tuy nhiên, mức độ rủi ro trong vay tín chấp là rất lớn, cho nên thường thì các tổ chức tài chính đang giữ lãi suất ở mức cao hơn mức lãi suất của các ngân hàng thương mại, để bù đắp rủi ro có thể xảy ra.

Tuy nhiên, ông Phong cũng cho biết, có nhiều yếu tố để kỳ vọng về sự phát triển mạnh của thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam trong tương lai, đặc biệt là Việt Nam hiện vẫn đang trong giai đoạn đầu và còn nhiều tiềm năng để phát triển. Việt Nam có hơn 90 triệu dân trong đó dân số trẻ chiếm tỷ lệ lớn và dự báo sẽ tiếp tục tăng là dư địa thuận lợi để kênh tài chính tiêu dùng bứt phá trong tương lai.

“Ngóng” hành lang pháp lý

Theo ý kiến của các chuyên gia tài chính, hiện còn nhiều vấn đề kìm hãm sự phát triển của thị trường tín dụng tiêu dùng, trong đó đặc biệt việc hoàn thiện các vấn đề pháp lý cho kênh tài chính tiêu dùng.

Cụ thể, theo TS. Nguyễn Minh Phong, việc hoàn thiện các vấn đề pháp lý tạo nền tảng cho hệ thống ngân hàng thương mại và các công ty tài chính hoạt động tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh. Có như vậy mới thu hút được khách hàng tham gia vay tiêu dùng.

PGS.TS. Đào Văn Hùng, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho biết, sở dĩ tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam chưa phát triển và các định chế tài chính cung cấp các dịch vụ tín dụng tiêu dùng hạn chế một phần là do chưa có khung khổ pháp lý trong lĩnh vực này, riêng đối với công ty tài chính là hoàn toàn chưa có.

“Hiện nay, về mặt pháp lý, chúng ta vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về vay tiêu dùng cho các công ty tài chính, mới chỉ có một số hướng dẫn chung chung cho các sản phẩm về tài chính, thẻ tín dụng, cho vay trả góp”, ông Hùng cho hay.

Theo đó, ông Hùng cho rằng, khung khổ này cần đảm bảo sự hài hòa giữa các chức năng bảo vệ người tiêu dùng và điều tiết các tổ chức tín dụng theo thông lệ quốc tế song phải phù hợp với thực tế Việt Nam.

Ông Hùng đặc biệt nhấn mạnh đến tính minh bạch trong vấn đề lãi suất, bảo vệ người đi vay, bởi đây là điều quan trọng giúp cho thị trường tài chính tiêu dùng phát triển.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho biết, để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển bền vững còn nhiều việc phải làm, nhưng có 2 việc quan trọng và cấp bách nhất là xây dựng khuôn khổ pháp lý cho thị trường tín dụng tiêu dùng và hỗ trợ các định chế tài chính trong quá trình phổ biến, tuyên truyền kiến thức tài chính tiêu dùng cho người dân.

“Toàn xã hội, cũng như các cơ quan quản lý cần thống nhất quan điểm rằng, phát triển tín dụng tiêu dùng là công cụ hữu hiệu để hạn chế “tín dụng đen” cũng là phương thức hữu hiệu đa dạng hóa hoạt động của các tổ chức tín dụng. Do vậy, cần có sự quản lý phù hợp để thúc đẩy thị trường này phát triển lành mạnh và hiệu quả, có như vậy mới có thể góp phần phát triển thị trường tài chính bền vững”, ông Ánh nói.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính. Sau khi hoàn thiện và áp dụng trên thực tế thông tư này sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng tốt hơn.

Phú Canh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục