Ngân hàng ngóng “khoán 10” sandbox

0:00 / 0:00
0:00

Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra ồ ạt với tốc độ ánh sáng, mà sự chuyển đổi số ở hệ thống ngân hàng Việt Nam mới ở giai đoạn đầu. Làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra ồ ạt với tốc độ ánh sáng, mà sự chuyển đổi số ở hệ thống ngân hàng Việt Nam mới ở giai đoạn đầu.

Sau buổi làm việc với Bộ Tư pháp vào giữa tuần này, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Liên tiếp tại các diễn đàn, hội thảo về ngân hàng số, chuyển đổi số thời gian gần đây, các fintech lại tha thiết, mong mỏi cơ quan quản lý sớm ban hành khung pháp lý thử nghiệm. Song sớm nhất, phải giữa năm sau, cơ chế thử nghiệm chính thức cho sandbox mới có thể xuất hiện.

Sự phát triển với tốc độ tên lửa của công nghệ đã cho ra đời nhiều mô hình kinh doanh mới chưa từng có tiền lệ, chưa có quy định pháp lý để điều chỉnh (ví dụ mô hình P2P lending, chuyển tiền xuyên biên giới, quản lý tài chính cá nhân, chia sẻ dữ liệu người dùng…). Tất cả doanh nghiệp kinh doanh những lĩnh vực này đều hoạt động cầm chừng giữa hai lằn ranh sáng tối. Khoảng trống pháp lý này đang gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường, cho người dùng và dĩ nhiên là cho cả doanh nghiệp.

Thứ nhất, khung pháp lý chậm ban hành đã làm phát sinh nhiều doanh nghiệp trá hình, biến tướng, điển hình là mô hình P2P lending. Lợi dụng bối cảnh tranh tối tranh sáng, nhiều mô hình tín dụng đen trá hình P2P lending đã cho vay cắt cổ, dồn nhiều người vào cảnh khó khăn. Trong khi đó, các doanh nghiệp P2P lending bài bản, đúng nghĩa lại khó phát triển vì cái nhìn méo mó của thị trường.

Thứ hai, thiếu hàng lang pháp lý, tràn lan cho vay “lậu”, thanh toán “lậu”, chuyển tiền ra biên giới “lậu”… qua các app khiến ngân sách thất thu, cơ quan quản lý không giám sát được dòng tiền.

Thứ ba, chưa có khung pháp lý rõ ràng cũng khiến fintech mất cơ hội, đồng nghĩa với mất tiền và phần nào hạn chế việc thu hút vốn đầu tư chảy vào lĩnh vực nóng nêu trên. Đơn cử, thời gian qua, mô hình ngân hàng ảo (hoàn toàn không có chi nhánh nào) đang bắt đầu bùng nổ trên thế giới và đang ngấp nghé “đổ bộ” vào Việt Nam. Sự chậm trễ trong ban hành sandbox sẽ khiến doanh nghiệp trong nước đi chậm so với nước ngoài.

Thứ tư, thiếu hụt khung pháp lý thử nghiệm sandbox cũng khiến vấn đề an ninh, an toàn bảo mật và bảo vệ người tiêu dùng còn nhiều kẽ hở.

Chính vì những hệ lụy này, việc thiết lập cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam ngày càng trở nên cấp bách.

Cũng phải ghi nhận, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước là một trong những đơn vị tích cực nhất trong xây dựng hành lang pháp lý về chuyển đổi số ngân hàng, fintech. Các quy định về eKYC (định danh điện tử mới ban hành), về tiền điện tử (mobile money), về chuyển tiền xuyên biên giới, đại lý ngân hàng… đã và đang được Ngân hàng Nhà nước gấp rút thúc đẩy. Ngoài ra, Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng cũng được nhiều lần đưa xin ý kiến các bộ, ngành. Sự thận trọng của các bên khiến Dự thảo Nghị định đến nay chưa thể hoàn tất.

Sự thận trọng của các bộ, ngành trong việc đưa ra khung pháp lý thử nghiệm cho fintech là rất cần thiết, bởi lĩnh vực ngân hàng vô cùng nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, tài sản người dân. Trong khi đó, fintech - dù tiềm ẩn không ít rủi ro - song cũng chính là động lực lớn nhất để lĩnh vực tài chính, ngân hàng tăng trưởng đột phá nhờ các mô hình, cách thức kinh doanh mới. Thể chế, chính sách đúng có thể trở thành một “khoán 10”, khiến fintech bùng nổ, làm nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực ngân hàng liên quan tới hoạt động thanh toán, cho vay, chia sẻ dữ liệu…

Trong một số trường hợp, cơ chế chính sách đi sau thực tế là điều dễ hiểu, nhưng với tốc độ đổi mới của công nghệ như hiện nay, người làm chính sách không thể đi theo quy trình cũ, mà phải đẩy nhanh tốc độ để song hành cùng đời sống. Người làm chính sách cũng phải bước ra khỏi vùng an toàn, mạnh dạn chấp nhận cho phép thử nghiệm để dần xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp.

Dự báo, tới năm 2025, hơn 30% doanh thu của ngân hàng sẽ đến từ các mô hình mới bắt tay cùng fintech, số vụ giao dịch qua ví điện tử có khả năng vượt số vụ giao dịch qua tài khoản ngân hàng, các khoản vay tiêu dùng cũng sẽ được giải ngân chủ yếu qua mạng…

Làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra ồ ạt với tốc độ ánh sáng, mà sự chuyển đổi số ở hệ thống ngân hàng Việt Nam mới ở giai đoạn đầu. Nếu không sớm xây dựng hành lang pháp lý thử nghiệm phù hợp, để vừa khu biệt rủi ro, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình kinh doanh mới phát triển, thì chúng ta sẽ có nguy cơ tụt hậu so với thế giới và không giải quyết được các vấn đề phát sinh trong thực tế. Câu chuyện giữa Grab và Tổng cục Thuế thời gian qua chính là ví dụ điển hình.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục