Cần sandbox cho công chức để thực thi hiệu quả đột phá chiến lược

0:00 / 0:00
0:00

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, để có đột phá trong thực thi, đòi hỏi khả năng chấp nhận thử nghiệm, chấp nhận sai lầm...

Theo TS Võ Trí Thành, điểm mấu chốt trong chiến lược phát triển giai đoạn tới của đất nước là chọn đúng ưu tiên đột phá, từ đó dồn nguồn lực, sức sáng tạo để thực thi hiệu quả. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi khả năng chấp nhận thử nghiệm, chấp nhận sai lầm... để có đột phá trong thực thi.

Thưa ông, nghiên cứu các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông có suy nghĩ gì?

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh.

Điều đầu tiên tôi muốn nói là tầm nhìn, khát vọng và mục tiêu phát triển đã được xác định khá rõ ràng trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 10 năm tới đây.

Thứ nhất, khát vọng, mục tiêu đó được gắn với các giá trị phát triển của nhân loại, của thời đại, gồm phát triển bền vững, bao trùm, sáng tạo.

Thứ hai, những khát vọng, mục tiêu được gắn cải cách với hội nhập, với xu thế vận động của thời đại, từ công nghệ, lối sống, cách sống, các vấn đề biến đổi khí hậu…

Thứ ba, khát vọng phát triển thể hiện được ý chí, quyết tâm cải cách. Điều này thể hiện rõ trong 3 đột phá chiến lược là thể chế; khoa học và phát triển nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng, gồm cả hạ tầng số. Các kế hoạch đột phá này đều được gắn với đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy năng suất, phát triển tư nhân, chuyển đổi số…

Có thể nói, trọng tâm cải cách, hướng đi cho cả giai đoạn tới trong chừng mực nào đó đã khá rõ lộ trình.

Khi đánh giá việc thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, Dự thảo văn kiện đã đánh giá, dù các đột phá chiến lược được xác định đúng hướng, nhưng tổng thể việc thực hiện còn chậm…

Các đột phá chiến lược đều gắn với đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy năng suất, chuyển đổi số... Ảnh: Chí Cường
Các đột phá chiến lược đều gắn với đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy năng suất, chuyển đổi số... Ảnh: Chí Cường

Theo tôi, thực tế trên có mấy nguyên nhân.

Một là, chúng ta đã nhận ra phải cải cách, nhưng có vẻ nhận thức đó chưa chuyển hóa thành tính quyết liệt, ý chí mạnh mẽ, nhất là ở các cấp lãnh đạo.

Hai là, thiếu cơ chế thực hiện một cách linh hoạt. Việt Nam đang dần xây dựng nhà nước pháp quyền, nhưng chúng ta lại đang rất cần sự sáng tạo, quyết liệt để cải cách, để bám kịp xu thế. Trong bối cảnh này, sẽ có những lúc cần phải lựa chọn giữa chấp nhận thử nghiệm, chấp nhận thử sai để tìm ra hướng đi mới và tuân thủ các quy định hiện hữu. Nếu không có tư duy rõ ràng cho vấn đề này, sẽ có những khó khăn trong thực hiện các đột phá.

Thực tế thực hiện Chiến lược cho thấy, chúng ta không thiếu ý tưởng, đặt ra được nhiều vấn đề, nhưng khâu thực thi, bao gồm thiết kế và điều chỉnh thiết kế để đảm bảo tầm nhìn, định hướng được thực thi có thể nói là yếu.

Ba là, với nguồn lực hạn chế, trong nhiều công việc cần phải làm, thì khó khăn là chọn ưu tiên để tập trung nguồn lực, thể chế, thiết kế thực thi một cách hiệu quả nhất.

Đó là những nguyên nhân mấu chốt lý giải tại sao, chúng ta có khát vọng, có ý chí, đã đặt ra được các yêu cầu cải cách, tái cấu trúc, có thể chưa hoàn hảo, nhưng phù hợp với xu thế, bước ngoặt của đất nước, nhưng kết quả thực thi thì chậm, rất chậm...

Nói vậy cũng để thấy những nút thắt cần phải gỡ trong giai đoạn tới đây. Nhưng theo ông, điểm thắt nào cần phải ưu tiên gỡ trước tiên?

Có lẽ cần xác định cơ chế thực thi quyết liệt, nhanh ngay trong các văn kiện, để định hướng cho các hành động cụ thể tiếp sau.

Lúc này, chúng ta đang nói nhiều đến sandbox (thử nghiệm cơ chế) cho start-up. Khi những sáng tạo, mô hình kinh doanh mới chưa được hình dung rõ ràng, chưa có cơ chế, khung khổ pháp lý điều chỉnh, thì việc cho phép thực hiện sandbox sẽ thúc đẩy các start-up không ngần ngại vượt qua các quy định hiện hành để sáng tạo.

Đây cũng là điều mà các công chức đang cần, để thúc đẩy trách nhiệm, sức sáng tạo của công chức trong xây dựng chính sách, cũng như thiết kế thực thi.

Theo quan điểm của tôi, đây cũng là thời điểm cần huy động đội ngũ chuyên gia, tư vấn độc lập, có kinh nghiệm, hiểu được các vấn đề kỹ thuật để tham vấn từ ý tưởng, đến thiết kế cơ chế thực thi và giám sát thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, việc thiết kế thực thi vào thời điểm thế giới đầy biến động như hiện nay cần chuẩn bị hệ thống quản trị rủi ro, có các kịch bản cho nhiều tình huống phát sinh.

Về các đột phá chiến lược, Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 vẫn xác định 3 ưu tiên. Một là thể chế. Hai là nguồn nhân lực. Ba là kết cấu hạ tầng. Quan điểm của ông về nội dung này?

Cải cách thể chế vẫn phải là ưu tiên đột phá, nhưng cần được xác định rõ là thực hiện theo hướng gắn cải cách bên trong với xu thế bên ngoài, gắn với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Điều này có nghĩa là xác định rõ cải cách thể chế kinh tế thị trường theo hướng chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt nhất.

Trong nội dung này, tôi muốn nhấn mạnh đến đòi hỏi một nhà nước pháp quyền dựa trên thực tài, có hệ thống động lực, cơ chế thưởng - phạt gắn với sự sáng tạo, hiệu quả công việc, thay vì hành chính hóa mọi quy trình. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, vì bên cạnh sáng tạo trong xây dựng chính sách, thì việc thực thi đột phá chiến lược đòi hỏi sự sáng tạo và trách nhiệm rất cao.

Trong đột phá nguồn nhân lực, quan điểm của tôi là ưu tiên kỹ năng mới và đặc biệt là cải cách đại học và cơ chế thu hút nhân tài.

Trong phát triển khoa học, công nghệ, phải gắn với kinh tế thị trường, gắn với sự phát triển của khu vực tư nhân. Cách đây vài năm, khi nói về hệ thống sáng tạo, đổi mới quốc gia, với mối quan hệ nhà nước, viện nghiên cứu/nhà trường, doanh nghiệp, thì vai trò nhà nước chi phối, dẫn dắt rất rõ. Nhưng hiện tại, doanh nghiệp đang đóng vai trò trung tâm của hệ thống đổi mới, sáng tạo. Nhiều trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp đang là cái nôi của khởi nghiệp sáng tạo, của các ý tưởng kinh doanh, mô hình kinh doanh mới.

Đổi mới của Việt Nam lâu nay vẫn được nhắc đến là những sáng tạo từ dưới lên, thưa ông?

Điều này chỉ hoàn toàn đúng khi nói đến giai đoạn cuối những năm 1970, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, với Khoán 100, Khoán 10 trong nông nghiệp, với kế hoạch 3 thành phần của xí nghiệp quốc doanh… Sau khi các sáng kiến từ người dân, cấp cơ sở xuất hiện, thử nghiệm, Đảng, Nhà nước nghiên cứu, đúc rút từ thực tế và chuyển thành chính sách, cơ sở pháp lý để thực hiện trên toàn quốc.

Nhưng giai đoạn sau Đổi mới, dù cải cách vẫn gắn với lắng nghe phản hồi thị trường, lắng nghe doanh nghiệp, công chúng, nhưng gắn nhiều với top-down (thay đổi tư duy từ trên xuống). Có thể thấy rõ trong các quyết định liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, từ Luật Đầu tư nước ngoài năm 1988, quyết định gia nhập ASEAN năm 1995…

Hiện tại, theo tôi, động lực của cải cách đang cần áp lực cả hai phía, ý chí từ trên xuống (top-down) cộng với sáng kiến từ dưới lên. Không thể nói ý chí từ trên hay sáng kiến ở dưới quan trọng hơn vào thời điểm này.

Vì thực tiễn đang biến động nhanh và phức tạp, nếu chỉ áp dụng mô hình top-down sẽ không đủ linh hoạt, không đủ nhận biết để nắm bắt được các thay đổi, chuyển động của thị trường, chuyển động của thực tiễn, rất có thể rơi vào tình thế duy ý chí. Ý chí, tư duy cải cách cần liên tục tham khảo phản hồi từ thực tiễn.

Nhưng, nếu chỉ chạy theo yêu cầu của thực tiễn cũng không phải là giải pháp, vì yêu cầu, đòi hỏi của cải cách hiện tại phức tạp hơn giai đoạn trước rất nhiều, không chỉ là các vấn đề kinh tế, không chỉ là đòi hỏi tăng trưởng, mà còn là tư duy phát triển. Nếu không có ý chí chính trị, sự quyết tâm của cả hệ thống, thì sẽ rất khó thực hiện…

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục