TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế chia sẻ, ngân hàng số bao gồm automated branch và branchless banking. Theo đó, automated branch là chi nhánh ngân hàng tự động, không có giao dịch viên mà chỉ toàn máy tính, khách hàng sẽ tiến hành giao dịch, gửi tiền tiết kiệm, rút tiền, trả tiền hóa đơn điện thoại, điện nước… thông qua máy tính. Còn branchless banking là dịch vụ ngân hàng không qua chi nhánh và internet banking cũng có thể được xem là branchless banking.
Theo nghiên cứu của McKinsey về các dịch vụ tài chính cá nhân trong lĩnh vực ngân hàng số đối với người tiêu dùng tại khu vực châu Á, có 40% giao dịch sau bán hàng được thực hiện online; tại các ngân hàng hàng đầu, 20% giao dịch mua sản phẩm được hoàn tất qua mạng; các giao dịch qua kênh điện thoại di động và internet tăng 35% qua các năm, giúp giảm 27% việc sử dụng dịch vụ tại các chi nhánh…
Tại Hội thảo thường niên khu vực ASEAN với chủ đề Đổi mới trong ngành ngân hàng tài chính do Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính (BTCI) tổ chức gần đây tại Hà Nội, ông Douglas Jackson, Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Tập đoàn tư vấn quản trị BCG cho biết, mô hình kinh doanh mới (ứng dụng sáng tạo) đã mang đến đề xuất bán hàng và dịch vụ mang tính chuyển đổi. Trước kia, đối với ngân hàng truyền thống, chỗ nào cũng thấy giấy tờ, đội ngũ bán hàng theo sản phẩm chuyên biệt và phải mất 3-5 ngày để phê duyệt một khoản vay.
“Hiện nay, khi các ngân hàng đổi mới, áp dụng công nghệ số, người ta sẽ không còn thấy sự xuất hiện của những tờ giấy trên bàn, đội ngũ nhân viên bán tất cả những sản phẩm và chỉ mất 5 phút để mở một tài khoản mới, mất 10 phút để phê duyệt một khoản vay”, ông Douglas Jackson nói.
Ông William Anthony Jennings, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc BTCI đánh giá cao sự thay đổi rất lớn của hệ thống ngân hàng Việt Nam, trong đó, ứng dụng sáng tạo là một trong những ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng. Sức ép về đổi mới, tái cơ cấu ngành ngân hàng đã khiến cho các nhà băng cạnh tranh đưa ra những sản phẩm mới, cải tiến quá trình vận hành, quy trình nghiệp vụ và tập trung phát triển ngành nhân sự bậc cao.
Tuy nhiên, ở góc độ người đang làm việc trong hệ thống, ông Đỗ Tuấn Anh, Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank đã đưa ra dẫn chứng cho thấy, một sự thay đổi mang tính đột phá có lẽ vẫn còn là ước mơ xa xôi đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Ông Tuấn Anh chia sẻ thông tin tại Hội thảo: “Một bản hợp đồng hàng trăm trang, khách hàng có thể chỉ phải ký một lần thay vì ký nháy từng trang. Điều này hiện nay không thực hiện được bởi về mặt pháp lý, khi ra tòa sẽ bị kiện nếu không ký nháy đủ các trang”.
Nhấn mạnh thêm về vấn đề này, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng cho biết, Luật Giao dịch điện tử đã có, Nghị định của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng cũng đã có, nhưng chỉ mới ở góc độ giao dịch điện tử, thương mại điện tử của ngân hàng mà thôi.
“Ở các nước trên thế giới, chữ ký điện tử trên các văn bản, hợp đồng khi ra tòa đều được chấp nhận như những văn bản chính thức, nhưng ở Việt Nam, thẩm phán, tòa án, viện kiểm soát tối cao… thừa nhận sự hợp pháp của chữ ký điện tử đến đâu lại là một câu chuyện khác”, vị lãnh đạo trên nhấn mạnh.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà Nước cho rằng, trong giai đoạn tới, việc phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử còn phải chịu tác động rất lớn từ môi trường pháp lý thay đổi… Do vậy, cần thực hiện nhóm giải pháp về hoàn thiện môi trường thể chế, nhằm khuyến khích phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại.
Ông Tuấn Anh cũng cho rằng: “Mọi việc đều có giải pháp, nhưng quan trọng hơn cả là tư duy làm luật. Tất cả mọi vấn đề đều có rủi ro, quan trọng là cách quản lý rủi ro như thế nào. Chúng ta không thể đưa ra khung pháp lý theo cách mà chúng ta vẫn làm trước đây cho một dịch vụ tài chính ngân hàng đang không ngừng phát triển hiện nay. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước cũng đang lưu ý đến vấn đề này, nhưng theo tôi, cần có sự đột phá về tư duy cũng như có bước đi mạnh mẽ hơn”.