Chuyển đổi số đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong xu thế bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như các ngành, lĩnh vực khác, hoạt động chuyển đổi số cũng đang được ngành tư pháp thúc đẩy triển khai, đặc biệt trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản.
Ngành tư pháp đang đẩy mạnh chuyển đổi số Ngành tư pháp đang đẩy mạnh chuyển đổi số

Ngành tư pháp ban hành kế hoạch chuyển đổi số

Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 và Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ra Quyết định số 983/QĐ-BTP ngày 10/6/2021 về việc ban hành Kế hoạch “Chuyển đổi số ngành tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với những mục tiêu, quan điểm, nội dung và giải pháp cụ thể thực hiện chuyển đổi số của ngành.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Quyền Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp

Ông Nguyễn Hồng Hải, Quyền Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp

Riêng lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm đã giao Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm: (i) Phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan thực hiện việc quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số đối với thông tin về kết quả đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu; (ii) Thực hiện việc khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử trong hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm luôn nhận thức đầy đủ các quan điểm, chủ trương, quy định của pháp luật nêu trên để có một tầm nhìn tổng thể và lộ trình, bước đi, ưu tiên cụ thể, phù hợp, khả thi, hiệu quả và an toàn trong điều kiện thực tế công tác quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm góp phần tích cực vào quá trình xây dựng chính phủ số, trong đó có tiến tới chính phủ số ngành tư pháp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát

Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp cá nhân tôi nhận thấy, cần có mục tiêu tổng quát là cụ thể hóa việc triển khai thực hiện toàn diện, hiệu quả, đúng mục tiêu được quy định tại Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Quyết định số 983/QĐ-BTP ngày 10/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch “Chuyển đổi số ngành tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, cá nhân tôi nhận thấy, cần xác định là:

Chuyển đổi số trong đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản và quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm là nhiệm vụ trọng tâm, nhất quán, chiến lược của Bộ Tư pháp nói chung, của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm nói riêng.

- Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả và an toàn thông tin, dữ liệu của dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập trên môi trường mạng khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động;

- Áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt đối với 100% phí đăng ký, phí cung cấp thông tin, phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm bằng động sản hoặc các nghĩa vụ thanh toán khác mà người yêu cầu đăng ký, người yêu cầu cung cấp thông tin phải thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận;

- 100% báo cáo định kỳ liên quan đến quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm (không bao gồm nội dung thuộc bí mật Nhà nước) của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Tư pháp hoặc của quốc gia, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành;

- 100% cơ sở dữ liệu đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản được xây dựng và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; có năng lực cung cấp báo cáo phân tích, tổng hợp phục vụ quản lý nhà nước và phân tích, nghiên cứu chính sách; thực hiện một bước việc kết nối, chia sẻ hệ thống thông tin, dữ liệu số giữa Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm với hệ thống thông tin, dữ liệu số của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

- 85% hoạt động kiểm tra của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đối với hệ thống đăng ký trực tuyến tại các trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của ngành tư pháp quản lý;

- Hoàn thành nghiên cứu cơ bản, tổng thể đảm bảo sự ổn định, khả thi, thống nhất có tính bao quát cao với thực tiễn của cơ sở pháp lý về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đăng ký biện pháp bảo đảm, trong đó có cung cấp dịch vụ công về đăng ký biện pháp bảo đảm trên môi trường số, cơ chế pháp lý đối với tài sản được dùng để bảo đảm hình thành từ các chuỗi cung ứng vốn, kinh tế số, công nghệ số; đề xuất xây dựng Luật Các biện pháp bảo đảm.

Mục tiêu cơ bản đến năm 2030, cá nhân tôi nhận thấy, cần dự kiến là:

- Đề xuất, trình cấp có thẩm quyền xây dựng và ban hành Luật Các biện pháp bảo đảm - luật của chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm;

- Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản ổn định, đạt chất lượng cao ở mức độ 4, có đủ năng lực đáp ứng kịp thời những yêu cầu mới, điều kiện mới về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, về quản lý, về chính phủ điện tử, về kinh tế số, xã hội số, tài sản số và hội nhập quốc tế;

- 100% hồ sơ đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản và hồ sơ quản lý công việc tại Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và các trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục được xử lý trên môi trường số và hệ thống thông tin của ngành tư pháp quản lý nói chung, của hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản nói riêng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước);

- Áp dụng 100% thanh toán không dùng tiền mặt đối với phí đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản, phí cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản, phí mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm bằng động sản, hoặc đối với nghĩa vụ thanh toán khác; có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu mới, điều kiện mới về mọi phương thức thanh toán hợp pháp trên môi trường số;

- Hoàn thành kết nối, chia sẻ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu số về biện pháp bảo đảm bằng động sản với hệ thống thông tin khác, cơ sở dữ liệu khác của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thuộc lĩnh vực tiến hành tố tụng, thi hành án, đăng ký tài sản, giao dịch, công chứng, đấu giá…; kết nối, chia sẻ dữ liệu phù hợp cho các tổ chức, doanh nghiệp theo yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật (trừ nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước);

- 100% hoạt động kiểm tra của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công tại các trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục; 100% hoạt động kiểm tra hoặc hoạt động phối hợp công tác với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin trong trường hợp cơ quan, tổ chức này có cơ sở hạ tầng thông tin phù hợp.

Quan điểm và giải pháp tiếp cận

Để thực hiện được mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể nêu trên, cá nhân tôi nhận thấy, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cần được thực hiện trên quan điểm và giải pháp tiếp cận là:

Thứ nhất, chuyển đổi số trong đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản và quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm là nhiệm vụ trọng tâm, nhất quán, chiến lược của Bộ Tư pháp nói chung, của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm nói riêng; thống nhất và đồng bộ các giải pháp cả về nguồn lực và cơ chế thực hiện, trong đó xác định nâng cao nhận thức và năng lực chuyên môn của nguồn nhân lực thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm nói chung, của các trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục là yếu tố quyết định.

Thứ hai, xác định thể chế và công nghệ là động lực cho chuyển đổi số về đăng ký biện pháp bảo đảm và quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm. Đối với công nghệ, cập nhật và bao quát được xu thế phát triển mới về công nghệ thông tin, của kinh tế số, đáp ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu về hội nhập quốc tế, nhất là trong lĩnh vực tài chính, tín dụng, hàng hóa và logistics... Đối với thể chế, thể chế về đăng ký biện pháp bảo đảm cần đi trước một bước để tạo cơ sở cho sự kiến tạo, chấp nhận và thử nghiệm quy trình quản lý hiện đại, quy trình đăng ký mới về biện pháp bảo đảm dựa trên môi trường số, có thể đi trước một bước so với mặt bằng chung đối với nội dung thuộc thế mạnh của đăng ký biện pháp bảo đảm và cần dựa trên các nguyên tắc và định hướng lớn sau đây:

- Bảo đảm tôn trọng, thực thi quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền tự do giao dịch của người dân, doanh nghiệp khi tiếp cận và sử dụng dịch vụ công về đăng ký biện pháp bảo đảm nói chung và trên môi trường số nói riêng;

- Có chính sách pháp lý, ổn định, khả thi cho xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm theo hướng chuyên nghiệp hóa, có năng lực đáp ứng đầy đủ yêu cầu, điều kiện khi thực hiện hoạt động quản lý, hoạt động đăng ký hoặc hoạt động cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm trên môi trường số;

- Có cơ chế pháp lý cụ thể, có tính bao quát, linh hoạt phù hợp với đặc thù của tài sản bảo đảm là động sản, nhất là tài sản hình thành từ các chuỗi cung ứng hàng hóa, tài sản hình thành từ kinh tế số, công nghệ số;

- Xây dựng cơ sở pháp lý ổn định, có tính khả thi, an toàn cho hệ thống đăng ký trực tuyến, hệ thống cơ sở dữ liệu có tính liên thông, kết nối cao với các hệ thống thông tin, dữ liệu khác như hệ thống thông tin quản lý về quyền sử dụng, quyền sở hữu, quyền lưu hành tài sản; hệ thống thông tin của tòa án, cơ quan tiến hành tố tụng khác, thi hành án, công chứng, ngân hàng…;

l Hoàn thiện các giải pháp pháp lý đồng bộ, thống nhất, khả thi về chuyển đổi số trong cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, giúp người dân và doanh nghiệp, nhất là các chủ thể cung ứng vốn trên thị trường có được đầy đủ thông tin minh bạch, thuận lợi, kịp thời và an toàn trong xác định tài sản dùng để bảo đảm các khoản vay và trong xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm nói chung và trên nền tảng số nói riêng;

Thứ ba, chuyển đổi số trong đăng ký biện pháp bảo đảm phải xác định phục vụ thị trường, thúc đẩy sự phát triển, an toàn, hiệu quả của các chuỗi cung ứng vốn, chuỗi cung ứng hàng hóa nói chung, trên môi trường số nói riêng và của các giao dịch có liên quan của người dân, doanh nghiệp.

Thứ tư, an toàn thông tin số là yếu tố xuyên suốt trong quá trình thiết kế, xây dựng, vận hành hệ thống quản lý, hệ thống đăng ký trực tuyến, hệ thống cung cấp thông tin; an toàn cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm và về các tài nguyên số khác có liên quan.

Thứ năm, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan đến quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm, về đăng ký tài sản, giao dịch nói chung, đăng ký biện pháp bảo đảm nói riêng; tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn trong thực hiện các nội dung, các hoạt động thuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảmn

Nguyễn Hồng Hải

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục