Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 01, kéo dài thời gian cơ cấu nợ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020.
Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 01, kéo dài thời gian cơ cấu nợ

Tại Điều 4, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, dự thảo Thông tư sửa đổi nêu rõ: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung) khi đáp ứng đầy đủ một số điều kiện.

Cụ thể, phát sinh trước ngày 01/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính (thay vì phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính Quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 03/2021/TT-NHNN);

Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/06/2022 (thay vì phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021 theo Thông tư hiện tại).

Về số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ cũng được sửa đổi và bổ sung trong các trường hợp, đó là số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 đến trước ngày 10/6/2020 và quá hạn trước ngày 17/5/2021;

Số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 01/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước thời điểm dự thảo Thông tư có hiệu lực thi hành.

Thêm vào đó, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được bổ sung thêm điều khoản “kể từ ngày đến hạn của từng số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ”.

Dự thảo sửa đổi cũng quy định việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện đến ngày 30/06/2022 thay vì đến ngày 31/12/2021 như Thông tư hiện hành.

Bên cạnh đó, tại Điều 5 liên quan đến việc miễn, giảm lãi, phí, dự thảo Thông tư cho biết: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 01/8/2021 (thay vì trước ngày 10/6/2020 như Thông tư hiện hành) từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/06/2022 (thay vì đến ngày 31/12/2021 như Thông tư hiện hành) và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid - 19.

Điểm cuối cùng trong dự thảo sửa đổi Thông tư là tại khoản 2 Điều 6. Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung để phù hợp với việc sửa đổi tại Điều 4, Điều 5 nêu trên.

Theo đó, Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại nợ trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư này của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 đến trước ngày 01/8/2021.

Cụ thể, giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu đối với số dư nợ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư này;

Giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày khoản nợ bị chuyển quá hạn đối với số dư nợ quy định tại điểm c, điểm d khoản 3 Điều 4 Thông tư này;

Giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày thực hiện miễn, giảm lãi lần đầu đối với số dư nợ quy định tại Điều 5 Thông tư này.

Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục