Ngân hàng Nhà nước liên tiếp 5 năm dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số Cải cách Hành chính

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần trong Top 3 và liên tiếp 5 năm gần đây xếp vị trí dẫn đầu xếp hạng chỉ số Cải cách Hành chính (CCHC-PAR Index) của Ban chỉ đạo Cải cách Hành chính của Chính phủ trong số các Bộ, cơ quan Trung ương.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại Hội nghị. Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại Hội nghị.

Chỉ số hài lòng hàng năm đều đạt trên 98%

Chia sẻ về kết quả cải cách hành chính, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh các lĩnh vực hoạt động ngân hàng đã được cắt giảm mạnh mẽ từ giai đoạn triển khai Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ năm 2007 về cắt giảm thủ tục hành chính, đến nay đã từng bước đáp ứng yêu cầu thuận tiện, minh bạch, tiết giảm chi phí giao dịch hành chính đối với doanh nghiệp và người dân.

Không dừng lại ở kết quả của Đề án 30, từ năm 2018, NHNN đã tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 80 trên tổng số 257 điều kiện (đạt 31%). Công tác kiểm soát quy định thủ tục hành chính thường xuyên được chú trọng; giải quyết thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn ISO, đáp ứng yêu cầu công khai minh bạch, đúng hạn.

Năm 2017, mặc dù NHNN được giao tăng từ 35 lên 37 nhiệm vụ, nhưng với chủ trương cải cách bộ máy, NHNN đã bỏ toàn bộ cấp phòng tại 2 đơn vị cấp Vụ (Vụ Thi đua - Khen thưởng và Vụ Truyền thông), giảm 74 đơn vị Phòng trong toàn hệ thống, tỷ lệ giảm trên 16%. Năm 2019, đã kiện toàn lại mô hình tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và đã cắt giảm từ 11 xuống còn 8 đầu mối trực thuộc; giảm 18 đơn vị cấp phòng.

Về chính sách tinh giản biên chế, với số lượng đơn vị đầu mối tại trung ương và địa phương khá lớn (89 đầu mối) nhưng NHNN đã quản lý biên chế chặt chẽ và tổ chức tinh giảm được 385 chỉ tiêu biên chế đúng định hướng của Chính phủ.

Đối với cải cách hành chính gắn với nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh trong ngành ngân hàng, tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), NHNN đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp để mở rộng, nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng. Kết quả, CIC đã kết nối với toàn bộ các tổ chức tín dụng và gần 1.200 Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô, trên 50 tổ chức kinh tế và một số bộ, ngành để phong phú thêm nguồn thông tin.

Nhờ những nỗ lực trong việc thu thập và cung cấp thông tin tín dụng, kết quả theo báo cáo Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, giai đoạn 2016 - 2020, độ phủ thông tin tín dụng công của Việt Nam tăng từ 41,5% năm 2016 lên 59,4% năm 2020, điểm chiều sâu thông tin tín dụng tăng từ 7 lên 8/8 điểm, đạt điểm tối đa trong thang điểm đánh giá một hệ thống thông tin tín dụng toàn diện.

Đồng thời, hệ thống các tổ chức tín dụng tích cực vào cuộc đã triển khai nhiều giải pháp để đổi mới công tác quản trị, điều hành, chuyển đổi mô hình tổ chức, thu gọn các bộ phận trung gian hướng tới mục tiêu lấy khách hàng làm trung tâm; tập trung tối đa nguồn lực nhân sự cho bộ phận kinh doanh, giảm thiểu chi phí hoạt động. Cùng với đó là nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm phi tín dụng điện tử có khả năng giao dịch thông qua các phương tiện điện tử, an toàn, bảo mật cao.

Cải cách hành chính ngành Ngân hàng đã góp phần đưa NHNN trở thành đơn vị dẫn đầu Chỉ số công khai ngân sách năm 2019 và tài liệu Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 trong tất cả các bộ, cơ quan Trung ương.

Trong 10 năm, NHNN tiếp nhận và giải quyết hơn 20.000 hồ sơ thủ tục hành chính, gần 200 thủ tục đã được đơn giản hóa, bãi bỏ, tạo thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân trong giao dịch hành chính với NHNN. Kết quả khảo sát sự hài lòng của tổ chức/cá nhân về kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho thấy chỉ số hài lòng hàng năm đều đạt trên 98%.

Những kết quả trên đã được các doanh nghiệp ghi nhận. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh nói: “Cải cách thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp Việt Nam mạnh hơn. Đây cũng là mối quan hệ cộng sinh, hai bên cùng có lợi ích”.

Hay như ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tôn Đông Á cho biết: “So với 5 - 10 năm trước, hệ thống ngân hàng đã thay đổi rất nhiều ở các thủ tục hành chính, đặc biệt, khi sử dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động”.

Theo báo cáo đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2020, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đã tăng 7 bậc so với năm trước và nằm trong nhóm 25 quốc gia có điểm cao nhất. Chỉ số này thể hiện sự quyết tâm của NHNN trong việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ và vay vốn công bằng, minh bạch.

Tồn tại, thách thức và định hướng giải pháp

Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động cải cách hành chính của NHNN giai đoạn 2011 - 2020 được cho rằng vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như:

Thứ nhất, kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế của NHNN còn chậm do ít phát sinh đối tượng tinh giản theo quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP của Chính phủ; mức hỗ trợ tinh giản biên chế chưa đủ hấp dẫn để công chức, viên chức và người lao động tự nguyện được tinh giản.

Thứ hai, việc thực hiện phương án tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc NHNN còn gặp khó khăn, do các Nghị định chuyên ngành đối với các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực giáo dục đào tạo và truyền thông, báo chí chưa được ban hành.

Thứ ba, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 so với tổng dịch vụ công chưa cao, do đặc thù các thủ tục hành chính của NHNN rất ít phát sinh hồ sơ, nếu nâng cấp lên mức độ 3, 4 dễ gây lãng phí.

Theo đó, định hướng giai đoạn 2020 - 2030, NHNN sẽ tập trung triển khai liên tục và có hiệu quả các lĩnh vực cải cách hành chính nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói riêng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường thúc đẩy đầu tư sản xuất phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Cụ thể, về lĩnh vực cải cách, hoàn thiện thể chế, hệ thống ngân hàng, tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng theo định hướng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với nguyên tắc thị trường, đảm bảo giữ an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống ngân hàng, nâng cao tính công khai, minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đối với cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% quy định và 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính ngay từ khi xây dựng văn bản, đảm bảo tiết giảm tối đa chi phí đối với tổ chức, cá nhân.

Về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ các quy định về công tác cán bộ; điều chỉnh, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị thuộc hệ thống NHNN tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đúng lộ trình Đề án tinh giản biên chế của NHNN giai đoạn 2015 - 2021 theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

Liên quan đến xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, hệ thống ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hoạt động công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đáp ứng tốt yêu cầu hoạt động công vụ; cơ cấu công chức, viên chức được bố trí theo vị trí việc làm; đa dạng hóa nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng.

Về tài chính công, hoàn thiện các quy định của NHNN về quản lý giám sát tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp; hoàn thiện quy định về chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các TCTD, tổ chức tài chính và doanh nghiệp do NHNN sở hữu; quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc NHNN; tiếp tục thực hiện cơ chế khoán kinh phí hoạt động thường xuyên; nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong việc tổ chức chi tiêu, mua sắm, đầu tư xây dựng, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.

“Hiện đại hóa hành chính, đẩy mạnh ứng dụng toàn diện công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động của NHNN và tổ chức tín dụng, đồng thời tạo điều kiện để chuyển đổi sang mô hình chính phủ điện tử tại NHNN và mô hình ngân hàng số cho các tổ chức tín dụng”, thông tin từ NHNN cho biết.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục