Ngân hàng dễ thở hơn với Thông tư 03

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2021 (có hiệu lực từ 17/5/2021) sửa đổi Thông tư 01/2020, trong đó cho phép kéo dài thời gian tái cơ cấu, trích dự phòng với các khách hàng gặp khó khăn do Covid-19 tới 3 năm đã giúp các ngân hàng trút bỏ được lo âu.
Với Thông tư 03, ngân hàng sẽ có thêm điều kiện hỗ trợ nền kinh tế trong kỷ nguyên Covid. Với Thông tư 03, ngân hàng sẽ có thêm điều kiện hỗ trợ nền kinh tế trong kỷ nguyên Covid.

Hàng trăm nghìn tỷ đồng dư nợ được cơ cấu

Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước đưa ra, đến hết năm 2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, với dư nợ gần 335.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 600.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 400.000 khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng ước tính, tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng.

Về phía các ngân hàng, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, kể từ khi dịch xảy ra, Ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng của dịch bệnh theo Thông tư 01 với dư nợ được cơ cấu đến cuối năm 2020 là 5.156 tỷ đồng (nợ gốc 4.438 tỷ đồng, nợ lãi 718 tỷ đồng).

Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, đến cuối 2020, Ngân hàng cũng đã nỗ lực cơ cấu, giãn cho khách hàng theo Thông tư 01 với dư nợ sau tái cơ cấu giảm khoảng 1.000 tỷ đồng trên tổng dư nợ 90.000 tỷ đồng. Theo ông Tùng, nhiều khách hàng được cơ cấu lại nợ đang hồi phục tốt, nhưng vẫn có những khách hàng phải cần thêm thời gian để phục hồi sau dịch bệnh.

Trong khi đó, ACB cho biết, tổng số dư nợ tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng theo Thông tư 01 của Ngân hàng là 9.000 tỷ đồng trên tổng số 311.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của một số tổ chức tín dụng, việc áp dụng Thông tư 01 để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn đã đạt được một số kết quả quan trọng, các khách hàng dần ổn định và phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, du lịch, qua đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.

Ông Nguyễn Cảnh Vinh, quyền Tổng giám đốc Eximbank cho biết, trong bối cảnh thị trường còn có khó khăn nhất định do tác động bởi dịch, nhất là đối với ngành du lịch và một số dịch vụ khác, nhiều khách hàng chưa có khả năng trả nợ đúng hạn như trước khiến nợ xấu tăng. Tuy nhiên, do tín dụng của Eximbank năm rồi tăng trưởng âm, nên Ngân hàng chỉ trích lập khoảng 360 tỷ đồng cho các khoản nợ xấu mua lại từ VAMC chưa xử lý.

Theo ông Vinh, năm vừa qua, dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực lên kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, Eximbank đã có những kế hoạch dự phòng, nỗ lực thực hiện chuyển đổi để thích ứng trong bối cảnh mới, đặc biệt là việc kiểm soát tốt rủi ro hiện hữu với những cải thiện liên tục trong hoạt động và tăng trưởng dài hạn ổn định, giúp Ngân hàng đạt 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Kéo dài thời gian tái cơ cấu, trích dự phòng 3 năm

Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã giúp tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng biến động không quá lớn.

Thế nhưng, sau khi Thông tư 01 hết hạn, theo giới phân tích, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng có khả năng sẽ tăng từ 0,5 - 1 điểm phần trăm và có mức độ phân hóa mạnh giữa các ngân hàng tùy thuộc vào chất lượng tài sản của nhà băng.

Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng, lượng nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01 tương đương khoảng 1% tổng dư nợ cho vay năm 2020 của ngành sẽ trở thành nợ xấu trong 2021.

Tuy nhiên, sau một thời gian chờ đợi, ngày 2/4/2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 03/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020 đưa giới hạn việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí cho khách hàng đến hết ngày 31/12/2021, đồng thời cho phép trích lập dự phòng trong 3 năm tới.

Cụ thể, theo Thông tư 03, các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, thuê tài chính và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến 31/12/2021.

Đồng thời, tổ chức tín dụng đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ lãi đúng hạn theo hợp đồng, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bổ sung thêm điều kiện khách hàng có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tổ chức tín dụng đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đẩy đủ theo thời hạn được cơ cấu.

Tổ chức tín dụng được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ trong hoạt động của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/1/2020 đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/1/2020 thuộc diện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, bao gồm cả phần dư nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và điều chỉnh nhóm nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 29/3/2020.

Ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi của khoản nợ phát sinh từ 23/1/2020 đến trước ngày 10/6/2020 theo quy định của thông tư.

Đối với số dư nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ còn trong hạn theo thời hạn cơ cấu lại, tổ chức tín dụng không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh, phân loại lại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn theo quy định Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Đối với số dư nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ bị quá hạn theo thời hạn cơ cấu lại mà không được tổ chức tín dụng tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại thông tư này, tổ chức tín dụng phải thực hiện phân loại nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ trong hoạt động của tổ chức tín dụng…

Một điều được ngân hàng quan tâm đó là Thông tư 03 cũng đưa ra lộ trình trích lập dự phòng rủi ro trong 3 năm.

Thông tư 03 đưa ra lộ trình trích lập dự phòng rủi ro trong 3 năm, để đến cuối năm 2023, các ngân hàng phải trích đầy đủ 100%.

Theo đó, tổ chức tín dụng phải thực hiện trích lập số tiền dự phòng cụ thể đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ đối với phần nợ được giữ nguyên nhóm nợ và kết quả phân loại nợ đối với dư nợ còn lại của khách hàng.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng sẽ phải xác định số tiền dự phòng phải trích đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ, nhưng không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ; từ đó, xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung.

Trường hợp số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung dương, đến cuối năm 2021, các tổ chức tín dụng phải trích được tối thiểu 30% số tiền phải trích bổ sung. Đến cuối năm 2022 phải trích tối thiểu 60% và đến cuối năm 2023 phải trích đầy đủ 100%.

Lãnh đạo ACB cho biết, tuy dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, nhưng không thể xác định được khi nào dịch sẽ hết. Vì thế, kiểm soát chất lượng tín dụng là vấn đề quan trọng và ACB đã chủ động phân loại nợ để đảm bảo an toàn.

Nếu hoạt động như hiện nay, không có yếu tố khách quan không dự báo được, ACB hoàn toàn có thể kiểm soát được nợ xấu dưới 1%, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 03.

Với OCB, ông Tùng cho biết, Ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng cho các phương án sửa đổi Thông tư 01.

Đến cuối năm 2020, số dư nợ cơ cấu theo Thông tư 01 chỉ chiếm khoảng 1% trên tổng danh mục của Ngân hàng, nên việc sửa đổi Thông tư 01 cũng không làm ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính cũng như kết quả kinh doanh dự kiến của OCB.

Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian tái cơ cấu đến hết năm 2021 và được phép trích lập dự phòng trong 3 năm theo Thông tư 03 sẽ tạo điều kiện cho Ngân hàng.

Ông Tùng chia sẻ, OCB dự kiến kế hoạch tăng trưởng tài sản khoảng 25% và tăng trưởng lợi nhuận 30% trong năm 2021, đồng thời sẽ tiếp tục thực hiện bán vốn cho đối tác ngoại.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, việc kéo dài thời gian cơ cấu lại nhóm nợ quá dài thì hoạt động của hệ thống ngân hàng sẽ thiếu tính bền vững, khó đảm bảo lâu dài.

Tuy nhiên, nếu để thời gian như Thông tư 01 ngắn quá cũng sẽ gây cú sốc cho hệ thống khi nợ xấu tăng vọt. Do đó, việc kéo dài đến cuối năm 2021 khi dịch có thể kết thúc, tiềm lực doanh nghiệp, ngân hàng vững hơn là hợp lý.

Trang Linh
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục