Thực trạng số hóa trong ngành tài chính - ngân hàng
Ngành ngân hàng Việt Nam đang trải qua một cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và sự thay đổi nhanh chóng trong hành vi của khách hàng. Điểm nhấn nổi bật là sự bùng nổ của các dịch vụ ngân hàng số. Từ những ứng dụng ngân hàng di động ban đầu chỉ cung cấp các chức năng cơ bản như kiểm tra số dư và lịch sử giao dịch (khoảng những năm 2010 từ các ngân hàng lớn như Vietcombank, Techcombank, VPBank), hiện nay, khách hàng có thể thực hiện hầu hết giao dịch ngân hàng mọi lúc, mọi nơi.
Các ứng dụng này không chỉ tiện lợi mà còn tích hợp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng như thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại, đặt taxi…, cùng với sự phát triển của ví điện tử, góp phần đáng kể vào sự phổ biến của thanh toán không dùng tiền mặt, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về thanh toán điện tử tại Đông Nam Á. Thống kê của VECOM cho thấy, năm 2023, giao dịch không dùng tiền mặt tăng 50% (đạt 11 tỷ giao dịch), thanh toán Internet tăng 56% và thanh toán di động tăng 67%, dự báo thanh toán QR-code năm 2024 sẽ tăng gấp ba.
Hành trình số hóa này đòi hỏi ngân hàng phải nỗ lực rất lớn, bắt đầu từ việc số hóa hồ sơ khách hàng để đảm bảo quản lý thông tin chính xác và thống nhất. Tiếp đó là việc số hóa và tự động hóa các quy trình nghiệp vụ nội bộ, tối ưu hóa hiệu quả và độ chính xác, cho phép xử lý giao dịch thời gian thực. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) trong Chatbot giúp phân tích dữ liệu, phát hiện gian lận, ứng dụng công nghệ Blockchain trong thanh toán và quản lý tài sản, ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) để hiểu khách hàng tốt hơn và cung cấp dịch vụ cá nhân hóa là những minh chứng rõ nét.
Tuy nhiên, hành trình này không thiếu thách thức. Mối lo về an ninh mạng và các hoạt động lừa đảo ngày càng tinh vi luôn hiện hữu. Bên cạnh đó, ngân hàng phải đối mặt với áp lực đầu tư lớn vào công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cuối cùng là cạnh tranh khốc liệt từ các ngân hàng và công ty Fintech trong và ngoài nước.
|
Open Banking mở ra cơ hội cho ngân hàng mở rộng thị trường, thu hút khách hàng bằng các dịch vụ tối ưu và đa dạng hơn thông qua hợp tác với các đối tác |
Thuận lợi và thách thức khi thực hiện ngân hàng mở
Open Banking đang là xu hướng tất yếu của ngành tài chính toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Với sự dẫn dắt của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng tại đang bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng để đáp ứng tiêu chuẩn Open Banking. Điều này hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho các ngân hàng.
Về cơ hội, khách hàng được hưởng lợi nhiều nhất. Việc chia sẻ dữ liệu giữa các ngân hàng và các bên thứ ba được ủy quyền thông qua giao diện lập trình ứng dụng (API) cho phép ngân hàng cá nhân hóa sản phẩm và dịch vụ, đồng thời khách hàng có thể quản lý tài chính dễ dàng hơn trên một nền tảng tích hợp thay vì nhiều hệ thống riêng lẻ. Khả năng thanh toán nhanh chóng và an toàn hơn cũng được cải thiện đáng kể.
Đối với ngân hàng, Open Banking mở ra cơ hội mở rộng thị trường, thu hút khách hàng bằng các dịch vụ tối ưu và đa dạng hơn thông qua hợp tác với các đối tác. Việc sử dụng API giúp tự động hóa quy trình, giảm chi phí, tăng năng suất và giúp đưa ra quyết định kinh doanh chính xác hơn dựa trên dữ liệu khách hàng.
Hơn một thập kỷ chuyển đổi số vừa qua đã tạo nên sự gắn kết và thống nhất cao trong hệ thống tài chính - ngân hàng về tiêu chuẩn kỹ thuật và dịch vụ. Đơn cử như các ngân hàng tham gia hệ thống chuyển tiền nhanh 24/7 NAPAS đều tuân theo một tiêu chuẩn chung về trao đổi, xác thực thông tin tài khoản khách hàng, cũng như các quy trình trao đổi tài chính. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện rất tốt vai trò “nhạc trưởng”, yêu cầu các ngân hàng tổ chức tài chính trong nước phải tuân thủ việc chuẩn hóa các quy trình về báo cáo tài chính, bảo mật dữ liệu cá nhân, hay xác thực sinh trắc học. Các quy định đó không chỉ thực hiện nhiệm vụ xây dựng một hệ thống tài chính an toàn, bảo mật và minh bạch hơn, mà còn giúp tất cả các tổ chức tham gia tạo thành thói quen nắm bắt và vận dụng những công nghệ, kỹ thuật mới nhất trong ngành tài chính thế giới. Nhờ vậy, Việt Nam không gặp bỡ ngỡ khi bắt tay cùng nhau xây dựng và áp dụng rộng rãi tiêu chuẩn Open Banking đồng nhất giữa tất cả các ngân hàng tham gia.
Tuy nhiên, khi bước vào hành trình này, có những thách thức và rủi ro sẽ phải đối mặt. Nguy cơ lớn nhất luôn là vấn đề bảo mật thông tin, việc chia sẻ dữ liệu tăng nguy cơ bị tấn công mạng và rò rỉ thông tin khách hàng. Các hệ thống ngân hàng cần được đánh giá lại và nâng cấp để có thể đảm bảo an toàn cho dữ liệu.
Về mặt kinh doanh, Open Banking tạo ra một thị trường cạnh tranh hơn, đòi hỏi các ngân hàng phải không ngừng đổi mới. Các công ty Fintech và các tổ chức tài chính khác cũng sẽ dễ dàng tham gia vào thị trường nhờ việc tiếp cận với các thông tin được chia sẻ. Cuối cùng, hành trình mới này có yêu cầu rất cao về nền tảng kỹ thuật, tạo áp lực lớn lên thị trường nhân lực vốn đã đang thiếu hụt nhân sự có chuyên môn về công nghệ thông tin và tài chính.
Đường đến thành công trong kỷ nguyên Open Banking
Để thành công trong kỷ nguyên Open Banking, các ngân hàng cần thực hiện đồng bộ nhiều chiến lược quan trọng. Trước hết, đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ là yếu tố cốt lõi. Việc nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, mà còn đảm bảo an ninh mạng vững chắc. Các ngân hàng cần xây dựng các nền tảng số linh hoạt và mở rộng, bao gồm cả phần cứng và phần mềm, đồng thời áp dụng các giải pháp bảo mật tiên tiến để chống lại các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng tinh vi.
Bên cạnh đó, việc phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là một yếu tố then chốt. Open Banking đòi hỏi đội ngũ nhân sự phải có sự am hiểu sâu rộng cả về công nghệ lẫn tài chính. Các ngân hàng cần chú trọng đào tạo lại nhân viên hiện tại và tuyển dụng thêm chuyên gia công nghệ thông tin, chuyên gia an ninh mạng và chuyên gia dữ liệu. Môi trường làm việc năng động và các chính sách lương, thưởng cạnh tranh sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân nhân sự tài năng, giúp ngân hàng tiếp cận những công nghệ và giải pháp tài chính tiên tiến.
Hơn nữa, việc xây dựng hệ sinh thái đối tác chiến lược là một yếu tố không thể thiếu. Các ngân hàng cần chủ động tìm kiếm và xây dựng quan hệ đối tác với các công ty Fintech, Startup công nghệ tài chính và các tổ chức tài chính khác. Sự hợp tác này sẽ giúp các ngân hàng tận dụng được thế mạnh của mỗi bên, cùng phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, đồng thời tạo ra một hệ sinh thái tài chính số toàn diện. Việc hợp tác sẽ góp phần tạo ra những giải pháp đổi mới sáng tạo, giúp ngân hàng nâng cao khả năng cạnh tranh trong thị trường tài chính hiện đại.
Chuyển đổi mô hình kinh doanh cũng là một chiến lược quan trọng trong việc phát triển Open Banking. Các ngân hàng cần thay thế mô hình kinh doanh truyền thống bằng các mô hình dựa trên dữ liệu và công nghệ. Dữ liệu khách hàng sẽ trở thành tài sản quý giá và việc khai thác dữ liệu này hiệu quả sẽ giúp ngân hàng cá nhân hóa dịch vụ, tạo ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng và tối ưu hóa trải nghiệm của họ. Sự phân tích dữ liệu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các quyết định kinh doanh chiến lược, giúp ngân hàng dễ dàng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Cuối cùng, việc tuân thủ pháp luật và tiêu chuẩn bảo mật là yếu tố không thể thiếu. Các ngân hàng cần đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo mật thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân để xây dựng lòng tin với khách hàng và đối tác. Việc minh bạch và tuân thủ pháp luật sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của các ngân hàng trong thời đại Open Banking, đồng thời giúp ngân hàng duy trì sự ổn định và an toàn trong quá trình chuyển đổi số.