“Để chủ động thích ứng với những thay đổi của công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát huy và tận dụng tối đa những yếu tố tích cực và kiểm soát được các tác động bất lợi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chủ động phối hợp cùng các bộ ban ngành có liên quan nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc ứng dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ trong hoạt động thanh toán, cũng như xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trong việc phát triển các dịch vụ thanh toán mới”, ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết.
Ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam luôn đặt chỉ tiêu giảm sử dụng tiền mặt trong thanh toán như một yêu cầu quan trọng hướng tới xã hội ít tiền mặt hoặc phi tiền mặt. Điều này đang diễn ra như thế nào tại Việt Nam?
Thanh toán không dùng tiền mặt hay thanh toán điện tử đang là xu hướng chủ đạo tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, cả nước phát triển lẫn những nước đang phát triển, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử và nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Tại Việt Nam, ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 (Đề án 2545) nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán trong xã hội, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông, tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán và phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.
Trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã tích cực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh
Hầu hết các ngân hàng thương mại đã thiết lập được hệ thống ngân hàng lõi và liên tục cập nhật, nâng cấp hệ thống, tạo tiền đề cho phát triển hệ thống thanh toán nội bộ, dịch vụ thanh toán, tích hợp thanh toán đa kênh, kết nối thanh toán liên thông hiện đại từ thanh toán thẻ cho tới thanh toán, chuyển tiền di động, thanh toán Internet..., nhằm đem đến cho khách hàng nhiều tiện ích, giá trị thiết thực, hiệu quả.
Với sự nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều giải pháp và hành động cụ thể, tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế có xu hướng giảm dần, từ 19,02% năm 2005 xuống 14,02% năm 2010, đến cuối năm 2017 còn 11,94%; nhận thức và thói quen về sử dụng tiền mặt trong thanh toán tại Việt Nam nhìn chung đã có chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng nhiều người tiêu dùng, các đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ đã lựa chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam vẫn còn một số hạn chế do thói quen, tâm lý thích sử dụng tiền mặt của một bộ phận người dân; hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt được đầu tư, phát triển nhưng chưa đồng đều và bao phủ;
Chất lượng dịch vụ thanh toán mặc dù đã được cải thiện song chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng; một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý e ngại trong việc tiếp cận với công nghệ mới...
Trong bối cảnh của sự phát triển công nghệ thông tin và chủ trương của Đảng, Chính phủ về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, xu thế chủ đạo tại Việt Nam sẽ là tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong hoạt động thanh toán;
Hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia; áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như mã phản hồi nhanh (QR code), số hóa thẻ (tokenization), thanh toán di động (mobile payment), thanh toán phi tiếp xúc (contactless)..., nhằm thúc đẩy phát triển thanh toán điện tử trong nền kinh tế.
Đến nay, đã có trên 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện qua điện thoại di động.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, số lượng giao dịch tài chính qua kênh internet là hơn 127 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch khoảng 8 triệu tỷ đồng; lần lượt tăng 51% về số lượng giao dịch và 32% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2017.
Bên cạnh đó, số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động là gần 81 triệu giao dịch, tăng 32% và giá trị giao dịch đạt gần 675 nghìn tỷ đồng, tăng 144% so với cùng kỳ năm 2017.
Đi cùng với sự phát triển của hệ thống thanh toán điện tử là những vấn đề phát sinh đối với các hình thức thanh toán xuyên quốc gia. NHNN đã có kế hoạch nào để tận dụng các lợi thế của thanh toán điện tử và kiểm soát các rủi ro?
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, xu hướng tự do hóa, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, các giao dịch thanh toán xuyên biên giới đang được đánh giá là xu hướng tất yếu.
NHNN đang tập trung xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các công ty FinTech trong lĩnh vực ngân hàng
Tuy nhiên, thanh toán xuyên biên giới cũng đang đặt ra thách thức cho các nhà quản lý tại Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.
Hoạt động thanh toán xuyên biên giới có thể mang đến các khó khăn, thách thức cho cơ quan quản lý các nước trong việc quản lý thuế, thương mại điện tử, mạng xã hội...; các vấn đề an ninh an toàn thông tin, hoạt động thanh toán trong nước, đồng thời có thể dẫn đến việc cạnh tranh không bình đẳng trong hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán giữa các doanh nghiệp trong nước với ngoài nước.
Liên quan đến vấn đề này, thời gian qua, NHNN đã làm đầu mối, phối hợp với các bộ ngành liên quan có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề xuất một số biện pháp, giải pháp quản lý hiệu quả hoạt động thanh toán điện tử đối với việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới trên lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh đó, NHNN thường xuyên phối hợp với các bộ ngành, đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho các dịch vụ thanh toán điện tử mới; ban hành các quy định và biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, phát hiện, đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán xuyên biên giới.
Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, thanh toán xuyên biên giới và kinh nghiệm quốc tế, NHNN đang hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động thanh toán xuyên biên giới (trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP và Nghị định số 80/2016/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt) làm cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm soát có hiệu quả các luồng giao dịch thanh toán xuyên biên giới.
Với sự phát triển mạnh mẽ của các công ty FinTech, cũng như sự phát triển các dịch vụ thanh toán xuyên quốc gia như hiện nay, sự hợp tác quốc tế giữa NHNN với các cơ quan giám sát trung ương của các quốc gia về hoạt động này là điều kiện cần thiết.
Việc này sẽ giúp mang lại lợi ích cho tất cả các bên có liên quan. Quy mô, phạm vi và nội dung hợp tác quốc tế giữa các cơ quan giám sát cần phải theo kịp với tốc độ toàn cầu hóa của các hoạt động này. NHNN hiện đang rất chủ động và tích cực trong hợp tác quốc tế nhằm quản lý, giám sát chặt chẽ đối với các hoạt động thanh toán điện tử xuyên biên giới hiện nay.
Với một số hình thức thanh toán và giao dịch tiền tệ mới xuất hiện, chẳng hạn dựa trên tiền điện tử, QR code…, quan điểm của NHNN như thế nào? NHNN đã có biện pháp gì để thực hiện vai trò quản lý nhà nước trong cung ứng và điều tiết tiền tệ trong nền kinh tế?
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và hoạt động ngân hàng cũng không ngoài xu thế đó.
Trong thời gian qua, các ngân hàng đã chủ động nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán và sự ra đời của nhiều mô hình dịch vụ thanh toán mới, đem lại cho người sử dụng những trải nghiệm mới mẻ với sự tiện ích và chi phí hợp lý.
6 tháng đầu năm 2018, số lượng giao dịch tài chính qua kênh internet là hơn 127 triệu giao dịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực mang lại, hoạt động thanh toán cũng đang phải đối diện với những thách thức về yêu cầu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tội phạm sử dụng công nghệ cao, thanh toán xuyên biên giới...
Để chủ động thích ứng với những thay đổi của công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát huy và tận dụng tối đa những yếu tố tích cực và kiểm soát được các tác động bất lợi, NHNN đã chủ động, tích cực phối hợp cùng các bộ ban ngành có liên quan nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc ứng dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ trong hoạt động thanh toán, cũng như xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trong việc phát triển các dịch vụ thanh toán mới.
Theo đó, NHNN đang hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động thanh toán (xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP, Nghị định số 80/2016/NĐ-CP); xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa; nghiên cứu, xây dựng, ban hành tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code trong lĩnh vực thanh toán”; nghiên cứu triển khai một số mô hình thanh toán mới…
Trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, NHNN đang tập trung xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các công ty FinTech trong lĩnh vực ngân hàng; bổ sung, sửa đổi quy định của ngành ngân hàng để tương thích, phù hợp hơn với bối cảnh số hóa và sự phát triển FinTech.
Đối với những giải pháp, nghiệp vụ mới của các công ty FinTech mà khuôn khổ pháp lý hiện hành chưa quy định, NHNN có kế hoạch nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành khuôn khổ pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox) phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế, tiến tới việc ban hành khuôn khổ pháp lý chính thức.