Tín dụng duy trì đà tăng

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Những thông tin không mấy tích cực về tình hình hoạt động của doanh nghiệp đã không “làm khó” tín dụng tháng 10 khi vẫn duy trì được đà tăng. Đây cũng là điều hợp lý khi cuối năm được xem là “mùa tín dụng”.

Tính đến ngày 17/11/2020, tăng trưởng tín dụng đạt 7,26%. Ảnh: Dũng Minh Tính đến ngày 17/11/2020, tăng trưởng tín dụng đạt 7,26%. Ảnh: Dũng Minh

Vì sao các ngân hàng hạ lãi suất huy động?

Vietcombank vừa tiến hành điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,4 điểm phần trăm so với biểu lãi suất hồi tháng 10. Cụ thể, với kỳ hạn 6-9 tháng còn 4%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 6%/năm; kỳ hạn 24 tháng là 5,7%/năm và kỳ hạn 36 tháng chỉ còn 5,4%/năm.

Agribank cũng giảm 0,2 điểm phần trăm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1-8 tháng; kỳ hạn từ 9-11 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm và kỳ hạn từ 12-24 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm so với đầu tháng 10.

Tại BIDV, kỳ hạn 9 tháng có mức giảm 0,3 điểm phần trăm và các kỳ hạn còn lại có mức giảm đồng loạt là 0,2 điểm phần trăm. Còn lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 9 tháng của VietinBank đồng loạt giảm 0,2 điểm phần trăm và kỳ hạn 12 tháng trở lên giảm 0,2 điểm phần trăm.

Không chỉ các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng cấp tập hạ lãi suất tiền gửi trong 10 ngày đầu của tháng 11 như MB, HDBank, LienVietPostBank, ABBank, SCB, ACB, Nam A Bank, Viet Capital Bank, VIB...

MB là ngân hàng có mức giảm mạnh nhất, từ 0,15-1,9%/năm so với tháng 10. Theo đó, kỳ hạn 12 tháng giảm từ mức 7,2%/năm xuống 5,3%/năm (-1,9%/năm); kỳ hạn 24 tháng giảm từ 7,4%/năm xuống 5,67%/năm (-1,73%/năm).

Sản phẩm tiết kiệm phát lộc tài của SCB dành cho khách hàng có món tiền gửi trên 50 triệu đồng với kỳ hạn ít nhất 6 tháng cũng điều chỉnh giảm, cụ thể là kỳ hạn 6 tháng giảm về mức 6,6%/năm so với trước đó là 6,9%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm về 6,9%/năm so với mức 7,4%/năm của tháng 10 và kỳ hạn 18 tháng là 7%/năm so với trước đó là 7,55%/năm.

So với tháng 10, mức lãi suất tiền gửi của SHB cũng giảm từ 0,2-1%/năm. Còn tại Nam A Bank, lãi suất đã giảm ở các kỳ hạn dài từ 14 tháng trở lên từ 1-2 điểm phần trăm so với tháng trước. Theo biểu lãi suất này, lãi suất huy động kỳ hạn từ 14-17 tháng giảm xuống mức 6,9%/năm; các kỳ hạn từ 18-29 tháng hạ xuống 7%/năm; kỳ hạn 30-36 tháng còn 6,6%/năm.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Trịnh Thị Thanh, Quyền Giám đốc khối Quản trị tài chính và nguồn vốn SCB cho biết: “Xu hướng giảm lãi suất thời gian qua là ‘tiếng gọi từ thị trường’. Thực tế, dù cho lãi suất huy động giảm sâu một cách hiếm hoi, nhưng dòng tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng”.

“Tuy lãi suất liên tục hạ thời gian qua nhưng khách hàng vẫn đến gửi tiền tiết kiệm. Điều này phản ánh nhu cầu của người dân vẫn chọn gửi tiết kiệm tại ngân hàng là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả thời điểm này”, bà Nguyễn Thị Tới, kiểm soát viên giao dịch tại SCB Thanh Xuân cho hay.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết thêm, đúng là lãi suất huy động giảm từ “tiếng gọi của thị trường”, nhưng “tiếng gọi” này có sự chỉ đạo của cơ quan quản lý thông qua việc đẩy mạnh các công cụ chính sách tiền tệ.

“Lãi suất điều hành là một trong bộ công cụ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng để điều chỉnh thị trường và các ngân hàng hiện tại phải liên tục bám sát, dự đoán để có những điều chỉnh phù hợp”, vị này nói.

Thực tế, tuần từ 9/11 - 13/11, NHNN đã bơm ròng 1,1 tỷ đồng trên kênh OMO và không có hoạt động trên kênh tín phiếu. Như vậy, NHNN đã bơm ròng trở lại trên kênh OMO sau 4 tháng liên tiếp không có hoạt động nào, song lượng bơm ròng tuần này là rất thấp. Với việc thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục duy trì ở trạng thái dồi dào, nhiều khả năng NHNN sẽ chưa phải can thiệp mạnh để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống nhằm chuẩn bị nguồn vốn cho mùa cao điểm cuối năm.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là NHNN đã mua vào một lượng lớn ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại, tương đương hơn 30.000 tỷ đồng được bơm ra thị trường. Lãi suất trên liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức 0,19%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,25%/năm với kỳ hạn 1 tuần. Lãi suất tiền gửi giữ ở mức 2,5-3,8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7-5%/năm với kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng, 4,9-5,8%/năm với kỳ hạn 12 - 13 tháng.

Một báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào trong cả quý III nhờ nguồn cung vốn tiền đồng tăng qua hoạt động mua ròng ngoại tệ của NHNN và cầu vốn tăng chậm.

Đầu ra chậm … nhưng không còn “bí bách”

Lướt facebook thấy chủ tịch một doanh nghiệp tại Đồng Nai đăng ảnh “chạm” mùa thu Hà Nội, điện thoại hỏi thăm, vị này cười cười nói: “Không có việc gì để làm nên tranh thủ đưa vợ đi Hà Nội chơi”.

Quả là các doanh nghiệp tồn tại được trong giai đoạn này thật không dễ dàng cho dù tâm lý của người dân và cộng đồng doanh nghiệp đã dần ổn định trở lại sau khi đợt dịch Covid-19 lần 2 tiếp tục được được kiểm soát hiệu quả.

TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, số doanh nghiệp tạm ngừng trong tháng 9 là 9.101 doanh nghiệp và tính chung 9 tháng đầu năm, có khoảng 38.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh.

Những thông tin không mấy tích cực về tình hình hoạt động của doanh nghiệp khiến thị trường dấy lên thông tin tăng trưởng tín dụng 10 tháng chững lại. Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tính đến ngày 17/11/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8.790.536 tỷ đồng, tăng 7,26% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 là 10,28%); trong đó, tín dụng bằng VND tăng 7,76%, tín dụng ngoại tệ giảm 0,69%.

Cũng theo vị này, đến tháng 11, NHNN đã cấp room tăng trưởng tín dụng mới cho nhiều ngân hàng, trong đó mức cao nhất là 23% tại Techcombank, TPBank và VIB.

Được biết, tính đến cuối quý III/2020, tăng trưởng tín dụng của TPBank đạt 22,3% - cao nhất toàn ngành và cao hơn 3 lần so với mức tăng bình quân của các ngân hàng niêm yết cùng hệ thống là +7,2%. Báo cáo tài chính của TPBank cho thấy, tăng trưởng tín dụng được thúc đẩy nhờ cho vay các doanh nghiệp lớn tăng mạn 73% so với đầu năm, bao gồm dư nợ tăng 47% và trái phiếu tăng 166%.

Trong số dư trái phiếu doanh nghiệp, khoảng 30% được đầu tư vào ngành bất động sản, với các tên tuổi lớn như Hưng Thịnh Land, Novaland ... Phần còn lại dành cho các công ty trong ngành năng lượng và khai khoáng, bao gồm EVN và các công ty con của Tổng Công ty truyền tải điện (NPT), Công ty Khoáng sản Núi Pháo...

Còn báo cáo tài chính của Vietcombank cho biết, cho vay bán lẻ tiếp tục tăng trưởng cao so với cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn. Cụ thể, trong quý III/2020, cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 5,4% và khách hàng cá nhân tăng 4% so với quý trước (với phần lớn là cho vay mua nhà thế chấp). Lũy kế 9 tháng năm 2020, tăng trưởng cho vay khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ lần lượt đạt 12,2% và 10,5%. Cho vay bán lẻ của Vietcombank chiếm 53,1% trong tổng dư nợ, tăng so với mức 50,7% trong năm 2019.

“Thực tế, mục tiêu chính đợt này tôi ra Hà Nội là để kiểm tra máy móc của hệ thống sản xuất vi sinh học đã mua và đang chuẩn bị chuyển vào miền Nam. Thời gian qua, đầu ra của doanh nghiệp đúng là còn khó khăn, nhưng không ‘bí bách’ như trước. Và quan trọng là doanh nghiệp vẫn phải đầu tư để chuẩn bị cho giai đoạn tới với hy vọng mọi việc tiếp tục tốt dần lên”, vị chủ tịch doanh nghiệp tại Đồng Nai nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục